Nhịp sống mới nơi sườn Đông Tam Đảo
Dãy Tam Đảo điệp trùng có điểm xuất phát từ núi Hồng, xuôi dần và kết thúc ở khu vực TP. Phổ Yên. Sườn phía Tây thuộc tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, còn sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Thái Nguyên, dài ngót trăm cây số. Trong đó, huyện Đại Từ có đến 10 xã nằm men theo chân Tam Đảo. Không còn là rừng núi hoang vu, hiểm trở, thưa vắng trong ý niệm về Tam Đảo xưa kia, vùng đất này đang từng ngày vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Nơi tiềm năng du lịch đang được đánh thức
So với các khu vực khác của huyện Đại Từ, khu vực sườn Đông Tam Đảo có nhiều lợi thế hơn cả. Trong đó, các xã nằm dưới chân dãy Tam Đảo là những địa phương giàu truyền thống cách mạng với số lượng lớn các di tích lịch sử và tín ngưỡng trên địa bàn. Trong đó, hơn 40% số di tích đã được xếp hạng Quốc gia đều tập trung ở đây, có thể kể đến như: Nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh tại xã La Bằng; xã Yên Lãng với Chiến khu cách mạng Nguyễn Huệ, nơi 12 đảng viên năm xưa vượt nhà tù Chợ Chu để góp phần thắp sáng ngọn lửa tiền khởi nghĩa của dân tộc; chùa Thiên Tây Trúc ở xã Quân Chu - ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời hậu Lê - Nguyễn, gắn liền với câu chuyện về “Ngũ hổ Tam Đảo”; địa danh Lán Than - nơi thành lập Đội du kích Cao Sơn, sau đổi tên thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái trong thời kỳ kháng Nhật, chống Pháp…
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, không ít lần sườn Đông Tam Đảo trở thành căn cứ địa lý tưởng, che chắn cho quân ta, để rồi nhiều chiến công hiển hách được lập nên, giành chiến thắng trước quân thù.
Không chỉ giàu giá trị lịch sử, sườn Đông Tam Đảo còn nức tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình. Nằm giữa thênh thang đại ngàn, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo riêng có của vùng đất này. Tận dụng điều đó, những năm gần đây, nhiều người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình nghỉ dưỡng, nhà hàng phục vụ du khách kết hợp với du lịch trải nghiệm, như: Hoàng Nông farm, Quân Chu farm, La Bằng homestay… Được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng (như cá suối, cá tầm, rau su su, rau bò khai…) khiến du khách khó quên.
Nhận thấy tiềm năng lớn về du lịch văn hóa - tín ngưỡng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, trải nghiệm, những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và phát triển du lịch được địa phương quan tâm. Đáng chú ý, cuối năm 2021, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 300 tỷ đồng.
Trong đó, huyện xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch theo từng giai đoạn, bao gồm: Du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, thu hút du khách, hình thành các tour, tuyến du lịch... Qua đó từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét đặc trưng của địa phương, xây dựng huyện Đại Từ trở thành vùng kinh tế nông nghiệp - du lịch đứng đầu tỉnh.
Đô thị dưới chân núi
Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 261 dài gần 20km đi qua phần lớn các xã phía Đông Tam Đảo đang dần hoàn thiện đã đem lại diện mạo mới cho vùng đất phía Tây Bắc của tỉnh. Đường sá phong quang, thuận lợi giúp cho hoạt động giao thương hàng hóa của người dân thêm phần sôi động, kết nối các xã phía Nam với trung tâm huyện Đại Từ, TP. Phổ Yên và các địa phương lân cận. Đồng thời, dự án trọng điểm của tỉnh là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên đi qua các xã Ký Phú, Cát Nê và thị trấn Quân Chu đang được triển khai, kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đem lại lợi ích nhiều mặt cho các địa phương.
Cùng với hạ tầng giao thông đang từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tương thích với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các xã ở sườn Đông Tam Đảo đang nỗ lực phát triển theo hướng riêng.
Ông Lỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ký Phú chia sẻ: Với lộ trình trở thành phường trước năm 2030, hiện nay, xã đang phấn đấu hoàn thiện các điều kiện, tiêu chí cần thiết, trong đó đặc biệt quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Hiện nay, hai dự án khu dân cư là Điểm dân cư xóm Duyên và Điểm dân cư nông thôn trung tâm xã Ký Phú đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng; Dự án tái định cư có quy mô 1,7ha cho các hộ dân trong xã thuộc diện di dời để thực hiện Dự án tuyến đường liên kết vùng dự kiến khởi công vào cuối tháng 4. Bên cạnh đó, xã đang triển khai các bước để trình cấp có thẩm quyền đối với Dự án Khu dân cư số 1, xóm Duyên với quy mô khoảng 7,3ha; đề xuất bổ sung vào quy hoạch chi tiết của xã 3 khu dân cư tại khu vực trung tâm. Ngoài ra, xã đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để lập quy hoạch Làng sinh thái du lịch và dịch vụ Phú Cát với quy mô dự kiến 170ha...
Đến thời điểm này, huyện Đại Từ đang tích cực xây dựng quy hoạch vùng của huyện đến năm 2040; các xã, thị trấn cũng đang xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Trong đó, vùng sườn Đông Tam Đảo được định hướng trở thành vành đai xanh của thị xã Đại Từ trong tương lai với hướng phát triển chủ đạo là du lịch, dịch vụ và sản xuất nông, lâm nghiệp; các xã Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông, La Bằng được định hướng phát triển thành khu vực ngoại thị; khu vực nội thị gồm: Ký Phú, Cát Nê…