Tạo động lực phát triển nông nghiệp bền vững
Để nâng cao giá trị, khẳng định chất lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản trên thị trường trong nước và quốc tế, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Thời gian qua, huyện Thạch Thành luôn quan tâm, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình liên kết, hợp tác; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu là nông, lâm sản có thế mạnh của địa phương. Tại nhiều xã, thị trấn, các hộ nông dân đã thành lập HTX, tổ hợp tác, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Điển hình như chuỗi liên kết trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC giữa Công ty CP Chế biến gỗ Xuân Sơn với 111 nhóm hộ, 1.575 thành viên trên địa bàn 11 xã; tổng diện tích thực hiện hơn 3.327ha.
Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn, như: không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không đốt thực bì; doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân... Ông Trịnh Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Xuân Sơn, cho biết: "Thực hiện liên kết trồng và quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đồng thời đáp ứng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn FSC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Minh chứng rõ nét chính là sản lượng gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ được doanh nghiệp cam kết mua lại với giá cao hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường. Sản phẩm gỗ FSC trên địa bàn huyện được chúng tôi liên kết với Công ty CP Lâm sản Nam Định (đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu FSC sang thị trường các nước châu Âu) thu mua sản phẩm keo cho bà con nông dân".
Nhiều năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân. Bà Đỗ Thị Hoa, giám đốc HTX, cho biết: "Tham gia chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, người dân chỉ tập trung sản xuất còn HTX cung ứng giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, giá cả. Hiện nay, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hàng trăm tấn/năm với Công ty Tập đoàn Thái Bình Seed; chuỗi tiêu thụ rau, củ, quả với một số doanh nghiệp như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Giống cây trồng Việt Nam... nhờ đó người dân địa phương ngày càng tin tưởng, chủ động tham gia làm thành viên HTX nhằm nâng cao trình độ sản xuất và giá trị của sản phẩm”.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 1.200 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, bao gồm: lúa gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Năm 2024, cung ứng ra thị trường trên 600.000 tấn thực phẩm tiêu dùng các loại. Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông sản an toàn đã góp phần thay đổi nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm, nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm soát, nhận diện và đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm của các tác nhân tham gia chuỗi. Đồng thời, tăng trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo đảm về chất lượng sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn để cung ứng ra thị trường.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương nhân rộng và mở rộng chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn, triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm đưa ra thị trường tuân thủ các quy định về bao bì, nhãn mác và chất lượng sản phẩm; ưu tiên các sản phẩm chuỗi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-237206.htm