Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/3/2023
Châu Âu gia hạn biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế nhu cầu khí đốt; Nga vẫn xuất khẩu đều đặn hơn 3 triệu thùng dầu/ngày; Indonesia, Singapore hợp tác thúc đẩy năng lượng tái tạo… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 28/3/2023.
Châu Âu gia hạn biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế nhu cầu khí đốt
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã nhất trí gia hạn thêm 1 năm đối với biện pháp khẩn cấp nhằm tự nguyện giảm lượng sử dụng khí đốt, góp phần chuẩn bị cho một mùa đông khác ở “lục địa già” trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm từ Nga.
Theo đó, gói biện pháp trên sẽ được thực hiện cho đến tháng 3/2024, với mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt của khối. Theo kế hoạch trước đó, biện pháp khẩn cấp mà EU đạt được đồng thuận hồi năm ngoái nhằm đáp trả động thái Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 này.
Triển vọng nguồn cung năng lượng cho châu Âu ổn định hơn sau khi châu lục này mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu nhiên liệu từ các nguồn cung thay thế. Mặc dù vậy, châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với rủi ro như thời tiết lạnh giá hoặc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên cũng có thể làm giảm nguồn cung sẵn có.
Nga vẫn xuất khẩu đều đặn hơn 3 triệu thùng dầu/ngày
Dù bị phương Tây áp lệnh cấm vận và trần giá, Nga tuyên bố sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Tuy nhiên, đến hiện tại, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Nga vẫn chưa được thể hiện qua số liệu xuất khẩu dầu của nước này.
Dữ liệu từ theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga qua đường biển giảm 123.000 thùng/ngày còn 3,11 triệu thùng/ngày trong kỳ 7 ngày kết thúc vào hôm 24/3. Mức xuất khẩu bình quân hàng ngày của kỳ 4 tuần cũng giảm với mức tương tự, và đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp Nga xuất khẩu trên 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga vẫn diễn ra mạnh mẽ, đồng nghĩa rằng cam kết của nước này về cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu vẫn chưa ảnh hưởng thực sự đến nguồn cung trên thị trường dầu quốc tế - hãng tin Bloomberg cho hay.
Indonesia, Singapore hợp tác thúc đẩy năng lượng tái tạo
Indonesia và Singapore đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thỏa thuận sẽ cho phép Indonesia phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm hệ thống lưu trữ pin và điện mặt trời, đồng thời thúc đẩy thương mại điện xuyên biên giới vì lợi ích chung.
Phát biểu ngày 28/3, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết MoU sẽ tăng cường phát triển năng lực và sản xuất năng lượng tái tạo ở Indonesia. Điều này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu điện trong nước mà còn mở ra cơ hội tích trữ điện năng dư thừa để sử dụng trong tương lai hoặc xuất khẩu, tạo đòn bẩy đầu tư cho các dự án xuất khẩu điện sang Singapore.
MoU cũng bao gồm hợp tác về các thỏa thuận thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải để tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán điện xuyên biên giới. Sự hợp tác này dự kiến sẽ hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Singapore là nhập khẩu tới 4 GW điện carbon thấp vào năm 2035.
Chính phủ Bulgaria sẽ ký thỏa thuận điện hạt nhân với Mỹ và Pháp
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria Elenko Bozhkov ngày 28/3 cho biết nước này sẽ ký hợp đồng kỹ thuật với các công ty của Mỹ và Pháp để xây dựng 4 lò phản ứng cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Bulgaria sẽ ký hợp đồng với Tập đoàn Westinghouse của Mỹ để xây dựng 2 lò phản ứng AP 1000 tại nhà máy điện hạt nhân Kozloduy và với Electricite de France (EDF) của Pháp nhằm triển khai dự án xây dựng 2 lò phản ứng 1.000 MW tại nhà máy điện hạt nhân Belene.
Theo ông Bozhkov, các tổ máy tại Belene dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2035, trong khi 2 tổ máy tại Kozloduy sẽ được hoàn thiện vào năm 2045. Mục tiêu của Bulgaria khi ký hợp đồng với Westinghouse là huy động sự tham gia tối đa của ngành công nghiệp trong nước, tận dụng hạ tầng hiện có và đạt được mức giá tốt nhất.
Liên Hợp Quốc không thông qua nghị quyết của Nga về các Dòng chảy phương Bắc
Ngày 27/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thông qua nghị quyết của Nga về việc thành lập một ủy ban quốc tế điều tra việc phá hoại các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc. Tài liệu đã không nhận được số phiếu cần thiết do quan điểm của các nước phương Tây. Nga, Trung Quốc và Brazil bỏ phiếu thuận, các nước còn lại bỏ phiếu trắng.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya lưu ý rằng, sau cuộc bỏ phiếu vừa qua, những nghi ngờ về kẻ thực sự đứng sau vụ tấn công khủng bố vào các Dòng chảy phương Bắc đang gia tăng.
Trước đó, Giám đốc Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết, Moscow cuối cùng có thể nêu vấn đề bồi thường thiệt hại do cuộc tấn công khủng bố vào các Dòng chảy phương Bắc. Theo ông, số phận tương lai của các đường ống dẫn khí vẫn chưa rõ ràng, còn hành động của các nước phương Tây, phá hoại cuộc điều tra về vụ nổ, cho thấy sự thiếu quan tâm đến quan hệ bình thường với Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2832023-681485.html