'Nhịp điệu mới' của thơ
Kể từ ngày Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) hằng năm thì thơ Việt đã có một ngày hội của riêng mình. Ở đó, những tác giả - tác phẩm tiêu biểu được giới thiệu tới đông đảo công chúng, những giá trị, thành tựu của thơ ca Việt được tôn vinh... Với xứ Thanh, Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội, nét đẹp văn hóa tao nhã, độc đáo.
Các quán thơ trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Thanh Hóa luôn thu hút bạn đọc. Ảnh: Hương Thảo
Khi xuân vẫn đượm sắc trên những cánh hoa mai, hoa đào, phủ lên từng cành non lộc biếc hơi ấm của sự sống mơn mởn, tinh khôi thì lòng người lại háo hức đón thêm một ngày hội độc đáo - Ngày Thơ Việt Nam diễn ra vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng hằng năm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Đó là câu chuyện của lịch sử, văn hóa tâm linh hòa cùng ước vọng của con người. Thật trang trọng, ý nghĩa biết bao khi trong đêm rằm đầu tiên của năm mới, tiếng thơ tự khắp muôn phương được cất lên, gửi gắm bao điều tốt lành. Bởi lẽ, “thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi); “thơ là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người” (Lamartine)... Không một câu thơ đúng nghĩa nào xúi giục con người ta làm điều sai trái, tệ bạc, vô ơn... Điều đó có nghĩa là, thơ ca như một quyền lực của cái đẹp, luôn cổ vũ, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ và “tình là cái gốc của thơ”...
Tiếng thơ vang vọng trong đêm rằm tháng Giêng, mỗi người con đất Việt lại nhớ tới hình ảnh đáng kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Vào đêm rằm tháng Giêng năm 1948, sau cuộc họp bàn về các vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác xuôi thuyền trở về. Đêm đã về khuya, thuyền lướt nhẹ trên mặt nước lấp loáng ánh trăng. Xúc cảm dâng tràn trước vẻ đẹp hữu tình của cảnh sắc thiên nhiên, cảm động về tình đồng chí, đồng đội thủy chung, son sắt đã trở thành nguồn thi hứng để Bác viết nên bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng: “Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Với Bác Hồ, thơ vừa là nơi gửi gắm tâm sự, nỗi niềm vừa là “vũ khí” đặc biệt trong hoạt động tuyên truyền cách mạng. Trong di cảo của Bác, thơ là một phần độc đáo, là “cầu nối” để mọi thế hệ người dân Việt thấu hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp, chân dung tinh thần, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác Hồ của chúng ta cũng là một người nặng tình với thơ, một nhà thơ tiêu biểu, tỏa sáng trên thi đàn dân tộc.
Hòa chung không khí tưng bừng, rộn ràng của đất trời, của lòng người những ngày đầu xuân năm mới, Ngày Thơ Việt Nam đã trở lại trên mảnh đất ưa chuộng thơ ca này, trong đêm rằm tháng Giêng đầy linh khí này. Với chủ đề “Nhịp điệu mới - văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng quê hương, đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Thanh Hóa gửi gắm thông điệp tràn đầy hy vọng, hướng tới tương lai, những điều tốt đẹp khi đất nước chúng ta đã vượt qua đại dịch thế kỷ, cuộc sống bình thường mới trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới cùng sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn học nghệ thuật xứ Thanh tiếp tục kế thừa, phát huy những tiềm năng và lợi thế vốn có, kết quả đã đạt được, bằng tất cả tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của mình vẫn không ngừng nỗ lực, sáng tạo nhằm mang đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh kịp thời, sinh động sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước.
Trong buổi tối ngày mùng 4 và cả ngày mùng 5-2 (14 và 15 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người yêu thơ của xứ Thanh cùng nhau trải qua những thăng hoa trong cảm xúc “vui hội” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: giao lưu thơ (đọc thơ, ngâm thơ, trình bày các ca khúc phổ thơ, các làn điệu dân gian) của các hội thơ, câu lạc bộ (CLB) thơ, diễn đàn thơ; kéo cờ thơ, thả thơ và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Đây là lần quay trở lại đầu tiên của Ngày Thơ Việt Nam sau khoảng thời gian dài phải tạm dừng bởi tác động của dịch COVID-19 nên không khí càng thêm rộn ràng, lòng người càng thêm hồ hởi, háo hức...
Ngày Thơ Việt Nam tại Thanh Hóa năm nay có khoảng 15 quán thơ của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa và các tổ chức, cá nhân, chủ yếu là các hội thơ, CLB thơ, diễn đàn những người yêu thơ trên địa bàn tỉnh. Bám sát chương trình, theo sự hướng dẫn của đơn vị tổ chức, các hội, CLB, diễn đàn xây dựng ý tưởng thiết kế, bày trí không gian quán thơ, xây dựng nội dung hoạt động để vừa có thể hòa nhịp với không khí chung vừa tạo nên sự đa dạng, phong phú, sôi nổi, dấu ấn riêng của từng đơn vị. Các quán thơ không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ “thi huynh”, “thi hữu” trong ngày hội mà còn là nơi trưng bày, giới thiệu tác phẩm của các thành viên, đưa tác giả - tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc.
Chi hội Quán Chiêu Văn (QCV) xứ Thanh lần đầu tiên góp mặt trong Ngày Thơ Việt Nam tại Thanh Hóa. QCV là một diễn đàn văn chương online, “ngôi nhà chung” của đông đảo những người yêu mến văn học - nghệ thuật, yêu thích công việc viết lách trong và ngoài nước tham gia. Hiện nay, fanpage của QCV đã có trên 4.500 người theo dõi. Ngay từ khi thành lập, QCV đã định hướng hoạt động là hướng ra công chúng, lan tỏa những giá trị văn chương đến cộng đồng. Đội ngũ tham gia quản trị, điều hành diễn đàn có rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhà báo... là những tác giả đã thành danh, tên tuổi. Ở Thanh Hóa, chi hội QCV được thành lập chưa lâu nhưng đã thu hút đông đảo thành viên tham gia, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, cùng lan tỏa tình yêu, niềm đam mê, giá trị văn học nghệ thuật. Nhà thơ Mai Hương, Chi hội trưởng Chi hội QCV xứ Thanh, chia sẻ: “Lần đầu tiên chi hội QCV tại Thanh Hóa tham dự Ngày Thơ Việt Nam nên các thành viên đều rất vui mừng, háo hức. Với mong muốn dựng lên được quán thơ đẹp, ý nghĩa trong ngày hội, các thành viên nêu cao tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là được cống hiến và thỏa sức vui chơi trong ngày hội thơ”.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Thanh Hóa không chỉ có các quán thơ mang tính tập thể, đại diện cho một tổ chức mà có cả quán thơ mang đậm dấu ấn cá nhân, do cá nhân tự thiết kế, xây dựng. Đó là quán thơ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn - nguyên Tổng biên tập Nhà Xuất bản Thanh Hóa. Nhiều năm nay, ông đều có quán thơ tham dự, góp thêm dấu ấn cá nhân tiêu biểu trong Ngày Thơ Việt Nam tại Thanh Hóa lần này.
Lá cờ mang theo hình ảnh chim lạc cùng chữ Thơ lồng lộng tung bay trong đêm rằm tháng Giêng là biểu tượng cho tinh thần, sức sống của thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung. Ở đó, nét đẹp văn hóa truyền thống và tinh thần thời đại hòa quyện trong nhau đồng hiện. Ngày Thơ Việt Nam nói chung đã thực sự trở thành ngày hội tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến công chúng cả nước, bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhip-dieu-moi-cua-tho/178375.htm