Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ'

Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử ghi lại, ngày 16/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo nước ngoài. Tuy nội dung câu hỏi được Bác trả lời rồi, nhưng với phong cách gần gũi Bác 'sẵn lòng' trả lời để làm rõ hơn nhiều vấn đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng.

Bác khẳng định Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra. Những thông tin mà Người cung cấp cụ thể cho phóng viên đó là: “Tất cả đàn ông và đàn bà 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử. Cuộc tuyển cử lần đầu ngày 6/1/1946, trung bình là 82 phần trăm cử tri đã tham gia”, Bác nhấn mạnh, lúc đó có đại biểu của báo ngoại quốc đến xem.

Giải thích về thành phần cơ cấu của Chính phủ, Bác nêu, Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ Việt Minh, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, Quốc dân Đảng và nhiều vị không có đảng phái nào.

Người cũng thẳng thắn trả lời với phóng viên về chính sách đối nội của Việt Nam đó là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Mên, Ai Lao, v.v., mà không thù gì với nước nào...

Bác cũng đã giải thích cụ thể về ý nghĩa ngôi sao năm cánh của Quốc kỳ Việt Nam đó là: “Năm cánh ngôi sao là đại biểu cho sự đoàn kết năm lớp nhân dân Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, nay ra đời trong lúc nhân dân Việt Nam nổi lên chống Nhật và đứng về phe các nước Đồng minh”.

Khi nói về trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, Bác khẳng định, trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ Trung ương là người trí thức.

Khẳng định dứt khoát về quan điểm của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chóng lại thực dân Pháp xâm lược, Bác nêu, bao giờ Pháp thật thà thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thì chiến tranh sẽ lập tức kết liễu. Chúng tôi sẽ nhờ tư bản và kỹ thuật các nước hữu bang và cả nước Pháp và nhờ sự hăng hái của Việt Nam mà mau chóng kiến thiết lại mặc dầu hiện nay chiến tranh đã đưa đến một sự phá hoại không thể tưởng tượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Mađơlen Riphô (Pháp) trong Khu Phủ Chủ tịch, tháng 8/1966. (Nguồn: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Mađơlen Riphô (Pháp) trong Khu Phủ Chủ tịch, tháng 8/1966. (Nguồn: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình sức khỏe của mình, Bác lịch sự nói rằng: “Cám ơn ngài. Tôi vẫn mạnh khỏe mặc dầu tin Pháp đã mấy lần đồn rằng tôi đã chết rồi”.

Một trong những câu trả lời bất hủ của Bác khi đề cập đến câu hỏi của phóng viên về “đại gia đình Việt Nam” đó là: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ.” Đây là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khao khát mãnh liệt. Trước đó trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/946, Bác từng khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Phần cuối nội dung trả lời phòng vấn, Bác từ tốn đáp: “Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”.

Đã 77 năm trôi qua, giờ đọc lại nội dung mà Bác trả lời các câu hỏi của phóng viên nước ngoài, chúng ta vô cùng xúc động với những công lao như trời biển của Người.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 4, trang 77, 78.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011: tập 5, trang 199, 200 và 201.

[3] Từ điển Hồ Chí Minh học, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên), (Lưu hành Nội bộ), trang 512.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/1029/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-toi-chi-co-mot-dieu-ham-muon-la-lam-cho-to-quoc-toi-duoc-doc-lap-thong-nhat-dan-chu-74841.html