Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/9/2022

Mỹ muốn giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng; OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu; Các nước châu Âu nỗ lực giải quyết bài toán giá năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/9/2022.

Đường ống khí đốt TurkStream nối từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: OE

Đường ống khí đốt TurkStream nối từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: OE

Mỹ muốn giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng

Sau khi thăm Bến Tre và TP HCM, ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu ngày 5/9 nói rằng, ông nhìn thấy những rủi ro nếu Việt Nam không tăng tốc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ông khẳng định, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Theo ông Kerry, Việt Nam đã cho phép xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời, nhưng vẫn cần nhiều nhà máy hơn. Đặc biệt, Việt Nam cần hệ thống truyền tải đủ công suất để tận dụng các nhà máy năng lượng tái tạo.

Đặc phái viên Mỹ khuyến nghị Việt Nam khuyến khích cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời cho biết, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra chậm, khi còn những tranh luận chính trị và quan điểm khác nhau. “Tất cả các nước cần đi nhanh hơn. Mỹ có thể giúp Việt Nam đi nhanh hơn”, ông nói.

OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) ngày 5/9 đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu một cách khiêm tốn 100.000 thùng/ngày. Việc cắt giảm sản lượng chỉ chiếm khoảng 0,1% nhu cầu toàn cầu nên sẽ có rất ít tác động thực tế đến nguồn cung. Nhưng điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng.

Việc cắt giảm gây bất ngờ đối với nhiều nhà giao dịch, những người đã kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ sản lượng ổn định khi giá dầu trên 90 USD/thùng. Thị trường có vẻ sẽ còn thắt chặt hơn nữa trong những tháng tới khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga.

Tuy nhiên, OPEC+ cũng phải đối mặt với một thị trường mà những lo ngại về sức mạnh của nhu cầu đã bắt đầu vượt quá lo ngại về nguồn cung. Giá dầu thô tương lai đã mất khoảng 20% trong ba tháng qua do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến OPEC+ gặp nhiều khó khăn trong năm nay.

Các nước châu Âu nỗ lực giải quyết bài toán giá năng lượng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/9 cho biết trên Tweeter rằng các đề xuất sắp tới của EC này nhằm giải quyết giá năng lượng tăng cao là áp giá trần đối với khí đốt Nga bán cho EU thông qua đường ống và hỗ trợ cho các nhà sản xuất điện đang đối mặt với tình trạng siết chặt thanh khoản.

Chủ tịch EC cho biết các đề xuất sẽ nhằm giảm giá khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống, hạn chế nhu cầu điện và sử dụng doanh thu từ các công ty năng lượng để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Trước đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đề xuất các nước EU áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu của Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/9 cũng khẳng định ủng hộ đề xuất nói trên. Tuy nhiên, một số nước EU đang lo ngại nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu để đáp trả.

Nga tuyên bố chỉ mở khóa Nord Stream 1 nếu được dỡ trừng phạt

Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin ngày 5/9 tuyên bố, Nga sẽ chỉ nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp lên Nga.

Ông Peskov nhấn mạnh chính các biện pháp trừng phạt “mà các nước phương Tây gồm Đức và Anh đưa ra để chống lại đất nước chúng tôi” là nguyên nhân dẫn tới việc Nga không thể tiếp tục bơm khí đốt qua Nord Stream 1. “Những lý do khác dẫn tới vấn đề trong việc bơm khí đốt là không hề tồn tại.

Hôm thứ Sáu, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố sẽ khóa Nord Stream 1 vô thời hạn. Lý do được Gazprom đưa ra là hỏng hóc tại một turbine của đường ống. Theo Gazprom, nhà sản xuất turbine Siemens Energy - một công ty của Đức - không thể thực hiện việc sửa chữa các turbine của Nord Stream 1 vì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Gazprom.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chính châu Âu gây ra khủng hoảng năng lượng

Ngày 6/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng chỉ trích chính việc phương Tây áp đặt trừng phạt nhằm vào Nga mới dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay.

Trả lời báo giới, ông Erdogan nêu rõ: "Thái độ của châu Âu đối với Ngài Putin, các lệnh trừng phạt, đã khiến Ngài Putin - dù muốn hay không - phải tuyên bố: "Nếu bạn làm điều này tôi sẽ đáp trả tương xứng. Ông ấy (Putin) đang áp dụng mọi biện pháp và vũ khí. Thật đáng tiếc, khí đốt tự nhiên là một trong số đó".

Tổng thống Erdogan hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trải qua tình trạng thiếu hụt năng lượng căn cứ vào cam kết dần chuyển sang thanh toán mặt hàng nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble tại hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích nhận định thỏa thuận này sẽ đảm bảo Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống khí đốt TurkStream qua Biển Đen.

Quan chức Nga cảnh báo rủi ro đối với thị trường dầu mỏ thế giới

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 5/9 cho biết kế hoạch của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây ra “sự không chắc chắn” trên thị trường toàn cầu.

Ông Novak nói: “Chúng tôi sẽ xem xét tình hình thị trường diễn biến như thế nào vì có nhiều điều không chắc chắn," đặc biệt là liên quan đến “tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 về việc áp giá trần đối với dầu của Nga”.

Trước đó, ngày 2/9, các quốc gia G7 cho biết đang khẩn trương tìm cách áp đặt giá trần đối với dầu của Nga để hạn chế lợi nhuận mà Moskva có thể thu được.

Trung Quốc bình luận về động thái áp trần giá dầu Nga

Bình luận về quyết định áp trần giá dầu Nga của các nước G7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 5/9 kêu gọi các bên hãy nỗ lực xây dựng để hạ nhiệt tình hình thông qua đối thoại.

Bà Mao Ning đồng thời khẳng định dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Nữ phát ngôn viên đã không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cân nhắc tham gia vào sáng kiến của G7 hay không.

Trước đó, ngày 2/9, các bộ trưởng tài chính G7 đã xác nhận về kế hoạch áp đặt mức giới hạn đối với giá dầu của Nga và kêu gọi tất cả các nước tham gia sáng kiến này. Cao ủy kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết mục tiêu của EC là triển khai biện pháp kiểm soát giá trên phù hợp với thời hạn đã thống nhất trong gói trừng phạt thứ sáu của EU.

T.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-692022-664876.html