Nhịp đập năng lượng ngày 22/7/2023
Cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; Châu Á mua dầu thô của Mỹ với số lượng gần kỷ lục; UAE luôn sẵn sàng hỗ trợ thị trường dầu mỏ… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/7/2023.
Cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Công Thương ngày 21/7, tại Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về việc đảm bảo cung ứng điện và các kiến nghị các giải pháp để phát triển bền vững lĩnh vực này.
Theo đó, cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Giai đoạn 2016-2021, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2015-2019, đạt mức 64,542 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2019. Do ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của năm 2020 so với năm trước đó chỉ còn 2,28%, đạt giá trị 66.014 triệu tấn dầu quy đổi.
Bộ Công Thương đánh giá việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn. Bộ này kiến nghị cần điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực để phù hợp với bối cảnh phát triển mới, đồng thời, cần có đánh giá, xây dựng các tiêu chí xác định lĩnh vực được ưu đãi, luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo làm tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút được các nguồn lực tham gia phát triển điện lực.
Châu Á mua dầu thô của Mỹ với số lượng gần kỷ lục
Châu Á đã lên kế hoạch nhập khẩu khối lượng dầu thô Mỹ gần kỷ lục vào tháng tới, theo các nguồn tin thương mại nói với Reuters. Theo đó, từ 1,5 triệu đến 1,9 triệu thùng/ngày dầu thô của Mỹ - hầu hết trong số đó là WTI Midland - sẽ đến châu Á vào tháng 8, chỉ gần bằng mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày đã ghi nhận vào tháng 4/2023.
Dầu thô WTI tiếp tục là một loại hấp dẫn đối với các nhà máy lọc dầu của châu Á, những người coi đây là một món hời so với dầu Dubai của Trung Đông. Chênh lệch giữa 2 loại đứng ở mức 5,40 USD/thùng vào ngày 20/7. Con số này giảm từ 6,08 USD/thùng trong tháng 6, nhưng cao hơn mức 3,93 USD mà các nhà máy lọc dầu châu Á tiết kiệm được trong tháng 5.
Dòng dầu thô của Mỹ đến châu Á cũng theo sau 2 lần tăng giá bán chính thức dầu thô của Ả Rập Xê Út (OSP). Công ty Tư vấn Năng lượng Aspects kỳ vọng rằng dòng dầu thô của Mỹ vào châu Á cũng sẽ tăng trong quý III.
Iraq gia hạn thỏa thuận cung cấp dầu thô cho Liban
Trong một tuyên bố ngày 21/7, Bộ Năng lượng Liban cho biết Iraq đã gia hạn thỏa thuận cung cấp khoảng 2 triệu tấn dầu thô cho Liban trong thời hạn một năm.
Hãng thông tấn nhà nước INA của Iraq cũng đưa tin rằng hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ về việc Iraq cung cấp dầu nhiên liệu và dầu thô cho Liban. Chính quyền Baghdad cũng đồng ý tăng 50% khối lượng dầu nhiên liệu nặng cung cấp cho Liban theo thỏa thuận hiện hành lên mức 1,5 triệu tấn trong năm nay.
Liban đã ký các thỏa thuận để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu nhiều hơn từ Iraq, trong bối cảnh Beirut đang phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế kéo dài. Iraq cung cấp nhiên liệu cho Chính phủ Liban để đổi lấy các dịch vụ bao gồm chăm sóc sức khỏe cho công dân Iraq.
UAE luôn sẵn sàng hỗ trợ thị trường dầu mỏ
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei ngày 21/7 cho biết các hành động hiện tại của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu) để hỗ trợ thị trường dầu mỏ là đủ, nhưng UAE vẫn luôn sẵn sàng nếu nhóm này cần thêm bất kỳ sự trợ giúp nào.
“Những gì chúng tôi đang làm là đủ như chúng tôi nói hôm nay”, Bộ trưởng UAE nói với Reuters trong chuyến thăm New Delhi. "Nhưng chúng tôi họp liên tục và nếu có yêu cầu làm gì khác thì trong các cuộc họp đó, chúng tôi sẽ chấp nhận. Chúng tôi luôn chỉ cách nhau một cuộc điện thoại", vị bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng UAE cũng ho biết ông không lo lắng về nhu cầu dầu mỏ và cho rằng mức đầu tư hạn chế mới là "thách thức lớn nhất". “Chúng tôi biết đầu tư tốn kém như thế nào và không ai khác ngoài một số quốc gia đang đầu tư và nâng cao năng lực của họ”, ông nói. Vị bộ trưởng nói thêm rằng một cơ chế giám sát sản lượng của Nga sẽ được tiếp tục phát triển.
Trung Quốc khoan sâu 10 nghìn mét tìm kiếm khí đốt
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngày 20/5 đã bắt đầu khoan giếng Shendi Chuanke 1 ở tỉnh Tứ Xuyên, với độ sâu 10.520 mét, Tân Hoa Xã đưa tin. Dự án này tiếp nối sau một giếng có kích thước tương tự mà CNPC đã bắt đầu khoan ở Tân Cương vào tháng 5, được mô tả là giếng sâu nhất từng được thực hiện ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
Trong khi giếng trước chỉ có tính chất thử nghiệm, vì dự án này được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ khoan và cung cấp dữ liệu về cấu trúc địa chất, còn nhiệm vụ của Tứ Xuyên là tìm kiếm trữ lượng khí đốt tự nhiên cực sâu, theo Tân Hoa Xã.
Tứ Xuyên là nơi có trữ lượng khí đá phiến lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những gã khổng lồ dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia này lại hạn chế trong việc khai thác tiềm năng, do địa hình hiểm trở và địa chất ngầm phức tạp. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty năng lượng, để tăng cường an ninh nhiên liệu, bằng cách thúc đẩy sản lượng trong nước.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2272023-690072.html