Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/10/2022

Dầu của Nga tràn ngập các bến cảng châu Á; Mỹ đang xuất khẩu lượng dầu và chế phẩm dầu mỏ kỷ lục; Đại gia dầu khí Anh chấm dứt chuỗi kỷ lục lợi nhuận… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 28/10/2022.

Nga đang chuyển hướng dòng chảy dầu nhiên liệu của mình sang châu Á. Ảnh minh họa: Energyintel

Nga đang chuyển hướng dòng chảy dầu nhiên liệu của mình sang châu Á. Ảnh minh họa: Energyintel

Dầu của Nga “tràn ngập” các bến cảng châu Á

Trong tuần lễ tính đến ngày 24/10, khoảng 1,1 triệu tấn HSFO của Nga đã được lưu trữ trên các tàu chở dầu ở gần những bến cảng lớn của châu Á. Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích thị trường năng lượng Vortexa cho biết khối lượng nhiên liệu trên các tàu chở dầu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đang chuyển hướng dòng chảy dầu nhiên liệu của mình sang châu Á trước khi lệnh cấm nhập khẩu của châu Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 12 tới. Việc Nga xuất khẩu nhiều HSFO sang phía Đông hơn đã tác động lên giá dầu nhiên liệu tại khu vực này trong suốt đợt cao điểm của mùa hè, khi các nhà máy điện ở khu vực này nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu làm mát.

Nhà phân tích Khasawneh giải thích xu hướng gia tăng nhập khẩu kỷ lục tại châu Á hiện nay là do khu vực này được xem như một thị trường thay thế chính cho ngành xuất khẩu dầu nhiên liệu của Nga. Số liệu sơ bộ cho tháng 10 cho thấy mức kỷ lục mới là 560.000 thùng/ngày, tăng gần 50% so với tháng 9.

Mỹ đang xuất khẩu lượng dầu và chế phẩm dầu mỏ kỷ lục

Mỹ đang xuất khẩu lượng dầu và chế phẩm dầu mỏ kỷ lục, ngay cả khi giá cả nhiên liệu trong nước đang căng thẳng. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 11,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước, theo dữ liệu được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 26/10.

Con số này cao hơn gần 2 triệu thùng/ngày so với tuần từ ngày 12 đến 17/10. Theo EIA, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt 5,1 triệu thùng/ngày vào tuần trước và đây là mức cao kỷ lục. Đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, con số xuất khẩu là 6,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 7 triệu thùng/ngày hồi đầu tháng 10.

Mỹ tiếp tục là nhà nhập khẩu dầu lớn, với các lô hàng dầu thô nhập khẩu trung bình 6,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước từ các nước bao gồm Canada và Saudi Arabia. Một số thùng dầu này sẽ được xuất khẩu trở lại sau khi được tinh chế thành xăng hoặc dầu diesel.

Tổng thống Macron nhận định giá năng lượng ở Pháp sẽ tăng 15%

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/10 cảnh báo giá năng lượng ở nước này sẽ tăng 15% vào đầu năm tới. “Giá điện và khí đốt sẽ tăng 15% trong những tháng đầu năm 2023”, Tổng thống Pháp cho biết , đồng thời nói thêm rằng các biện pháp của chính phủ giúp ngăn giá năng lượng tăng vọt. Theo Tổng thống Emmanuel Macron, giá điện và khí đốt "có thể đã tăng 100%, thì giờ chỉ là 15%".

Ông Emmanuel Macron cũng cam kết tiếp tục cung cấp viện trợ có mục tiêu cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như sinh viên. Ông cũng tuyên bố ủng hộ việc điều chỉnh tiền lương trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, cam kết sẽ hỗ trợ “hàng chục triệu euro” cho các doanh nghiệp.

Tương tự như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao và đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tháng trước, Thủ tướng Elisabeth Borne công bố kế hoạch giảm thiểu tác động của lạm phát, phát tem phiếu năng lượng trị giá 100-200 euro/phiếu để hỗ trợ cho 12 triệu hộ gia đình vào cuối năm.

Đức khẳng định đoàn kết là giải pháp duy nhất cho khủng hoảng năng lượng EU

Phát biểu tại Athens nhân chuyến thăm Hy Lạp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 27/10 khẳng định bất đồng về vấn đề giá năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể giải quyết trên cơ sở đoàn kết. Ông Scholz nhấn mạnh mục tiêu chung nên là hạ giá năng lượng, Berlin phản đối áp trần giá khí đốt chung cho toàn khối.

Động thái của Đức dành 200 tỷ euro (200 tỷ USD) trợ giá khí đốt và từ chối cân nhắc áp trần giá năng lượng toàn khối đã khiến Pháp và một số nước khác trong EU không bằng lòng. Mâu thuẫn này đã cản trở các nỗ lực của các Bộ trưởng Năng lượng EU nhằm tìm ra cách điều phối chi phí sản xuất điện trong khối. Đây là vấn đề gây áp lực trong bối cảnh EU chật vật vì lạm phát tăng phi mã do giá năng lượng tăng cao.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lộ trình giảm giá năng lượng, giao Ủy ban châu Âu (EC) và các bộ trưởng xây dựng các đề xuất chi tiết được các nước thành viên chấp thuận. Về vấn đề này, ông Sholz cho rằng các Bộ trưởng năng lượng EU còn rất nhiều việc phải làm nhưng tin tưởng sẽ tìm ra giải pháp giúp kiềm chế tình trạng tăng giá khí đốt.

WB nhận định kế hoạch áp giá trần dầu Nga khó thành công

Trong báo cáo về triển vọng thị trường dầu được công bố ngày 26/10, Ngân hàng Thế giới cho biết: “Giới hạn giá dầu mà G7 đề xuất có thể ảnh hưởng đến dòng chảy dầu từ Nga, nhưng đây là một cơ chế chưa được thử nghiệm và sẽ cần sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn cũng như các nền kinh tế đang phát triển để đạt được mục tiêu”.

Báo cáo nói thêm rằng dù sự gián đoạn đối với lĩnh vực xuất khẩu của Nga có thể xảy ra trong một thời gian ngắn do các tuyến đường thương mại bị ảnh hưởng, "nhưng những chủ thể tham gia thị trường vẫn có thể tìm cách để lách lệnh trừng phạt, như thường xảy ra với các đợt trừng phạt khác".

Theo kế hoạch, các công ty ngân hàng, bảo hiểm và vận tải biển sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho các công ty Nga bán dầu với giá cao hơn mức trần. Ngày 5/12 sẽ đánh dấu thời hạn Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển. Đáp lại, Nga cho biết nước này sẽ không xuất khẩu dầu sang các nước tham gia áp giới hạn giá trần.

Đại gia dầu khí Anh chấm dứt chuỗi kỷ lục lợi nhuận

Tập đoàn Shell của Anh vừa công bố thu nhập quý III hôm 27/10. Lợi nhuận lọc dầu sụt giảm và mảng kinh doanh khí đốt yếu kém hơn đã khiến lợi nhuận của gã khổng lồ dầu khí Anh lao dốc hơn 2 tỷ USD so với quý trước.

Cụ thể, thu nhập sau khi điều chỉnh trong quý III của Shell đạt 9,45 tỷ USD, thấp hơn một chút so với dự báo 9,5 tỷ USD của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát. Con số này cao hơn mức 4,1 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm mạnh so với kỷ lục 11,5 tỷ USD trong quý II.

Shell cho biết nguồn cung toàn cầu phục hồi đã góp phần làm giảm tỷ suất lợi nhuận lọc dầu trong quý III. Cùng với đó, thu nhập từ kinh doanh khí đốt cũng lao dốc. Giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh trong những tháng qua. Đến nay, dầu Brent chuẩn toàn cầu được giao dịch quanh mức 95,6 USD/thùng, giảm mạnh so với mức cao trong năm nay, được thiết lập hồi tháng 3.

Tập đoàn năng lượng Đức phá hủy turbine điện gió để khai thác mỏ than

Theo đài RT (Nga), quyết định đầy nghịch lý này đi ngược lại với chính sách xanh của Đức. Với 1 turbine tại trang trại điện gió Keyenberg ở bang North Rhine-Westphalia đã ngừng hoạt động, chính quyền địa phương đã thúc giục Công ty Năng lượng RWE đảo ngược kế hoạch loại bỏ 2 turbine nữa.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 12/2021, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố chương trình đầy tham vọng nhằm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã bị đình trệ khi giá khí đốt tăng vọt, nguồn cung khí đốt thiếu hụt.

Trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, vào cuối tháng 9, nhà chức trách Berlin đã yêu cầu hồi sinh các mỏ than nâu đã ngừng hoạt động. Việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cũng được hoãn lại cho đến tháng 3/2024. Tuy nhiên, hôm 25/10, Bộ Kinh tế và Năng lượng bang North-Rhine Westphalia kêu gọi RWE đảo ngược kế hoạch loại bỏ các trang trại điện gió.

T.H (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-28102022-669899.html