Nhịp chiêng xứ Mường dẫn nẻo về nguồn cội

Mỗi cộng đồng người trong quá trình tồn tại phát triển luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa. Đối với người Mường ở Quảng Lạc (huyện Nho Quan), lễ hội chính là nơi hội tụ những nét bản sắc văn hóa độc đáo nhất của họ. Điểm nhấn trong lễ hội này là nghệ thuật biểu diễn Chiêng.

CLB Cồng Chiêng văn hóa dân tộc Mường

CLB Cồng Chiêng văn hóa dân tộc Mường

Chương trình "Giao lưu văn nghệ hát giao duyên tiếng Mường" vừa được tổ chức tại thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc đã thu hút đông đảo người dân. Không những thế, nhiều phường Đúm của Hà Long, Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) cũng tụ về. Dưới nếp nhà sàn thôn Đồng Trung, người dân được hòa mình vào không khí lễ hội cùng các nghệ nhân, được nghe điệu hát giao duyên huê tình, diễm lệ bậc nhất của núi rừng.

Mùa hội năm nay thêm phần hấp dẫn khi có màn rước Cồng chiêng dạo quanh hồ Đập Trời. Trong sắc áo sặc sỡ hoa văn thổ cẩm của đồng bào, màu xanh của núi rừng, không gian thoáng rộng hồ Đập Trời, tiếng Cồng chiêng trầm hùng vang lên khiến người dự hội có một tâm trạng khó tả.

Phường đúm vừa đi vừa hát quanh hồ Đập Trời.

Từ rất lâu rồi, chúng tôi mới dự một lễ hội dân gian thấm đẫm văn hóa nguyên thủy đến thế. Một số ít người tâm huyết với văn hóa truyền thống đã bày tỏ sự lo ngại trước sự lai căng cũng như sự lép vế của văn hóa truyền thống người Mường trước các trào lưu văn hóa khác. Tuy nhiên, nếu như ai đó có dịp dự lễ hội tại Quảng Lạc sẽ thấy văn hóa truyền thống của người Mường với sức sống nội tại của nó không những không mai một trước sự xâm thực của các trào lưu văn hóa khác mà nó đã có sự thích nghi và tự tồn tại theo một cách riêng trong dân gian. Chừng nào còn cộng đồng người Mường, tiếng Mường, còn các lễ hội thì văn hóa Mường vẫn còn tồn tại.

Nghệ thuật trình diễn Chiêng chính là một biểu hiện sinh động của sinh hoạt văn nghệ lễ hội của người Mường. Theo nhiều nghệ nhân trong văn hóa truyền thống của người Mường, từ lâu Chiêng đã chiếm một phần quan trọng. Nhiều nhà dân khi xưa đều có bộ Chiêng như một thứ tài sản quý. Qua thời gian, địa vị và giá trị của Chiêng cũng đã thay đổi. Các bộ Chiêng quý trong dân cũng đã tản mát nhiều. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn lưu giữ được các bộ Chiêng quý hiếm. Nhạc cụ này thường chỉ xuất hiện vào các dịp lễ hội, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Chia sẻ về ý nghĩa của Chiêng trong văn hóa Mường, anh Bùi Huy Du, công chức văn hóa xã Quảng Lạc cho biết: Chiêng trước kia vừa là một tài sản, vừa tham gia vào sinh hoạt văn hóa của người Mường. Tiếng Chiêng là linh hồn của các lễ hội. Cũng vì ý thức được giá trị của Chiêng trong đời sống văn hóa của người Mường, nên thời gian qua, những người làm văn hóa đã ra sức tuyên truyền cho người dân về giá trị của Chiêng và sự cần thiết của việc bảo tồn các bộ chiêng trong di sản của người Mường.

Vào ngày 9/12/2017, CLB "Cồng chiêng văn hóa dân tộc Mường" tạixã Quảng Lạc đã ra mắt với 120 thành viên. CLB có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm về phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo, khôi phục lại các làn điệu dân ca, nhịp múa Cồng chiêng, bài hát Mường, các trò chơi truyền thống, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân.

Ngoài ra, CLB còn tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách vào các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương. Từ khi thành lập đến nay, CLB "Cồng chiêng văn hóa dân tộc Mường" đã chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, góp phần làm phong phú, sinh động thêm các sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường ở Quảng Lạc, trong đó hoạt động biểu diễn Chiêng tại thôn Đồng Trung vừa qua là một minh chứng...

Không chỉ cộng đồng người Mường tại xã Quảng Lạc mới có CLB Cồng Chiêng mà người Mường tại xã Phú Long, Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú cũng có CLB Cồng Chiêng rất đông đảo, hợp thành đội Cồng, Chiêng của huyện Nho Quan. Các nghệ sỹ dân gian biểu diễn Cồng Chiêng của huyện Nho Quan đã nhiều lần tạo được ấn tượng, cảm xúc đặc biệt cho du khách tại các lễ hội, lễ kỷ niệm như: Lễ hội Hoa Lư, Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc Mường...

Cồng Chiêng của người Mường ở Quảng Lạc nói riêng và Nho Quan nói chung không chỉ là một nhạc cụ thuần túy trong hoạt động văn nghệ dân gian, mà xa hơn, nó là di sản văn hóa tinh thần, minh chứng cho sức sáng tạo to lớn của dân tộc Mường trong diễn trình văn hóa của họ. Vì vậy, thưởng thức chương trình nghệ thuật biểu diễn Chiêng tại Đồng Trung, xã Quảng Lạc, thiết nghĩ không đơn thuần là thưởng thức hoạt động biểu diễn văn nghệ, mà sâu xa hơn, nó là sự cảm nghiệm các giá trị văn hóa nguồn cội của người Mường, khiến ta thêm yêu quý, trân trọng các các giá trị văn hóa của các dân tộc.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhip-chieng-xu-muong-dan-neo-ve-nguon-coi/d20220418143353273.htm