Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng'

Đó là tiêu đề bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh T.L., đăng trên báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969. Bác biểu dương những thành tích của các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam - Bắc với phong trào thi đua là 'nghìn việc tốt'.

Người dành những lời khen đối với các cháu ở miền Nam “rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có người kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích,... Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ”.

Còn đối với các cháu ở miền Bắc, Bác hết lòng khen ngợi vì đã hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều mình cứu bạn,... Riêng các cháu ở nông thôn, Người cũng biểu dương tinh thần tham gia tổ chức giúp các hợp tác xã chăm sóc trâu bò béo khỏe, trồng cây và bảo vệ cây xanh tốt.

Các cháu học sinh giỏi quây quần nghe Bác Hồ kể chuyện, năm 1959. Ảnh tư liệu: TTXVN

Các cháu học sinh giỏi quây quần nghe Bác Hồ kể chuyện, năm 1959. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong bài viết, Người đã nêu: “Hàng trăm cháu có thành tích xuất sắc đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Hơn hai triệu cháu được bình bầu là Cháu ngoan Bác Hồ”. Từ đó, Bác cho rằng, Nhân dân ta rất tự hào có nhiều con cháu tiến bộ như thế. Mong các cháu ngày càng cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa.

Bên cạnh hàng triệu cháu chăm, ngoan ở khắp hai miền đất nước, Bác cũng thể hiện sự tiếc nuối vì vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Từ đó, Người khẳng định quan điểm của mình về tinh thần trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, đó là: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Đề cập cụ thể đến trách nhiệm của từng gia đình, cấp ủy đảng và các tổ chức liên quan, Bác cho rằng, trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Cuối bài viết, Bác nhấn mạnh: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Điều đặc biệt của bài viết này, đó chính là, còn đúng 93 ngày nữa là Bác về với thế giới người hiền, để lại nỗi nhớ thương khôn xiết đối với toàn dân tộc ta, trong đó có các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý. Chính sự yêu thương đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng mà Di chúc thiêng liêng của Người cũng dành riêng một đoạn cho các cháu: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các cháu. Cụ thể, năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW, ngày 5/11/2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Theo đó, hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực với trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em...”.

Hằng năm, cứ đến ngày 1/6, ngoài việc tổ chức cho các cháu vui ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng ta cũng lại bùi ngùi nhớ đến Bác!

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 10, trang 305.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 15, trang 578, 579.

[3] Hồ Chí Minh Di chúc, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2013, trang 43.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/1029/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-nang-cao-trach-nhiem-cham-soc-va-giao-duc-thieu-nien-nhi-dong-73769.html