Nhịp sống mới trên đất Đá Hàn
Năm 1993, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương thành lập và phát triển khu kinh tế mới Đá Hàn thuộc xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn. Gần 30 năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, xã và sự nỗ lực của người dân nơi đây, thôn Đá Hàn hôm nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Một ngày đầu tháng ba, chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Quý- một trong những người đầu tiên về khu kinh tế mới Đá Hàn. Trưởng thôn Đá Hàn - Đinh Văn Hồng cũng đang ở đó. Ông Quý nói: Trước đây, chốn này là rừng thiêng, nước độc, đất đai hoang hóa, đường mòn nhỏ hẹp, gập gềnh, trơn trượt, muốn ra trung tâm xã phải mất hàng tiếng đồng hồ vì chỉ có thể đi bộ.
Nghe chuyện, anh Hồng tiếp lời: Nhớ ngày mới đến Đá Hàn, vất vả, gian khổ, song mọi người đều vui vẻ, tự nguyện bởi hầu hết đều là nông dân hay lam, hay làm. Cứ thế câu chuyện của anh Hồng và ông Quý đưa chúng tôi ngược thời gian trở về Đá Hàn cách đây gần 30 năm.
Sau khi UBND tỉnh quyết định thành lập khu kinh tế mới Đá Hàn, với tinh thần "đảng viên đi trước", ông Quý và một số hộ dân trong xã đã xung phong vào đây để khai hoang, phục hóa. Thời kỳ đầu có 64 hộ dân của 11 xã, trong đó xã Gia Hòa có 57 hộ. Các hộ vào Đá Hàn được nhận 400m2 đất ở và 2.200m2 đất canh tác.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện quyết định của Huyện ủy Gia Viễn, năm 1995 chi bộ thôn Đá Hàn được thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Đinh Văn Quý làm Bí thư chi bộ. Trong điều kiện khó khăn chung của khu kinh tế mới được thành lập, đó là cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm chưa có, thực hiện chủ trương của cấp trên, chi bộ đã lãnh đạo quy hoạch khu dân cư, tích cực tham mưu để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu kinh tế mới, giúp bà con yên tâm bám đất, bám làng.
Thời gian đầu, bà con khai hoang đất và chủ yếu trồng sắn, khoai, ngoài ra được hỗ trợ một số loại cây trồng khảo nghiệm như: cam, na, hồng… Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào chăm sóc một phần do chưa thực sự nắm vững kỹ thuật, một phần do đây là những loại cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng Đá Hàn nên quá trình sinh trưởng, phát triển kém, năng suất, chất lượng không cao, bà con buộc phải phá bỏ.
"Sau lần khảo nghiệm đó giúp chúng tôi hiểu rằng làm bất cứ việc gì cũng cần phải nắm vững khoa học, kỹ thuật. Nhiều năm trăn trở, tính toán, trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở nơi này, chúng tôi đã quyết định đưa các loại cây ăn quả như: Thanh long, bưởi, nhãn… vào trồng.
Ngoài ra, bà con thôn Đá Hàn đã biết tận dụng lợi thế để chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm"- ông Quý cho biết. Với mục tiêu tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Đá Hàn, tỉnh, huyện và các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của khu kinh tế mới Đá Hàn.
Các công trình phục vụ dân sinh từng bước được đầu tư khang trang như: Xây điểm lẻ trường mầm non, trạm xá, hệ thống đường giao thông, đường điện thắp sáng, trạm cấp nước, trạm phủ sóng di động… Từ những lợi thế về đất đai, cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước, 100% hộ dân ở thôn Đá Hàn đã tích cực chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuyên canh cây ăn quả hoặc đầu tư chăn nuôi đại gia súc, con nuôi đặc sản cho giá trị cao.
Thu nhập của nhiều hộ dân đã có thể đạt vài trăm triệu đồng/năm. Đời sống vì thế mà đổi thay từng ngày. 100% hộ có mô hình trang trại, vườn, ao, chuồng. Điều đặc biệt là hôm nay, trên vùng kinh tế mới Đá Hàn không chỉ có thêm những gia đình trẻ trưởng thành, tách hộ mà còn có thêm những cư dân mới tìm đến đây để đầu tư khởi nghiệp.
Anh Vũ Hồng Nhất, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nhất Thúy là một trong những điển hình. Anh Nhất cho biết: Sau nhiều năm học tập kinh nghiệm trồng hoa ở Đà Lạt, tôi quyết định trở về quê hương tìm kiếm cơ hội để đầu tư phát triển. Cách đây 3 năm, tôi đã đến Đá Hàn để khảo sát và nhận thấy tiềm năng đất đai, địa hình ít ảnh hưởng của gió bão rất phù hợp với việc trồng hoa công nghệ cao. Đường giao thông khá thuận lợi.
Sự thân thiện, cởi mở của người dân cùng với sự nhạy bén, nhiệt tình, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, tôi đã quyết định đầu tư dự án trồng hoa công nghệ cao ở Đá Hàn. Trên diện tích 1ha, hiện doanh nghiệp Nhất Thúy đã xây dựng hệ thống nhà kính 3.600m2 và cải tạo khoảng trên 5.000 m2 đất để trồng ớt và một số loại cây hoa có giá trị khác. Mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/tháng. Đây là mô hình mới ở Đá Hàn và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ những tín hiệu khả quan, doanh nghiệp Nhất Thúy kỳ vọng khoảng 2 năm nữa sẽ thu hồi vốn (khoảng 4 tỷ đồng), đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình để cùng làm giàu trên mảnh đất này. Gần 30 năm (1993 - 2022), khu kinh tế mới Đá Hàn từ 64 hộ giờ đã có trên 130 nóc nhà. Tình làng, nghĩa xóm vẫn luôn là chất keo gắn bó những chủ nhân của thôn thành một thể thống nhất trên nhiều phương diện cuộc sống.
Người già bảo đó là do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", lớp trẻ cho rằng đó là do cơ chế mở. Không biết ai đúng hơn, nhưng điều chắc chắn là nhờ vậy mà hiện tại Đá Hàn hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, điện thoại, nhiều hộ mua sắm được ô tô, toàn thôn chỉ còn 4 hộ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Gia Hòa Vũ Đình Hai khẳng định với chúng tôi: Gần 30 năm qua, người dân thôn Đá Hàn đã cùng nhau đoàn kết và bước qua hành trình gian khó để từng bước hình thành vùng kinh tế mới kiểu mẫu. Sự phát triển của Đá Hàn là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của tỉnh khi thành lập khu kinh tế mới, đó là thành quả của "ý Đảng, lòng dân".
Hôm nay, các lợi thế từ đất đai và con người đã được khai thác hiệu quả, nhịp sống mới đã và đang hình thành trên vùng đất này. Với những kết quả đạt được, Đá Hàn phấn đấu đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, góp phần sớm đưa xã Gia Hòa đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhip-song-moi-tren-dat-da-han/d20220315082018411.htm