Nhịp cầu Thương

Từ ngày có cây cầu Thương bắc qua con kênh Thương, mấy đứa trẻ đến trường không còn cảnh qua kênh lụy đò. Và cầu Thương cũng bắc nhịp cho một chuyện tình nam thanh nữ tú...

- Lan, sao trống trường đã điểm mà em còn đứng đây?

- Nghe anh Hưng hỏi, cô bé khóc nức nở: “Đò ông Sáu hôm nay nghỉ nhưng em quên mất. Giờ mà đến lớp trễ em sợ cô giáo la”.

Anh Hưng cười, nụ cười hiền như con kênh chảy qua phía trước sân nhà. Xoa đầu Lan, anh dịu giọng: “Để anh mượn đò ông Sáu đưa em sang bờ vào lớp học. Cô giáo không la rầy đâu mà em sợ”.

Con đò nhỏ cặp mé kênh Thương, anh dắt Lan vào lớp. Như hiểu nỗi niềm, biết điệp khúc mỗi bận đến trường phải lụy đò, cô giáo cảm thông, nhỏ giọng với Lan: “Em vào chỗ ngồi đi”.

Ở cái xứ sông nước này, chuyện học sinh đến trường trễ như “cơm bữa”. Hôm nay, ông Sáu đưa đò ngã bệnh, tụi nhỏ có đứa nghỉ luôn ở nhà vì hổng ai lái đò đưa qua sông tìm chữ. Ông Sáu là thương binh hạng 3/4. Sau khi nghỉ hưu, ông trở về quê, gắn bó phần đời còn lại với xứ bưng biền. Một thân một mình, số tiền chế độ hưởng hàng tháng, cộng với mấy chục con gà ông nuôi cũng đủ sống. Vậy mà, ông không chịu nghỉ ngơi. Thấy con đường tìm chữ của mấy đứa nhỏ ở xóm này vất vả quá, ông mua chiếc đò nhỏ để đưa tụi nhỏ qua kênh đến lớp.

Từ ngày có ông Sáu, tụi nhỏ đỡ phải đi đường vòng, vừa xa, vừa mệt. Chiếc đò tuy nhỏ nhưng ông Sáu cũng trang bị áo phao cho an toàn. Mỗi ngày, cứ sáng tinh mơ, ông Sáu lại ra bến chờ mấy đứa nhỏ. Khi điểm danh đủ mặt, ông lại ngược xuôi trên dòng kênh Thương, đưa học trò qua bến.

Rồi vết thương chiến tranh còn nằm lại trong cơ thể đau nhức khi trở trời trái gió, ông Sáu phải nhập viện và tạm dừng chuyện chạy đò đưa học sinh đến lớp.

- Khi nào ông Sáu khỏe lại sẽ chở mấy đứa đi học nhen.

Tụi nhỏ đồng thanh “Dạ” mà mặt mày đứa nào đứa nấy buồn thiu. Tụi nhỏ không quên nói: “Ông Sáu ráng mau khỏe để đưa tụi con đến trường nhen ông Sáu”.

Vắng ông Sáu đưa đò, con đường đến trường của tụi nhỏ dài hơn, ngoằn ngoèo và xa tít tắp…

*

Anh Hưng - sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí nhưng từ ngày ra trường đã chọn quay về quê, gắn với mảnh vườn của ông bà để lại cho cha mẹ. Cha anh hy sinh trong chiến tranh, mình mẹ tảo tần nuôi anh ăn học. Khi anh tốt nghiệp, có tấm bằng cử nhân cũng là lúc mẹ anh đã già, sức khỏe đã yếu. Thương mẹ, báo hiếu mẹ, anh về quê cạnh kề chăm sóc sớm hôm.

Sáng chiều, anh vui với ruộng vườn. Thỉnh thoảng, “máu nghề” làm báo lại trỗi dậy, anh cộng tác với một số tờ báo ở thị thành. Anh viết những gì mình thấy, những điều mình nghe. Viết một cách chân thực, giàu cảm xúc.

Và dĩ nhiên, gắn bó với quê hương xứ sở, tình yêu mảnh đất bưng biền, con người nơi quê nhà cứ da diết trong anh. Anh yêu những đứa trẻ vô tư trong bộ đồng phục học sinh, cứ sáng sáng, chiều chiều ra bến đợi ông Sáu đưa đò qua dòng kênh Thương đến lớp.

Khi người ta yêu thương một miền đất, một con người thì khi đất đổi mới hay thấy người gặp khó, hẳn nhiên người ta sẽ vui, sẽ buồn, sẽ đau và trắc ẩn…

Nhìn Lan, Hồng,... và mấy đứa nhỏ nhọc nhằn trên hành trình tìm con chữ, anh Hưng mơ một cây cầu bắc qua kênh Thương. Ước mơ ấy cũng là của mấy đứa nhỏ và người dân nơi này.

Đêm. Trong căn phòng nhỏ với ánh sáng vừa đủ. Anh Hưng gác tay lên trán, trằn trọc nghĩ về chuyện xây cầu. Mở laptop, anh bắt đầu gõ phím. Những thông tin, hình ảnh về câu chuyện “lụy đò đi tìm con chữ” được anh nắn nót thành bài gửi cộng tác đến tòa soạn.

*

- Mai, em làm gì ở đây? - anh Hưng hỏi với vẻ ngạc nhiên khi gặp lại cô bạn cũ.

- Tòa soạn nhận được bài viết từ cộng tác viên là nơi này cần xây một cây cầu bắc qua kênh cho trẻ em đi học. Em đến xác minh thêm thông tin để thực hiện phóng sự - Mai vừa nói, vừa nhoẻn miệng cười khi gặp lại anh Hưng.

Mai và Hưng là đôi bạn cùng chung giảng đường đại học, chung Khoa Báo chí. Hưng lớn hơn Mai 2 tuổi nên thường xưng anh, gọi em với cô bạn đồng khóa từ thuở sinh viên.

Ra trường, Hưng về quê. Mai ở lại Sài Gòn đầu quân cho một tòa soạn, đến nay đã hơn 5 năm.

- Kỳ này em về ở đây chắc lâu để tìm hiểu cuộc sống của bà con, của các em nhỏ. Anh Hưng làm thổ địa cho em nhen.

- Anh rất sẵn lòng. Nếu em không chê thì có thể đến ở nhà anh trong thời gian tác nghiệp.

Sau một hồi gãi đầu lưỡng lự, e ngại, trong khi anh Hưng mời rất chân tình nên Mai gật đầu đồng ý.

Cô phóng viên trẻ sinh ra, lớn lên ở chốn thị thành bắt đầu những ngày sống đời sống của người miệt sông nước.

Những ngày này, ngoài làm vườn, anh Hưng “kiêm” luôn nhiệm vụ tài xế, chở Mai đến gặp từng nhân vật, đến những nơi cần ghi hình,...

Nhìn cách cô gái trẻ xông pha, dấn thân với nghề, gần gũi với người dân, một niềm mến thương dần lớn lên trong lòng anh Hưng.

Còn Mai, tuy không nói ra nhưng ngầm hiểu tấm chân tình của anh Hưng. Những cái đỏ mặt như quả gấc chín của anh Hưng, những rung động khi vô tình chạm phải tay nhau,... làm sao sự nhạy cảm của một cô gái như Mai lại không nhận ra. Chỉ là, cả hai đều lặng im, để tình cảm ấy tự nhiên mà lớn, được dưỡng nuôi một cách trong veo, ôn hòa như miền quê của Hưng.

Một tháng trôi qua, phóng sự “Ước mơ về một cây cầu” và một bút ký miền sông nước đăng trên báo. Mai vui. Anh Hưng đọc bài vui gấp bội. Một tháng sau ngày đăng báo cũng là khoảng thời gian Hưng và Mai xa nhau nhưng tình cảm vẫn nằm lại nơi một góc con tim, không phai mờ.

*

- Hôm nay về quê anh để viết phóng sự gì nè? Rành đường sá, quen người dân hết rồi, có cần anh làm tài xế nữa hông? - Hưng hỏi mà trong lòng cứ vái thầm là Mai sẽ trả lời “có, cần chứ anh Hưng”.

Mai chỉ mỉm cười, nụ cười hiền như mùa thu tỏa nắng. Nụ cười của sự vui vẻ, hạnh phúc, an yên khi được gặp lại và đi bên cạnh Hưng, được về lại với miền sông nước hiền hòa.

- Lần này em về đây là làm cầu nối cho doanh nghiệp.

Nghe Mai nói, Hưng reo lên như một đứa trẻ: “Có người tài trợ xây cầu hả Mai”.

Mai gật đầu, đáp: “Khi đọc bài viết của em trên báo, một doanh nghiệp hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để xây cầu bắc qua kênh Thương cho tụi nhỏ đi học đó anh”.

Trong niềm vui vỡ òa, Mai và Hưng dắt tay nhau thả bộ dưới ánh chiều tà. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt 2 người trẻ.

Từ ngày cầu bắc qua kênh Thương khởi công, Mai cũng thường xuyên lui tới vùng quê để vui cùng niềm vui của bà con, các em nhỏ. 4 tháng sau ngày khởi công, cây cầu hoàn thành. Miền quê như bừng lên sức sống mới. Bọn trẻ háo hức đến trường.

Ông Sáu đưa đò cũng đã khỏi bệnh. Lần này, ông cất chiếc đò vào một góc nhà, coi như một kỷ niệm đẹp. “Tụi con giờ hết cần ông Sáu đưa đò rồi hén, có cầu bắc qua kênh, xe chạy cái vèo là tới cổng trường” - ông Sáu trêu tụi nhỏ.

- Hổng có đâu ông Sáu. Ông Sáu không đưa đò nữa nhưng tụi con sẽ rất nhớ ông. Nghỉ học là tụi con lại đến nhà chơi với ông. Cảm ơn ông đã đưa tụi con qua bờ tìm chữ - nhỏ Lan nhanh miệng nhất đám học trò, nói luyên thuyên với ông Sáu.

Nhìn ông Sáu hỏm hẻm cười, mấy đứa nhỏ tung tăng áo trắng đến trường trên cây cầu mới, lòng cô phóng viên trẻ rộn lên niềm vui khôn tả.

- Làm nghề báo chỉ cần như vậy là đủ vui rồi - Mai nói với anh Hưng mà như nói với chính mình.

- Vui vì con chữ của em giúp con đường đi tìm chữ của tụi nhỏ bớt nhọc nhằn. Vui vì nhờ vậy mà em gặp lại anh,... - Mai giải thích.

Câu nói bỏ lửng nhưng Mai hiểu, Hưng hiểu và bà con xứ bưng biền cũng ngầm hiểu về chuyện tình của cô phóng viên trẻ và anh chàng miệt đồng bưng.

Cây cầu bắc qua kênh Thương được bà con xứ này đặt tên THƯƠNG... Nhịp cầu ấy cũng đã gắn kết tình thương với bà con, học trò xứ đồng bưng và cả tình yêu của đôi nam thanh nữ tú./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhip-cau-thuong-a178016.html