Nhịp đập năng lượng ngày 11/5/2023

Châu Âu khởi động đấu thầu để mua chung khí đốt; Ủy ban Quốc hội Mỹ xem xét dự luật về giá dầu; Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu điện… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 11/5/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Châu Âu khởi động đấu thầu để mua chung khí đốt

Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/5 lần đầu tiên khởi động đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt nhằm có được mức giá tốt hơn để bổ sung dự trữ trước mùa đông năm 2023-2024. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic nhấn mạnh: "Đây là một bước đi lịch sử. Chúng tôi đang tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và chống lại giá khí đốt cao".

Đối với lần gọi thầu đầu tiên này, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu về tổng khối lượng khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt, trong đó gồm 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống. Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga, sẽ gửi báo giá trước ngày 15/5. Nếu giao dịch được ký kết thì các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.

Ông Maros Sefcovic khẳng định cách thức mua chung khí đốt do Brussels dẫn đầu giúp các công ty châu Âu, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, xây dựng mối quan hệ kinh doanh mới với các nhà cung cấp thay thế khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Mặt khác, cơ chế này cũng mang đến cho các nhà cung cấp quốc tế cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng.

Ủy ban Quốc hội Mỹ xem xét dự luật về giá dầu

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ sẽ xem xét đưa ra dự luật nhằm gây áp lực buộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngừng cắt giảm sản lượng khai thác, động thái vốn có thể đẩy giá nhiên liệu tăng cao.

Nếu được ký thành luật, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ có khả năng kiện OPEC cùng các quốc gia thành viên như Saudi Arabia ra tòa án liên bang. Các nhà sản xuất khác như Nga cũng có thể bị kiện khi nước này hợp tác với OPEC trong nhóm OPEC+ (OPEC và các đối tác) để duy trì sản lượng khai thác dầu.

Để trở thành luật, dự luật này phải được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn. Tháng 3 vừa qua, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng cũng đưa ra một dự luật tương tự tại Thượng viện Mỹ.

Dù vậy, giới phân tích hoài nghi khả năng dự luật NOPEC sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh giá dầu tương đối thấp do thị trường lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Pakistan muốn mua dầu thô của Nga bằng nội tệ Trung Quốc

Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Pakistan, quốc gia này đang thiếu tiền mặt và có kế hoạch thanh toán cho các chuyến giao dầu thô của Nga trong tương lai bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Pakistan đang muốn nhập khẩu năng lượng với chi phí thấp sau khi thị trường năng lượng chao đảo vào năm ngoái khi giá dầu và khí đốt tăng cao trong khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm sút. Nước này cũng có một giao dịch hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, điều này sẽ giúp việc thanh toán dầu thô trở nên dễ dàng hơn so với việc sử dụng lượng dự trữ đôla Mỹ ít ỏi mà Pakistan có.

Cho đến nay, Pakistan mới chỉ đặt mua một lô hàng dầu thô từ Nga, dự kiến sẽ đến quốc gia này trong tháng này. Khoản thanh toán cho chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga được thực hiện bằng đôla Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận ưu đãi đặc biệt khi mua khí đốt Nga

Theo hãng tin Anh Reuters, khoản thanh toán khối lượng khí đốt nhập khẩu trị giá 600 triệu USD đã được phía Nga hoãn sang năm 2024 theo yêu cầu từ phía Ankara.

Còn có thông tin, các đối tác từ Liên bang Nga đã sẵn sàng hoãn một số khoản thanh toán khác với tổng trị giá 4 tỷ USD. Theo Reuters, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Ankara và Moskva khá bền chặt. Các nhà phân tích của ấn phẩm tin tưởng rằng với bước đi này, Nga đang giúp Tổng thống đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Hãng tin Anh nói thêm rằng hóa đơn nhập khẩu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 100 tỷ USD vào năm 2022, và 39% trong tổng khối lượng 53,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên đến từ Liên bang Nga. Thỏa thuận thanh toán khí đốt đã giảm bớt một số áp lực đối với dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hungary sẽ xây dựng đường ống cung cấp dầu Nga tới Serbia

Hãng thông tấn TASS trích dẫn thông báo của Ngoại trưởng Hungary tại một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ở Belgrade với Bộ trưởng Nội thương và Ngoại thương Serbia Tomislav Momirovic ngày 10/5. Cụ thể, ông Peter Szijjarto tuyên bố: "Một đường ống dẫn dầu mới dài 128km sẽ được xây dựng giữa thị trấn Algyo của Hungary và Novi Sad của Serbia để đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng”.

Dự án này sẽ được tiến hành dựa trên cơ sở hợp tác giữa tập đoàn năng lượng đa quốc gia MOL của Hungary và công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Serbia Transnafta. Theo Ngoại trưởng Hungary, thời gian ký kết hợp đồng xây dựng dự kiến sẽ xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh Hungary - Serbia ngày 20/6 tới.

Quan chức của cả 2 quốc gia không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào về dự án như giá cả hay thời điểm hoàn thành. Tuy nhiên theo TASS trích dẫn các chuyên gia, việc xây dựng đường ống dẫn dầu từ Algyo đến Novi Sad sẽ tiêu tốn khoảng 109 triệu USD và dự kiến có thể hoàn thành sau 1,5 năm tới 2 năm.

Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu điện

Nắng nóng gay gắt tại châu Á chuẩn bị tấn công Trung Quốc mùa hè này, đe dọa làm tái diễn tình trạng thiếu điện khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn từng xảy ra năm 2022.

Trang tin China Energy News dẫn lời Viện nghiên cứu Năng lượng điện lưới quốc gia Trung Quốc (SGERI) khuyến cáo tình hình cung cấp điện trên toàn quốc trong mùa hè sẽ rất căng thẳng. Các tỉnh miền trung, miền đông, miền Tây Nam có khả năng thiếu hụt khi vào thời gian cao điểm.

Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó bằng cách tăng sản xuất than - nguồn điện quan trọng nhất - đồng thời bổ sung điện gió và điện mặt trời. Hàng loạt nhà máy điện than được phê duyệt mở rộng quy mô, đảm bảo chạy hết công suất vào thời điểm căng thẳng.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1152023-684727.html