Nhịp sống mới ở bản tái định cư huyện vùng cao Tủa Chùa

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhường đất để thi công thủy điện Sơn La, sau 18 năm, người dân thôn tái định cư Huổi Lực, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã hòa nhập cuộc sống mới. Nằm ở vị trí cửa ngõ của huyện Tủa Chùa, tận dụng ưu thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, dựa vào núi, hướng ra sông, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã và đang từng bước làm kinh tế với các mô hình du lịch cộng đồng được triển khai.

Cánh đồng Mường Báng với thôn tái định cư Huổi Lực hôm nay. (Ảnh Khiếu Minh)

Cánh đồng Mường Báng với thôn tái định cư Huổi Lực hôm nay. (Ảnh Khiếu Minh)

Được ví như tiểu Hà Giang thu nhỏ với địa hình núi đá, đèo dốc uốn lượn, phong cảnh hùng vĩ và hoang sơ, mang đặc trưng núi rừng Tây Bắc, huyện Tủa Chùa, trong đó có bản Huổi Lực, xã Mường Báng là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Cộng đồng nhân dân các dân tộc H’Mông, Thái, Dao… với văn hóa bản địa độc đáo, đã triển khai mô hình kinh doanh homestay phục vụ du khách đang tìm đến nơi đây ngày càng nhiều hơn.

Thử sức làm du lịch Homestay

Bản Huổi Lực, xã Mường Báng nằm ngay cạnh thị trấn huyện Tủa Chùa, đường sá gọn gàng, phong quang; nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Ở đây, nhân dân các dân tộc H’Mông, Thái, Kinh… cùng chung sống bên những nếp nhà sàn mềm mại, nằm ngay ngắn hai bên đường, trong một nhịp sống êm ả, quây quần và đầm ấm.

Được cô giáo Vì Thị Ái, giáo viên Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Tủa Chùa giới thiệu về khu du lịch cộng đồng của đồng bào người Thái, chúng tôi đến homestay Pi Noọng lúc giữa trưa. Vừa xuống xe, chủ homestay là anh Lù Văn Lả đã đứng ở cổng đợi đón khách, tay bắt mặt mừng, anh bảo: “Cô giáo Ái nói có đoàn khách từ Hà Nội lên, bà con trong bản cùng nhau tíu tít chuẩn bị làm cơm từ sáng. Giờ thì đã xong xuôi, tươm tất. Mời mọi người vào dùng bữa!”.

Quây quần bên mâm cơm với các món ăn hương vị đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái “rượu Mông Pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà xương đen”, chúng tôi còn được thưởng thức xôi ngũ sắc, cá nướng, măng luộc và các loại rau rừng…

Trong căn nhà bằng gỗ vàng tâm mà gia đình anh vừa mới dựng theo kiến trúc nhà truyền thống của người Thái để đón khách, có tầm nhìn là cánh đồng lúa đang dần ngả vàng, anh Lù Văn Lả cho biết: “Huổi Lực là bản tái định cư. Cuối năm 2006, người dân xã Tủa Thàng giáp sông Đà đã di chuyển đến các khu ở mới, gồm Huổi Lực, Huổi Trẳng, Tà Si Láng và Tà Huổi Trắng.

Xã Mường Báng lúc đó đón 80 hộ dân tái định cư chuyển lên, thành lập thôn mới Huổi Lực. Những năm đầu, cuộc sống mới vô cùng khó khăn do thiếu đất và nước sản xuất. Nhà nước và nhân dân cùng làm, khó khăn dần được tháo gỡ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, san ủi mặt bằng làm nhà, làm nơi sinh hoạt, sản xuất, buôn bán, hội họp...”. Theo anh Lả, đến nay, đường giao thông đi lại đã thuận lợi, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, trung tâm y tế được bổ sung, hình thành một cộng đồng dân cư sum vầy. Đồng bào các dân tộc trong thôn tái định cư dần thích nghi với nơi ở mới, cuộc sống an cư, ổn định. Hiện nay thôn Huổi Lực có 158 hộ dân, chủ yếu vẫn làm nông nghiệp, nhưng đã có một số hộ gia đình bắt đầu làm du lịch cộng đồng cải thiện đời sống kinh tế.

Được Nhà nước đền bù cho 20m mặt tiền đất ở, 700 m2 đất ruộng và 1.500 m2 đất nương trên sườn đồi, gia đình anh Lù Văn Lả tiên phong trong thôn làm mô hình du lịch lưu trú. Nhớ lại thời điểm đó, anh bảo: “Khi Phòng Văn hóa thông tin huyện Tủa Chùa xuống địa bàn phổ biến, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, trong bản có năm hộ đăng ký. Thời gian đầu chưa đông khách, nhà tôi dựng một nhà sàn có sức chứa 16 người lưu trú.

Sông Đà chảy qua địa phận huyện Tủa Chùa (Điện Biên).

Sông Đà chảy qua địa phận huyện Tủa Chùa (Điện Biên).

Đầu năm 2022, tôi dựng thêm một căn nhà sàn rộng hơn, đủ cho 21 người ở, phục vụ các đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài. Chia sẻ cách làm và vận động bà con trong thôn tham gia, chúng tôi theo đúng tinh thần của từ “Pi Noọng”, trong tiếng Thái là anh em. Bà con cùng nhau làm, cùng nhau hưởng”. Ban đầu, các đoàn khách đến lưu trú, ăn ở tập trung tại homestay Pi Noọng của anh Lù Văn Lả chưa nhiều, nhưng cho đến nay, cơ sở đã dần được biết tới và cùng với đó, lượng khách dần tăng lên.

Nếu số lượng khách vượt quá khả năng lưu trú, du khách sẽ được sắp xếp, bố trí ở tại nhà sàn của người dân trong bản và dịch vụ lưu trú homestay bước đầu được hình thành và lan tỏa. Các thành viên tham gia cùng nhau tổ chức các hoạt động phục vụ, cùng nấu nướng, dọn dẹp, đưa đón khách du lịch. Buổi tối, bên ánh lửa bập bùng, hai đội văn nghệ của thôn giao lưu với du khách qua các điệu múa sạp, múa khăn, múa nón và chung vui trong điệu xòe Thái.

Tầm nhìn mới cho du lịch cộng đồng

Thôn Huổi Lực nằm ở vị trí xuất phát trong hành trình xuôi về phía nam của huyện Tủa Chùa, nơi có nhiều địa danh đẹp để khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc. Là người trực tiếp đưa và hướng dẫn các đoàn khách đi tham quan cung đường này, anh Lù Văn Lả chỉ dẫn cho chúng tôi và một số du khách muốn tự khám phá hành trình tham quan huyện Tủa Chùa. Cung đường hình vành thúng trải dài khoảng gần 100 km từ xã Mường Báng đến xã Sính Phình, đưa chúng tôi qua các xã Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng, Huổi Só… với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ của núi non, sự thơ mộng của mây trắng và dòng sông Đà nước xanh như ngọc.

Tham quan quần thể hang động Khó Chua La, chợ phiên Xá Nhè, đi thuyền trên vịnh Pa Phông ngắm cây cầu đỏ vắt ngang sông Đà, chúng tôi tiếp tục ngược lên Sín Chải nơi có hàng nghìn cây chè Shan Tuyết cổ thụ, mà nghe nói, người dân muốn hái búp chè phải bắc thang hoặc trèo lên cây. Sau khi dự chợ phiên Tả Sìn Thàng, chúng tôi thăm cao nguyên đá cổ Tả Phìn với lớp lớp đá tai mèo tua tủa, cạnh đó là di tích kiến trúc nghệ thuật Thành Vàng Lồng - di sản văn hóa cổ của người H’Mông vùng Tây Bắc. Từ Tả Phìn, băng qua những cánh rừng thông ở xã Trung Thu, đi qua xã Sính Phình rồi quay về thị trấn Tủa Chùa, hành trình du lịch sau hai ngày một đêm khám phá các xã của huyện Tủa Chùa kết thúc ở đó.

Là Bí thư Chi bộ thôn Huổi Lực, có thể nói, anh Lù Văn Lả tiêu biểu cho tấm gương làm kinh tế ở địa phương với mô hình homestay. Anh bảo: “Ban đầu tôi cũng ngại vì chưa hiểu homestay là gì, tổ chức làm như thế này thì phục vụ ai. Được lãnh đạo huyện Tủa Chùa và cán bộ xã Mường Báng động viên, tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú tham gia tập huấn, tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Sơn La, Hòa Bình… để học hỏi kinh nghiệm, cách làm của các homestay, nhận thức về làm du lịch của tôi và nhân dân trong bản được nâng lên”.

Hiện nay, nhiều hộ dân đã cải tạo, chỉnh trang nhà cửa khang trang đón khách. Xác định làm du lịch lưu trú cần tính đến yếu tố lâu dài, trước mắt là tạo công ăn việc làm cho bà con, nên anh Lả và bà con trong thôn xác định vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Song song phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ, họ còn không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cấp các dịch vụ tham quan, trải nghiệm dần theo hướng chuyên nghiệp như một số homestay ở huyện Mộc Châu hay tỉnh Hà Giang để thu hút và “giữ chân” du khách.

Tiếp nối bố, con gái anh là Lù Thị Pưng, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Tủa Chùa cũng cùng gia đình làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, quảng bá homestay và các dịch vụ trên mạng xã hội, từ đó du khách biết đến nhiều hơn. Gia đình anh Lù Văn Lả còn kinh doanh một gian hàng ẩm thực tại chợ đêm Tủa Chùa, mở vào tối thứ bảy hằng tuần phục vụ và quảng bá các món ăn đặc sản dân tộc Thái như lẩu thắng cố, gà nướng, rượu Mông Pê.

Tập quán và văn hóa của người Thái là ăn theo nước, lập thôn bản đều gần sông suối. Cái tên Huổi Lực có nghĩa là khe suối sâu, nhưng nhiều năm nay, bước vào mùa khô, nhân dân thôn Huổi Lực luôn đối mặt với hạn hán và nỗi lo thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống và mùa màng.

Chuyển đổi tập quán, lối sống, nơi ở, giờ đây bà con lại thay đổi tư duy, đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, đồng thời phát huy thế mạnh về ẩm thực dân tộc và bản sắc văn hóa được lưu giữ tốt để phát triển du lịch cộng đồng. Những ngôi nhà sàn mới dựng như của anh Lù Văn Lả và nhân dân trong thôn đang tiếp tục được hoàn thiện, lắp thêm đèn điện, trồng thêm cây cối làm đẹp cảnh quan chung quanh… sẽ là điểm dừng chân lưu trú của du khách trên hành trình khám phá du lịch Tủa Chùa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhip-song-moi-o-ban-tai-dinh-cu-huyen-vung-cao-tua-chua-post808827.html