Nhịp đập năng lượng ngày 31/8/2023
Ả Rập Xê-út có thể sẽ kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng; Tồn kho dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến; Lợi nhuận của Gazprom giảm 8 lần… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 31/8/2023.
Ả Rập Xê-út có thể sẽ kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng
Ả Rập Xê-út nhiều khả năng sẽ kéo dài biện pháp cắt giảm nguồn cung dầu thô 1 triệu thùng đến tháng 10, nhằm củng cố giá dầu trước tình hình kinh tế đang suy yếu, theo Bloomberg.
20 trong số 25 nhà giao dịch và các chuyên gia được khảo sát bởi Bloomberg dự đoán rằng vương quốc này sẽ tiếp tục biện pháp này ít nhất trong thêm một tháng. Một số đại biểu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gọi chung là OPEC+ cũng đưa ra cùng dự đoán.
Chỉ có 4 trong số những nhà giao dịch và các chuyên gia được khảo sát đã dự đoán rằng Riyadh sẽ hạ khối lượng cắt giảm hiện tại 1 triệu thùng xuống một con số nhỏ hơn, và chỉ có một người nói rằng chính sách này sẽ kết thúc hoàn toàn. Không có ai kỳ vọng quốc gia này sẽ nâng sản lượng cắt giảm lên cao hơn.
Các nhà giao dịch cũng đang chờ xem bước tiếp theo của Nga, một thành viên của OPEC+. Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên OPEC+ đã không thể giúp đỡ Ả Rập Xê-út trong việc cắt giảm nguồn cung, Moscow đã tham gia sau đó. Ban đầu, Nga đã cam kết cắt giảm xuất khẩu 500,000 thùng mỗi ngày vào tháng 8, và sau đó nói rằng họ sẽ giảm xuống mức 300,000 thùng mỗi ngày vào tháng 9.
Tồn kho dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô đã giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự kiến do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng mạnh. Tồn kho dầu thô giảm xuống còn 422,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/12/2022. Kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm 3,3 triệu thùng.
Theo EIA, nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ đã giảm 586.000 thùng/ngày (bpd) trong tuần trước. Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết: “Nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng khi chênh lệch giá dầu Brent/WTI bắt đầu giảm về mức âm 5 USD”.
Cũng theo EIA, lượng dầu thô được lọc ở nhà máy đã giảm 173.000 thùng/ngày trong tuần trước. Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu giảm 1,2 % trong tuần trước xuống còn 93,3%.
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine
Ngày 30/8, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine từ năm 2024, vai trò của tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và các nhánh đi qua Bulgaria và Serbia càng trở nên quan trọng hơn.
Vị Ngoại trưởng nhắc lại rằng, năm 2024, các thỏa thuận về vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ chấm dứt. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của tuyến trung chuyển Bulgaria-Serbia-Hungary tăng lên đáng kể.
Ông nhấn mạnh: "Bulgaria luôn là đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực khí đốt. Trong khi đó, Budapest có ý định mua khí đốt từ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, trong bối cảnh đó, nhu cầu vận chuyển quá cảnh qua Bulgaria sẽ tăng lên".
Ai Cập đầu tư 1,9 tỷ USD khoan 45 giếng thăm dò khí tự nhiên
Trong một tuyên bố mới đây, Chính phủ Ai Cập đã công bố kế hoạch khoan 45 giếng thăm dò khí tự nhiên ở Địa Trung Hải và Đồng bằng sông Nile với khoản đầu tư 1,9 tỷ USD cho đến giữa năm 2025.
Bộ trưởng Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản, ông Tarek El-Molla, cho biết, kế hoạch này bao gồm việc khoan 10 giếng trong thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, đã dẫn đến phát hiện mỏ khí lớn trong khu vực nhượng quyền ở ngoài khơi Nargis, ở Đông Địa Trung Hải, gần thành phố Al-Arish, tỉnh Bắc Sinai, với trữ lượng bổ sung 2.500 tỷ feet khối.
Ông El-Molla tiết lộ thêm trong các năm 2023/2024 và 2024/2025, tổng cộng 35 giếng thăm dò sẽ được khoan với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, Ai Cập đang có một kế hoạch khác là khoan 25 giếng ở khu vực mỏ Zohr nhằm tăng công suất lên 2,2 tỷ mét khối mỗi ngày.
Lợi nhuận của Gazprom giảm 8 lần
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã công bố lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2023 đã giảm mạnh xuống còn 2,84 tỷ euro do hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu suy giảm mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng đã giảm hơn 8 lần, xuống còn 296 tỷ rúp (2,84 tỷ euro), so với 2.500 tỷ rúp (24,04 tỷ euro) cùng kỳ năm 2022.
Ông Famil Sadygov, Phó giám đốc Gazprom, cho biết "tình trạng sụt giảm trên đã được bù đắp một phần nhờ khối lượng khí xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, và vẫn sẽ tiếp tục tăng trong khuôn khổ các nghĩa vụ hợp đồng".
Đối mặt với sự "bóp nghẹt" của châu Âu, Gazprom đã bắt đầu thay đổi chiến lược trong những tháng gần đây với việc chuyển hướng một phần sang châu Á. Năm ngoái, lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" từ vùng Viễn Đông Nga tới Trung Quốc đã đạt mức cao nhất lịch sử, lên tới 15,5 tỷ m3.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-3182023-693101.html