Nhờ BHYT, gia đình chúng tôi có thêm động lực để cùng con vượt qua bệnh tật
Nhờ 'phao cứu sinh' bảo hiểm y tế đã tiếp thêm sức lực, tài chính để chúng tôi tiếp tục kiên trì cùng con vượt qua bệnh tật.
Tôi là người buôn bán nhỏ tại khu chợ của thị xã La Gi (Bình Thuận). Chồng tôi là “thợ đụng” nói theo cách gọi của nhiều người là kêu gì làm đó. Lúc thì đi làm đá, khi lại đi phụ hồ. Dù hàng tháng cả hai đều nỗ lực làm việc nhưng thu nhập cũng không mấy ổn định do công việc không đều và buôn bán lúc được, lúc không.
Chúng tôi có 3 con. Người con đầu đã đi làm, người con thứ hai đang học nghề. Dù đang đi học, nhưng cháu cũng phải lo làm thêm để đỡ đần ba mẹ. Con gái út là N.Y. đang học lớp 7. Dù gia đình chúng tôi không khá giả gì nhưng cuộc sống như thế cũng gọi là tạm ổn ở vùng đất này.
Tai ương ập đến bất ngờ
Thời gian gần đây, mỗi ngày đi học về, N.Y. (con gái út) của tôi thường hay kêu nhức mỏi mình mẩy và tỏ ra khá mệt mỏi. Mới đầu, tôi cứ ngỡ con do học hành căng thẳng nên có cảm giác như vậy. Dần dà, mỗi lần con kêu đau, tôi thường mua thuốc cho con uống lại thấy cháu đỡ đau nên cũng không đi khám.
Cho tới một ngày, con kêu rằng những cơn đau lan khắp người và có vẻ trầm trọng hơn. Gia đình chúng tôi đưa con đi khám tại bệnh viện đa khoa khu vực. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu theo yêu cầu, bác sĩ khuyên đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra kỹ hơn.
Một chút lo lắng, hoang mang nhưng tôi kịp trấn an lại. Con còn nhỏ chắc cũng không có bệnh gì nguy hiểm. Khi được bác sĩ mời vào phòng trao đổi riêng, tôi như rụng rời nghe hai tiếng u xương ác tính. Một căn bệnh hay được mọi người gọi là "bệnh nhà giàu".
Bác sĩ yêu cầu con phải được điều trị gấp (và cũng báo trước với gia đình thời gian điều trị sẽ phải kéo dài) trước khi bệnh diễn biến phức tạp để chúng tôi chuẩn bị tinh thần và lo toan tài chính.
Ngay lúc nhận tin báo từ bác sỹ, rất nhiều suy nghĩ vụt qua đầu tôi. Tại sao lại là con tôi, tại sao lại là cháu, một đứa trẻ còn quá nhỏ với bao mơ ước hoài bão phía trước. Những câu hỏi đó vụt qua và câu hỏi lớn nhất đọng lại là gia đình lấy tiền đâu để điều trị bệnh lâu dài cho con? Con nhập viện điều trị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn, tôi sẽ phải dẹp công việc buôn bán của mình để vào viện chăm con. Thu nhập của chồng tôi liệu có đủ để trang trải tiền ăn, tiền viện phí thuốc thang cho con để chữa bệnh?
Bệnh viện trở thành nhà
Có lẽ thấy khuôn mặt lo lắng của tôi, vị bác sĩ cũng ân cần nói: “Cháu có bảo hiểm y tế cũng sẽ đỡ được rất nhiều trong việc điều trị bệnh”.
Câu trấn an của bác sĩ làm tôi đỡ lo phần nào. Ngay sau đó, tôi nghỉ việc buôn bán để đi với con. Chỉ còn chồng tôi ở nhà lo kiếm việc làm để có tiền gửi vào viện lo cho cả hai mẹ con. Tuy thế, thu nhập chính của chồng tôi từ việc làm đá, thợ hồ cũng sẽ không thể đủ lo cho con tiền viện phí.
Cháu xin nghỉ học tại trường ngay sau đó ít ngày. Tôi và cháu gần như ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cứ qua một đợt điều trị, được nghỉ ít ngày, 2 mẹ con mới dám về nhà rồi lại đi tiếp.
Số tiền chi cho việc khám chữa bệnh của con đã làm kinh tế gia đình tôi trở nên kiệt quệ.
Điểm tựa lớn nhất là bảo hiểm y tế
Mỗi ngày chi phí từ ăn uống, mua thêm thuốc ngoài danh mục bảo hiểm cũng ngốn cả triệu đồng. Cứ vài ngày, lại phải nộp tiền tạm ứng cho bệnh viện, lúc thì 5 triệu, khi thì 10 triệu đã thấy hoa mặt chóng mày.
Cũng may, phía bảo hiểm đã chi trả cho con tới 80% số tiền viện phí mà gia đình chúng tôi còn thấy lao đao. Nhiều bệnh nhân cùng phòng cho biết, không có bảo hiểm y tế thì số tiền ứng viện phí phải lên đến vài chục triệu đồng cho mỗi đợt điều trị.
Nếu tính tới thời điểm hiện tại (tháng 10/2023), con tôi đã điều trị bệnh được gần 1 năm. Chỉ tính riêng số tiền bảo hiểm bên y tế chi trả cũng phải hơn cả trăm triệu đồng. Bệnh tình của con được bác sĩ thông báo có tiến triển tốt. Cháu đã qua giai đoạn nguy hiểm do đáp ứng tốt thuốc điều trị.
Đã có lúc, áp lực kinh tế khiến tôi có suy nghĩ bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ “cái phao cứu sinh” bảo hiểm y tế đã như tiếp thêm sức lực, tài chính cho gia đình để chúng tôi tiếp tục kiên trì cùng con vượt qua bệnh tật. Tôi mong tình hình điều trị khả quan để cháu có thể trở lại trường học cùng bạn bè. Gia đình có thêm thời gian để chuẩn bị tài chính tiếp tục cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Tôi chợt nhớ lại, lúc giáo viên chủ nhiệm thông báo khoản thu bảo hiểm y tế, nhiều phụ huynh thường có tâm lý tiếc tiền và suy nghĩ chả bao giờ dùng đến. Giáo viên chủ nhiệm của lớp con tôi cũng vất vả trao đổi để một số phụ huynh hiểu được lợi ích của bảo hiểm y tế. Nhưng lúc đó tôi lại nghĩ khác, nếu không phải dùng đến bảo hiểm y tế là quá tốt. Còn nếu có rủi ro gì về sức khỏe, ít nhất cũng có bảo hiểm y tế gánh vác phần nào.