Nhịp đập năng lượng ngày 23/8/2023

Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống; Indonesia chuẩn bị chiến lược phát triển các nhà máy điện hạt nhân; Saudi Aramco muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hạ nguồn ở Trung Quốc… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Yêu cầu 5 tập đoàn đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới có buổi làm việc với các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Điện lực Việt Nam (EVN), Xăng dầu Việt Nam (Petrolinex), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống từ nay đến năm 2024.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu phải thực hiện được 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống. Thứ hai, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ.

Thứ ba, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu về cơ chế, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban quản lý vốn. Từ đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, tập đoàn, tổng công ty.

Indonesia chuẩn bị chiến lược phát triển các nhà máy điện hạt nhân

Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN) ngày 23/8 cho hay nước này đang chuẩn bị chiến lược phát triển các nhà máy điện hạt nhân để phục vụ các chương trình phát triển quốc gia.

Ông Mego Pinandito - Phó Giám đốc phụ trách chính sách phát triển tại BRIN nêu rõ năng lượng hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện ổn định với số lượng lớn, các nhà máy điện hạt nhân được coi là thân thiện với môi trường.

BRIN hy vọng những công nghệ tốt nhất, hiệu quả, với rủi ro thấp nhất phù hợp với đặc điểm thời tiết cũng như các vấn đề liên quan khác sẽ được triển khai ở Indonesia. Theo ông Mego Pinandito, sự tham gia của các đối tác nước ngoài là rất cần thiết trong việc phát triển điện hạt nhân ở Indonesia. BRIN đang chờ các chính sách để có thể thúc đẩy mục tiêu này.

Saudi Aramco muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hạ nguồn ở Trung Quốc

Saudi Aramco mong muốn tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình ở hạ nguồn tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Trung Quốc, Giám đốc phụ trách lĩnh vực hạ nguồn của gã khổng lồ dầu mỏ, Mohammed Al Qahtani, cho biết.

Triển vọng dài hạn trên thị trường Trung Quốc cũng thuận lợi cho Saudi Aramco trong việc mở rộng kinh doanh và ký kết các hợp đồng cung cấp có thời hạn với nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Đầu năm nay, Saudi Aramco đã công bố hai hợp đồng lọc hóa dầu lớn ở Trung Quốc. Tháng trước, Saudi Aramco đã hoàn tất việc mua 10% cổ phần của Công ty TNHH Hóa dầu Rongsheng, một công ty hóa dầu Trung Quốc, với giá tương đương 3,4 tỷ USD.

Một liên doanh của Saudi Aramco có kế hoạch xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu trị giá 10 tỷ USD ở Trung Quốc trong 3 năm tới, trong khi Aramco hiện đã hoàn tất việc mua lại 10% cổ phần của Rongsheng Petrochemical và sẽ cung cấp 480.000 thùng dầu thô/ngày cho chi nhánh Chiết Giang của Rongsheng.

Equinor khánh thành trang trại điện gió nổi lớn nhất thế giới

Công ty năng lượng Equinor của Na Uy và các đối tác dầu mỏ trong đó có OMV, Vaar Energi - do ENI sở hữu phần lớn - khánh thành trang trại điện gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới vào ngày 23/8.

Trang trại gió Hywind Tampen bao gồm 11 turbine gió được cố định vào một đế nổi, được neo vào đáy biển thay vì cố định dưới đáy đại dương đã bắt đầu sản xuất điện vào tháng 11 năm ngoái, nhưng đạt được toàn bộ sản lượng vào đầu tháng này.

Công suất 88 megawatt của trang trại sẽ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu điện hằng năm cho 5 giàn khoan tại các mỏ dầu và khí đốt Snorre và Gullfaks ở Biển Bắc, cách bờ biển phía tây Na Uy khoảng 140 km và giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 từ các mỏ khoảng 200.000 tấn/năm. Khối lượng này chiếm khoảng 0,4% tổng lượng khí thải CO2 của Na Uy vào năm 2022.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2382023-692423.html