Nhịp đập năng lượng ngày 28/8/2023
EU sẽ khởi động đợt mua khí đốt chung thứ ba vào tháng 9; Sản lượng khí đốt châu Phi dự kiến tăng 65% vào năm 2035; Trung Quốc đề nghị xây dựng nhà máy hạt nhân gần Qatar, UAE… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 28/8/2023.
EU sẽ khởi động đợt mua khí đốt chung thứ ba vào tháng 9
Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu vòng mua khí đốt chung thứ ba vào tháng tới, khi khối này muốn đảm bảo nguồn cung để chuẩn bị cho một mùa đông nữa với sự thiếu vắng khí đốt đến từ Nga, Reuters đưa tin.
Công ty khí đốt Prisma, nơi tổ chức việc mua hàng của EU, mới đây cho biết những người mua khí đốt ở châu Âu có thể đặt hàng từ ngày 21/9 cho các đợt giao hàng từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2025.
Chương trình này thu thập đơn hàng từ các công ty, sau đó tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt trên toàn cầu và kết nối người mua và người bán. EU không tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại diễn ra sau đó để ký kết hợp đồng giữa các công ty. Đáng chú ý, chương trình mua chung này sẽ không mua khí đốt của Nga.
Sản lượng khí đốt châu Phi dự kiến tăng 65% vào năm 2035
Phòng Năng lượng Châu Phi (AEC) vừa cho ra mắt một báo cáo mang tiêu đề “Triển vọng tình trạng năng lượng châu Phi quý II/2023” với nhiều nội dung bao hàm tương lai cho ngành khí đốt trên toàn Lục địa đen.
Trong giai đoạn năm 2023-2027, dự kiến Algeria, Ai Cập và Nigeria sẽ thống trị thị trường khí đốt. Về lâu dài, những quốc gia mới nổi như Mozambique, Tanzania, Mauritania và Senegal có thể sẽ dần dần chiếm lĩnh thị trường. Sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi dự kiến sẽ tăng 65% vào năm 2035, đạt mức 41,6 tỷ ft3/ngày, chủ yếu nhờ đưa những mỏ nằm ở các vùng khí đốt mới như Mozambique, Tanzania, Mauritania và Senegal vào khai thác.
Báo cáo cũng nêu rõ: Sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi dự kiến sẽ tăng 1% trong giai đoạn năm 2022-2023, đạt 25,5 tỷ ft3/ngày. Còn trong giai đoạn năm 2023-2027, ba quốc gia sẽ chiếm phần lớn hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch trên lục địa là Algeria, Ai Cập và Nigeria. Trong giai đoạn trên, sản lượng của Algeria sẽ tăng từ 10 ft3/ngày lên 11 ft3/ngày, Ai Cập 6,25 ft3/ngày vào năm 2027, và Nigeria dao động trong khoảng 4,5-5,5 ft3/ngày.
Trung Quốc đề nghị xây dựng nhà máy hạt nhân gần Qatar, UAE
Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin Saudi Arabia đang xem xét đề nghị của Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại vương quốc này. Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Saudi Arabia giấu tên cho biết Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã đề xuất xây dựng một nhà máy hạt nhân gần biên giới với Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, các quan chức Saudi Arabia hy vọng nỗ lực của Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nới lỏng các điều kiện hỗ trợ ngành công nghiệp hạt nhân non trẻ của vương quốc này, bao gồm các cam kết không làm giàu uranium hoặc khai thác các mỏ uranium của riêng họ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách xuất khẩu ngành năng lượng hạt nhân ra nước ngoài. Năm 2019, một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể xây dựng tới 30 lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài thông qua nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai và con đường” trong thập kỷ tới.
Chính phủ Pakistan họp khẩn cấp về giá điện
Thủ tướng tạm quyền Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar họp khẩn cấp với các quan chức của Bộ Điện lực và các công ty phân phối điện vào hôm 27/8. Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi người dân Pakistan và các hiệp hội thương mại đoàn kết biểu tình trên khắp các thành phố khác nhau ở Pakistan sau khi Cơ quan quản lý điện lực quốc gia (NEPRA) tăng thuế 4,96 Rs/đơn vị vào tháng trước.
Biện pháp này là nhằm đáp ứng yêu cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra như một điều kiện để phê duyệt gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho quốc gia Nam Á. Theo Thủ tướng tạm quyền Kakar, trong cuộc họp, Bộ Điện lực và các công ty phân phối báo cáo nhanh về tình hình và các cuộc tham vấn sẽ được tổ chức để mang lại sự hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng về hóa đơn tiền điện của họ.
Trước đó, ngày 25/8 đã diễn ra các cuộc biểu tình do cộng đồng doanh nghiệp khởi xướng nhằm phản đối việc tăng giá điện, với kế hoạch mở rộng dần dần phong trào ra khắp cả nước. Nhiều cơ quan đại diện cho thương nhân đưa ra cảnh báo về “hậu quả” tiềm ẩn nếu chính phủ không hành động để giải quyết vấn đề giá điện ngày càng tăng. Trong 30 ngày qua, Pakistan đã tăng giá nhiên liệu 2 lần, làm tăng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn ở mức cao.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2882023-692822.html