'Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn'

Trong những năm kháng chiến, việc được gặp Bác Hồ là niềm mong ước lớn đối với bất cứ người dân Việt Nam nào. Với ông Lương Hữu Việt, cô Nguyễn Thị Vững - những người đã vinh dự được gặp Bác, được Bác khen ngợi, hạnh phúc đó vừa là niềm tự hào vừa là động lực giúp họ sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước...

Ông Lương Hữu Việt xem lại những kỷ niệm về Bác. Ảnh: Trường Giang

Niềm vui trong mơ

Năm nay, đã ngoài 80 tuổi, trong đó có tới vài chục năm gắn bó với Nông trường Đồng Giao, học chữ, học làm người rồi hăng say lao động sản xuất, ở nơi đâu và lúc nào, ông Việt vẫn luôn giữ được sự khiêm nhường, giản dị, an nhiên của một người đã từng kinh qua nhiều khó khăn, vất vả.

Trong những năm tháng không thể nào quên ấy, sự kiện được gặp Bác Hồ đã in dấu và ảnh hưởng lớn đến sự phấn đấu, trưởng thành của ông sau này. Cho đến tận bây giờ, ông Việt vẫn nhớ rất rõ từng dấu mốc thời gian được gặp Bác, nghe Bác căn dặn - “Lần đầu tôi được gặp Bác là vào năm 1959 tại Côn Minh, Trung Quốc. Khi đó tôi cùng một số anh em khác được Nông trường cử sang nước bạn học về kỹ thuật chăn nuôi.”

Ông bồi hồi nhớ lại: Phòng học của chúng tôi hôm đó thật đặc biệt với giọng nói trầm ấm đặc giọng miền Trung của Bác, các dãy ghế phía dưới đông kín. Bác bước ra với trang phục ka ki trắng và chân đi đôi dép cao su. Các cuốn sách trên bàn không thấy ai mở ra, các cuốn vở cũng ít được ghi chép, chỉ có những gương mặt sinh viên chăm chú và say mê theo câu chuyện của Bác.

Bác không nói những câu giáo điều, nhưng những điều Bác nói lại cực kỳ sâu sắc, Bác dặn chúng tôi gắng học thật tốt để sau này còn về giúp dân, giúp nước. Rồi Bác còn nhắc tới chuyện phải ăn uống giữ gìn sức khỏe, phải cư xử như thế nào với người dân nước bạn. Vừa nói Bác vừa bước xuống, khoan thai đi dọc từng hàng, tôi ngồi ngay hàng ghế thứ 2 nên được Bác nắm tay. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có được giây phút ấy, cảm giác lâng lâng, khó tả lắm. Tôi cố nhìn kỹ gương mặt Bác xương xương, nhìn mái tóc, bộ râu và nhất là đôi mắt ngời sáng. Cố nhìn để không bao giờ quên…

Niềm vui ấy lại đến với ông Việt lần thứ 2 chỉ sau đó khoảng 1 năm, tức là vào năm 1960. Thời điểm đó ông Việt đã trở về nước và đang là một trong những cán bộ kỹ thuật giỏi của Nông trường. Ông vẫn còn nhớ: Hôm đó là trung tuần tháng 7, đang mải mê trong phòng thí nghiệm thì tôi nghe tiếng chị cấp dưỡng gọi: chú Việt ơi, Bác về thăm đội ta.

Không nghĩ được gì nhiều, tôi chạy vội ra để được nhìn thấy Bác. Lúc đó, cả nông trường không ngờ Bác đến, mọi người đứng 2 bên lối đi vỗ tay kéo dài và hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác vẫn mặc bộ đồ ka ki quen thuộc, bước đi nhanh nhẹn, vừa đi vừa lấy mũ vẫy chào. Tiếng hô vang như không muốn dứt, Bác phải giơ tay ra hiệu cho mọi người cứ tiếp tục làm việc. Rồi Bác lại gần hỏi chuyện từng công nhân, ân cần dặn dò phải chú ý giữ an toàn, vệ sinh lao động…

Lúc ấy mấy đứa trẻ cứ lấp ló bên phía ngoài để nhìn Bác từ xa, Bác gọi lại và bảo “Các cháu lại đây nào… Chân cháu bị sao thế này?” - Bác lo lắng chỉ vào cái chân đau, đang băng bó của con trai tôi và hỏi. Sau khi nghe chúng tôi trả lời, nhìn vào những đứa trẻ đang tròn xoe mắt vì ngạc nhiên, Bác nói: “Đây là tương lai của XHCN, chúng ta phải nuôi dưỡng thật tốt”.

Hình ảnh giản dị, khiêm nhường cùng lời dặn ấy của Bác khiến ông Việt nhớ mãi. Những năm sau đó, ông được Nông trường giao phụ trách việc chế biến sữa và phân loại thực phẩm. Một công việc mà nhiều người vẫn ước ao vì có thể dễ dàng tư lợi để cải thiện cuộc sống vốn rất khó khăn. Nhưng hàng ngày người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh 4 đứa con nhỏ của ông ăn khoai sắn độn thay cơm, chúng vẫn nheo nhóc như bao đứa trẻ con công nhân khác ở Nông trường…

Ông Việt lý giải: tôi nhớ có lần Bác đã dặn “Bác cháu mình phải thắt lưng buộc bụng còn tập trung cho đồng bào miền Nam giải phóng đất nước…”. Vậy thì sao tôi có thể tư lợi được chứ. Ông Việt ngưng kể, cảm xúc lắng lại nơi khóe mắt.

Đến năm 1983, cũng lại là một thử thách với tấm lòng ngay thẳng, trong sáng của ông khi được giao làm Đội trưởng đội Ghềnh, có quyền chia đất cho công nhân ở khu vực Quán cháo (nằm bên Quốc lộ 1A). Trong danh sách 22 gia đình được nhận đất lúc đó không có gia đình của Đội trưởng, mặc dù vợ con ông còn đang phải đi ở nhờ. Sự liêm khiết ấy của ông đã lan tỏa, tạo nên một nét rất riêng cho thế hệ những cán bộ và công nhân nông trường Đồng Giao thời gian đó.

Nhớ lời Bác dạy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, ông Việt vẫn cố gắng cho các con đi học đầy đủ, trong đó có một người (từng được Bác Hồ bế và thăm hỏi) đã vinh dự đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, được phong hàm Đại tá. Ông Việt khẳng định: Chỉ cần còn sức khỏe và minh mẫn thì tôi vẫn tiếp tục học tập, làm theo lời Bác dạy và kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác…

“Người em gái Nguyễn Bá Ngọc”

Bài thơ “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc” của tác giả Nguyễn Khắc Thiệu được viết vào tháng 9/1967 ngợi ca tấm gương thiếu niên anh dũng cứu bạn trong “mưa bom bão đạn”, ở đó nhân vật chính là một nguyên mẫu có thực – cô Nguyễn Thị Vững, ở xã Ninh Vân (Hoa Lư). Cũng chính nhờ thành tích này, cô Vững sau đó đã vinh dự được nhận huy hiệu Bác Hồ và là thiếu niên nhỏ tuổi nhất của Ninh Bình được ra Hà Nội tiễn Bác đi xa…

Mang theo cảm xúc của bài thơ, chúng tôi tìm gặp “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc” trong một ngày cuối thu. Quả thật, đúng như miêu tả trong những vần thơ ấy, cô Vững vẫn với dáng vẻ khiêm nhường: Chuyện của cô chẳng có gì đâu!

Và rồi câu chuyện với cô chỉ được tiếp nối khi chúng tôi cùng lật giở lại những trang báo cũ, những bức ảnh đã hoen màu. Bao nhiêu kỷ niệm bỗng như một thước phim quay chậm đầy cảm xúc: “Ở Ninh Vân ngày đó nhà ai cũng nghèo, chúng tôi đi chăn trâu để giúp bố mẹ. Khi tôi vừa bắt đầu có ý thức thì đã thấy trước mặt mình là chiến tranh, là bom đạn. Năm 11 tuổi, ngoài việc chăn trâu, những đứa trẻ như tôi biết lánh đạn, biết cứu thương như là chuyện tất nhiên...” – cô Vững nhỏ nhẹ kể về những năm tháng tuổi thơ khốc liệt của mình.

Vào một buổi chiều chăn trâu trên cánh đồng quê yên ả… bỗng gần chục chiếc máy bay của giặc Mỹ lao tới như những con thú dữ, ngay lập tức chúng trút hàng trăm trái bom xuống. Cô Vững bị sức ép của bom đạn hất ngã, bị bùn đất vùi lên người. Khi đó máy bay của giặc vẫn lồng lộn trên bầu trời, khói bom còn mù mịt nhưng vừa gượng dậy được cô Vững đã chạy ngay tìm các bạn. Bàng hoàng khi thấy Thìn và một số bạn nữa đã mất. Bất chấp hiểm nguy, cô Vững tiếp tục chạy đến gần quả bom chưa nổ, bới đất cứu Soi và Chính, lúc ấy cũng đã bị thương ở đùi và vai. Mặc dù nhỏ người hơn nhưng cô Vững đã gắng cõng bạn vượt qua cánh đồng về trạm xá dưới chân núi kịp thời cứu chữa…

Câu chuyện về “tuổi thơ dữ dội” ấy của cô Vững sau này đã được nhiều nhạc sỹ, nhà thơ đưa vào các tác phẩm của mình, trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ một thời chống Mỹ. Cô được gọi là “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc” cũng từ đó. Và vinh dự hơn cả khi cô được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người.

Nhắc tới đây, “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc” chợt như lặng phắc, khuôn mặt cô khẽ sững lại hồi lâu. Cô tin rằng đó là điều may mắn số phận dành cho mình, sự sống là điều đáng quý và khi còn được sống thì phải sống sao cho thật xứng đáng, sống không phụ niềm tin của mọi người, của Bác dành cho mình.

Cô Vững kể tiếp: năm 14 tuổi tôi được lên Hà Nội. Là bé gái duy nhất, nhỏ tuổi nhất của Ninh Bình khi đó được vinh dự gặp Bác nhưng lại là để tiễn Bác về nơi vĩnh hằng. Tôi nhớ đó là những ngày mưa tầm tã, những lá cờ rủ ướt sũng nước mưa… Ai cũng rơi vào trạng thái buồn đau, trống trải, hụt hẫng. Trong mắt chúng tôi ngày ấy, Bác đẹp như một ông tiên, lại như người ông gần gũi, thân thương trong gia đình.

Dọc đường đi, trời vẫn mưa, chúng tôi thấy những dòng người kéo về Hà Nội, cả những cụ già chống gậy, theo từng đoàn, ai cũng khóc nức nở. Được đứng phía bên phải kỳ đài trong lễ viếng, tôi nhớ rất rõ khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng đọc Di chúc của Bác, sau đó là Điếu văn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa... Non sông đất nước ta đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta... Vĩnh biệt Người…” cả rừng người òa lên khóc.

Sau lễ tang của Bác, cô Vững tự dặn mình phải luôn xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Lớn lên cô trở thành giáo viên và là Hiệu phó một ngôi trường trung học ở xã nhà. Đến khi nghỉ hưu, cô vẫn miệt mài gắn bó với sự nghiệp trồng người để giúp những em học sinh nghèo vượt khó, để ươm mầm tài năng cho quê hương thông qua hoạt động của Hội khuyến học.

Nhắc đến sự học đã có nhiều đổi thay cũng như những trò nhỏ chăm ngoan của mình hàng ngày được bình yên tới lớp, khuôn mặt cô chợt bừng sáng, mái tóc bạc rung rung, cô cười: những hy sinh máu xương ngày nào của cha anh, của vị Cha già dân tộc nay đã nảy ra chồi non lộc biếc…

Duy Hiền- Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/nho-bac-long-ta-trong-sang-hon-20191024023549838p12c17.htm