Nhịp sống mới dưới chân đèo Phạ Đin

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại đèo Phạ Đin huyền thoại, tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội tại chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Ngược dòng lịch sử, năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Phạ Đin đóng vai trò hết sức trọng yếu, bởi là tuyến đường huyết mạch, độc đạo của bộ đội, dân công ta vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông trên tuyến đường từ Hòa Bình, Yên Bái qua Sơn La lên Điện Biên.

Một góc đèo Phạ Đin hôm nay.

Một góc đèo Phạ Đin hôm nay.

Đèo Phạ Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, nơi cửa ngõ Điện Biên Phủ, nên quân Pháp luôn tìm cách cắt đứt tuyến đường, ngăn việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận. Chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần/ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo.

Cùng với nhân dân cả nước và huyện Thuận Châu, nhân dân 2 xã Mường É, Phổng Lái không quản hy sinh gian khổ, ngày, đêm tham gia “phá đá mở đường”; nhiều thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể, bảo vệ huyết mạch Pha Đin luôn được thông suốt. Đèo Pha Đin hôm nay đã đổi thay nhiều, nhưng dấu tích của tinh thần, ý chí của nhân dân, bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử.

Ghé thăm xã Phổng Lái, cảm nhận đầu tiên về nơi đây là những ngôi nhà tầng khang trang, cửa hàng tạp hóa đông người mua bán, nhiều nương chè, đồi cây ăn quả xanh mát mắt. Đón chúng tôi tại trụ sở xã, ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, vui vẻ: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nhân dân trong xã luôn chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế. Với lợi thế là địa danh lịch sử, lại được thiên nhiên ưu đãi, người dân nơi đây tận dụng ưu thế đó để phát triển kinh tế, nhất là cây chè và du lịch. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 4%. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất trong vòng 5 năm qua ước đạt gần 325 tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm. Cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, hệ thống chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025.

Cán bộ xã Mường É tuyên truyền người dân gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ xã Mường É tuyên truyền người dân gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện nay, toàn xã có hơn 400 hộ trồng chè với diện tích trên 800 ha, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương; 172 ha cà phê, 268,6 ha cây ăn quả; 16 ha cây mắc ca. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với gần 2.500 con trâu, bò, hơn 1.000 con lợn, 36.000 con gia cầm. Hình thành các cụm, điểm thu mua, sơ chế và chế biến nông sản; duy trì hoạt động 4 doanh nghiệp, 3 HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả; 4 cơ sở chế biến, thu mua cà phê, ngô, khoai, sắn. Từ các các chính sách vốn vay hỗ trợ người dân, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân vay vốn phát triển kinh tế; hiện, tổng dư nợ trên địa bàn xã là hơn 100 tỷ đồng.

Cùng chung sự đổi thay tích cực, xã vùng III khó khăn Mường É giờ đây từng bước phát triển. Tuyến đường đất, đá năm xưa, được thay thế bằng những tuyến đường bê tông nối liền đến từng bản, ngõ xóm, thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Những nương ngô, sắn kém hiệu quả thay bằng những nương chè, đồi cây ăn quả xanh mướt đầy sức sống. Ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, tiên phong đi trước, làm trước, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp mới để nhân dân làm theo. Xã còn phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây, con cho người dân. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ hướng dẫn bà con đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có trên 300 ha chè, trong đó, hơn 200 ha chè đã cho thu hoạch; 103 ha cà phê; 62 ha chanh leo; 48 ha cây mắc ca.

Người dân xã Phổng lái thu hái chè.

Người dân xã Phổng lái thu hái chè.

Ông Lò Văn Dủng, bản Cả Vai, xã Mường É, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, chúng tôi luôn phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Gia đình tôi bắt đầu trồng chè từ năm 2011, cây giống và phân bón được Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, sản phẩm chè của gia đình được Công ty TNHH nông sản Thân Nga (xã Phổng Lái) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch trên 20 tấn chè, thu nhập hơn 120 triệu đồng.

Kinh tế phát triển, các phong trào văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới được người dân đồng lòng ủng hộ. Năm 2021, các hộ trong xã đã tự nguyện hiến trên 3.000 m² đất và tài sản trên đất, hàng chục ngày công lao động để làm đường bê tông. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 53% đường trục bản được đổ tông hóa. Theo kế hoạch, xã Mường É sẽ triển khai bê tông hóa, cứng hóa thêm 40 km đường ngõ, cấp phối gần 7 km đường nội đồng để hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, Đèo Phạ Đin được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 3087/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Phát huy giá trị lịch sử to lớn, hiện nay, huyện Thuận Châu đã đề xuất với tỉnh xem xét, bổ sung nội dung quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Phạ Đin với quy mô khoảng 500 ha vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ghé thăm khu du lịch Pha Đin Top của HTX Du lịch Pha Đin, điểm nhấn du lịch trên đỉnh đèo Pha Đin với những khu rừng sinh thái, vườn hoa, khu tâm linh... tại đây du khách vừa được tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin, chia sẻ: Phạ Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo nên chúng tôi quyết định đầu tư phát triển du lịch. Giờ đây, mỗi khi du khách dừng chân tham quan, tìm hiểu về lịch sử cung đèo Phạ Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, còn được giới thiệu về các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, lưu giữ khoảnh khắc bên những vườn hoa sắc màu. Qua đó, chúng tôi đang góp phần lưu giữ, truyền tải những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi đã xây dựng khu du lịch “Pha Đin Top” với quy mô gần 28 ha, gồm rừng sinh thái, vườn hoa, khu tâm linh... được đầu tư xây dựng độc đáo, tạo điểm nhấn đối với du khách.

Gần 70 năm trôi qua, hôm nay người dân sinh sống khu vực đèo Phạ Đin huyền thoại đang phát huy truyền thống quê hương cách mạng, chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, du lịch, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhip-song-moi-duoi-chan-deo-pha-din-49941