Nhịp đập năng lượng ngày 7/8/2023
Ả Rập Xê-út tăng giá bán dầu tới châu Á trong tháng 9; Điện hạt nhân trở lại châu Á; Israel kéo dài thời gian hỗ trợ các dự án sản xuất điện bằng khí biogas… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 7/8/2023.
Ả Rập Xê-út tăng giá bán dầu tới châu Á trong tháng 9
Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, vừa thông báo tăng giá dầu thô xuất sang châu Á cho tháng 9. Quyết định này được đưa ra sau khi nước này gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm một tháng. Gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Aramco tiết lộ rằng giá bán chính thức cho dầu thô Arab Light tháng 9 sang châu Á đã tăng 30 cent/thùng so với tháng 8, đạt mức 3,5 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai.
Ngoài ra, OSP đến châu Âu cũng đã tăng 2 USD một thùng, hiện ở mức 5,8 USD cho tháng 9 so với chuẩn dầu Brent. Tuy nhiên, OSP đến Bắc Mỹ vẫn không thay đổi ở mức 7,25 USD so với ASCI.
Ả Rập Xê-út ban đầu tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày, hiện đã được gia hạn để bao gồm cả tháng 9. Việc cắt giảm này tương đương với sản lượng 9 triệu thùng mỗi ngày cho tháng 9. Riyadh đã tuyên bố rằng họ có thể xem xét gia hạn thêm hoặc cắt giảm sâu hơn sản lượng sau tháng 9.
Điện hạt nhân trở lại châu Á
Vào tháng vừa qua, một tuyên bố của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về chuyển đổi năng lượng đã nêu bật vai trò khả quan của năng lượng hạt nhân trong việc cắt giảm khí thải, bảo đảm an ninh năng lượng. Các chuyên gia khí hậu nhận định động thái này cho thấy khả năng điện hạt nhân trỗi dậy trên thế giới.
Riêng tại châu Á, theo tờ South China Morning Post ngày 6/8, nguồn năng lượng carbon thấp này đang trở lại với sự đi đầu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tính đến năm 2020, Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng điện hạt nhân của châu Á - Thái Bình Dương, theo sau là Hàn Quốc (25%), Ấn Độ và Nhật Bản (mỗi nước 6%). Các nhà máy mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này. Trung Quốc hiện dẫn đầu với 23 lò phản ứng dự kiến sẽ hoàn thành trong 7 năm tới, trong khi Ấn Độ đang xây 8 lò.
Năng lượng hạt nhân được dự báo cũng phát triển ở châu Á trong những thập niên tới. Đáng chú ý, khí thải từ công nghệ điện hạt nhân chỉ tương đương với gió và bằng 1/3 so với năng lượng mặt trời. Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại khu vực này, như chi phí đắt, thời gian xây dựng nhà máy lâu và việc xử lý an toàn chất thải phóng xạ.
Israel kéo dài thời gian hỗ trợ các dự án sản xuất điện bằng khí biogas
Nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sản xuất điện từ khí sinh học (biogas), Cơ quan quản lý điện lực Israel (IEA) vừa quyết định kéo dài thêm 3 năm thời hạn hoạt động và thời gian được hưởng các ưu đãi thuế cho các cơ sở phát điện dạng này.
Năm 2011, Israel đã ban hành quy định bao gồm nhiều loại hình ưu đãi khác nhau khuyến khích xây dựng và vận hành các nhà máy điện sử dụng biogas, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. IEA cho biết, việc gia hạn thời gian ưu đãi chủ yếu dành cho các dự án phát điện có diện tích khoảng 100 m2, như vậy có thể tạo ra tổng công suất ước tính trên 100 MW trên cả nước.
Chủ tịch IEA Amir Shavit nói: "Quyết định của IEA sẽ hỗ trợ đáng kể thị trường biogas ở Israel và sẽ tạo ra khoảng 100 MW điện từ việc tái chế chất thải hữu cơ. Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền, IEA tin tưởng và ủng hộ các dự án này, đồng thời quan tâm tới các kiến nghị về việc đẩy nhanh các thủ tục và giải quyết vướng mắc mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp phải”.
Hungary chưa thể thay thế khí đốt Nga
Nhằm phản bác tuyên bố của phe đối lập rằng thỏa thuận của Hungary với Gazprom của Nga là vô ích và tốn kém, Bộ trưởng Ngoại giao Tamas Menzer cho biết: “Trong tổng khối lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm ở Hungary, 85% là khí đốt của Nga. Lượng khí đốt này không thể được bổ sung trong tương lai gần. Tức là không có khí đốt của Nga, Hungary sẽ bị đóng băng, các căn hộ sẽ không có hệ thống sưởi, ngành công nghiệp sẽ ngừng hoạt động, việc làm sẽ bị mất".
Ông Menzer nhấn mạnh thêm rằng "khí đốt của Nga đảm bảo nguồn cung và an ninh năng lượng" cho Hungary nên hiện chưa thể thay thế. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary, giá khí đốt cao là do "chính sách trừng phạt có hại của Liên minh châu Âu (EU), đẩy các nguồn năng lượng của Nga ra khỏi châu Âu".
Ông Mentzer cũng nhắc lại rằng Hungary đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, ngoài Gazprom, hợp đồng dài hạn đã được ký với Shell, thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt từ Azerbaijan và khả năng mua khí đốt từ Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania đang được xem xét.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-782023-691233.html