Nhớ bếp lửa nhà sàn

Bếp lửa được ví như trái tim của nhà sàn. Ở đó không chỉ diễn ra những sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi kết nối tâm tư tình cảm của các thế hệ người Tày.

Bếp lửa của người Tày được đặt ở gian thứ 3, vào ngày dựng nhà mới người dân sẽ nhờ thầy cúng trong bản để làm lễ rước thần lửa vào nhà. Thầy cúng sẽ chọn một trong số các thành viên của gia đình có mệnh hợp với cả nhà cầm bó đuốc rực lửa để nhen những đốm lửa đầu tiên với mong ước gia đình mùa mùa ấm no.

Với người Tày bếp lửa luôn có một vị thần cai quản nên có rất nhiều điều kiêng kỵ mà người nhà không được phép làm. Ngồi ở bếp lửa không được gõ vào mặt kiềng, không được to tiếng hoặc cãi nhau ở gần bếp. Khi đun củi phải cho đoạn gốc vào trước, nếu ăn cơm ở bếp thì phải đặt một hòn than ở góc bếp. Vào dịp Tết sau khi cúng tổ tiên thì gia chủ sẽ cúng thần lửa và vua bếp, sau khi cúng xong dán một tờ giấy đỏ lên thành bếp để báo với các vị thần là đã sang năm mới. Những bí ẩn của tâm linh mặc dù không hiện hữu nhưng người Tày vẫn luôn coi bếp lửa là nơi linh thiêng của nhà sàn.

Bếp lửa người Tày lúc nào cũng rực than hoa. Họ thường giữ lửa qua đêm bằng cách vùi gio vào những thanh củi to. Với những đứa trẻ miền xuôi, bếp lửa là nơi ấm nồng gắn liền với những nồi thịt kho, củ khoai nướng. Còn với những đứa trẻ miền núi như tôi thì bếp lửa là nơi những ống cơm lam nướng thơm dịu của nếp nương đựng trong những ống tre non, là những chõ xôi bằng gỗ mẹ đồ nóng hổi, là nồi quả cọ ỏm nghi ngút tỏa hương, là miếng thịt treo gác bếp vùi gio mỗi mùa đông lạnh tràn về. Trên gác bếp của người Tày thường để các loại hạt giống để chống mọt, gác cũng là nơi phơi những quả men lá để nấu rượu và phơi chuối để làm bánh. Vì vậy bếp của người Tày rất ít khi tắt lửa.

Mỗi khi gió lạnh tràn thung, mẹ lại trải chiếu ngay cạnh bếp để kể cho chúng tôi nghe về những truyền thuyết, truyện cổ tích của người Tày. Giọng mẹ đều đều, trầm ấm hòa vào tiếng lửa reo tí tách. Là gia đình thuần nông, ngày tất bật với ruộng nương nên đêm nào mẹ cũng tranh thủ ngồi đun nồi cám lợn đến khuya khoắt mới yên lòng đi ngủ. Một mình bên bếp mà không kìm nổi lòng mình. Ngôi nhà cũ đi, bồ hóng bám đen vì kèo, mái cọ và mẹ vẫn cứ ngày đêm lui cui bên bếp để giữ lửa nhà sàn.

Mẹ sinh tôi vào tháng Chạp, trong những ngày đông của miền núi lạnh cắt thịt da. Bếp lửa là nơi đã lưu lại tiếng khóc đầu đời của tôi, bao bọc và sưởi ấm tôi qua mùa đông. Ký ức về một bếp lửa không thể nào phai mờ trong nỗi nhớ và con người tôi vẫn phảng phất mùi khói quê nhà.

Trịnh Thứ

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/nho-bep-lua-nha-san-134648.html