Nhớ cái tết 'hồi nẵm'

Trong ký ức của mình, tôi còn lưu lại trong đầu ba cái Tết khó quên của quãng đời thơ ấu. Đó là cái Tết của những năm chiến tranh đang trong giai đoạn ác liệt, khi cuộc chiến tranh gần về cuối. Giờ ngồi nhớ lại, những hình ảnh xưa như vẫn còn lẫn khuất đâu đây…

Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi được người lớn cho phép được mặc đồ mới may hồi trước Tết. Chỉ mới 28 - 29 Tết thôi mà chúng tôi đã tung tăng hết nhà này đến nhà nọ để… “ăn chực” và ngóng lì xì. Có những ông chú, bà cô thấy tụi tui háo hức quá cũng móc ra 5 cắc, 1 đồng lì xì để lấy hên. Thời đó, gói xôi ngọt chưa tới 1 cắc, còn 2 cắc ăn được tô bún nước lèo. Nên được người lớn lì xì vài đồng là coi như cả một “gia tài” của đám trẻ chúng tôi. Càng cận Tết, mọi công việc chuẩn bị đón Tết đã xong, cũng là thời điểm “ăn chơi” của người lớn. “Bình minh nhất trản trà” nên tầm 4 giờ là các chú, bác đã hú nhau uống trà, còn các bà, các cô, thiếm ngồi nướng bánh phồng, cắt vài khoanh bánh tét cho mọi người “lót dạ”. Đám trẻ chúng tôi, không ai bảo ai cũng co ro, cúm rúm, mắt nhắm, mắt mở ra ăn ké, thỉnh thoảng cũng hớp một ngụm trà rồi nhăn mặt vì đắng chát. Thôi thì bao nhiêu là chuyện trên trời, dưới đất được người lớn nhắc lại, từ chuyện đồn điền này, đến địa chủ nọ, rồi chuyện chiến tranh, chuyện xóm làng trong kia, ai đi, ai ở, người còn, người mất… Rồi sáng 29 Tết, bà con trong xóm lần lượt rủ nhau đi ra chợ coi mua thêm một số đồ ăn, thức uống trong 3 ngày Tết và tất nhiên chúng tôi cũng hồ hởi kéo nhau theo. Chợ quận ngày đó tuy không lớn lắm nhưng trong mắt đám trẻ nít như chúng tôi coi như là “nhứt xứ Ba Xuyên” vì hàng hóa bày la liệt khắp các tiệm “chạp phô”.

Tối đêm 30 Tết, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị đón giao thừa - rước ông bà về vui Tết. Nhà tôi khá rộng nên đám bạn hàng xóm kéo tới và chờ đợi thời khắc quan trọng của Tết. Hơn 10 giờ khuya, đám trẻ nít chúng tôi bắt đầu ngủ gà, ngủ gật cho tới những tiếng “pháo” đầu tiên nổ liên hồi. Ba tôi còn nói: “Chưa tới giao thừa mà nhà nào sung quá…”. Nhưng rồi có vài người lớn chạy qua nói: “Hình như không phải đốt pháo… Giống súng bắn quá!”. Ba tôi vọt ra sau mé vườn, chúng tôi không ai bảo ai đều lao theo. Chúng tôi nhìn thấy những đường đạn lửa chéo nhau rực trời ở trung tâm quận lỵ. Người nói với nhau: “Mấy ông mình tấn công chi khu rồi…”. Coi chưa được bao lâu thì những trái mọt 60 li bắt đầu nổ vòng vòng rìa thị trấn. Ba tôi nói, coi chừng tụi lính mất bình tĩnh bắn pháo tùm lum, chúng tôi vội chạy vô nhà. Rồi căn hầm trú ẩn dã chiến được dựng lên từ những bao lúa chất chung quanh bộ ván ngựa mà đám trẻ chúng tôi từng ngủ. Chúng tôi chui tọt vô trong “hầm” nhưng không tên nào dám ngủ vì sợ. Rồi mệt mỏi, chúng tôi đi vào giấc ngủ giữa tiếng súng, tiếng pháo binh ầm đùng. Trời vừa hửng sáng, cũng tiếng súng chát chúa, tiếng la hét của đám lính phòng vệ, nghĩa quân… Rồi những chiếc cáng khiêng người chết, người bị thương máu chảy nhỏ giọt trên đường với những ánh mắt lẹm của bọn ác ôn say máu càng làm chúng tôi khiếp đảm hơn. Thế là Tết Mậu Thân năm đó, đám trẻ chúng tôi chỉ “ăn Tết” trọn vẹn được ngày 29 và 30, còn những ngày sau chỉ là những ngày đầy sợ hãi.

Rồi tết Nhâm Tý 1972, tôi lại một phen khiếp vía. Lúc này, gia đình tôi đã dời vô chợ để cho chị em tôi được đi học và má tôi buôn bán lặt vặt kiếm gạo chợ. Dù là chợ quê nhưng buổi chợ đêm vào tối 29 Tết (còn gọi là chợ Tết) đông nghẹt người, hàng hóa đầy ắp, người người chen nhau từ những sạp thịt, chợ cá, sạp rau quả, trái cây… Trời mới vừa sụp tối, chợt tiếng súng từ hậu cứ của Đại đội 575 thuộc phiên hiệu lính địa phương quân. Lúc đầu chỉ vài tiếng súng rời rạc, rồi nhanh chóng những tràng liên thanh tiếp nhau, cộng thêm tiếng súng hoảng hốt báo động của mấy ông “lính khiểng” canh gác chi khu cũng “hùa” theo. Cả chợ bắt đầu hỗn loạn, tiếng la hét, tiếng cánh cửa sắt rít lên của những ngôi nhà chung quanh nhà lồng chợ… y như trong phim “Ngày tận thế”. Sáng ra mới biết đám lính trong hậu cứ 575 bị cấm trại “trăm phần trăm” nên tổ chức nhậu nhẹt rồi buồn tình đem súng ra nã vài phát cho đỡ buồn. Ai ngờ đâu cã sòng nhậu hứng chí lên hè nhau bắn tứ tung khiến các đồn bót, cốt gác lân cận hùa theo. Nhà lồng chợ, chợ cá, các tiệm tạp hóa, sạp rau quả… y như một cơn lốc cực mạnh tàn phá. Thế là những ngày tiếp theo cả khu chợ hoang vắng, ai ở nhà nấy cho đến hết Tết.

Mùa khô năm 1974, bỗng dưng ba tôi kêu chị em tôi nghỉ học về quê “mần ruộng”. Thật ra, tình hình học hành lúc này ai cũng chểnh mảng. Thầy cô hình như dạy cầm chừng, mấy thầy là sĩ quan biệt phái thì đi mất dạng luôn. Đám học trò chúng tôi cũng bắt đầu “lo ra”, một số tên ở khu vực vùng ven cũng biến mất. Tôi cũng bắt đầu chán học nên nghe được về quê thì mừng vô kể. Lúc này, quê tôi hầu hết đều cất chòi trên ruộng vì trong vườn đều bị pháo binh đêm ngày bắn phá liên tục. Tôi bắt đầu theo các anh, các chú (do vai vế chứ ông nào cũng trạc tuổi nhau) học cắm câu, giăng lưới, làm hầm cho cá nhảy… Tối tối ngồi hóng chuyện các chú, các bác uống trà hoặc lai rai vài xị rượu. Mới đầu thấy mấy chú du kích kè kè khẩu súng trên vai mà sợ điếng hồn. Rồi khi quen dần, tôi tự hào: “Thì ra bà con của mình là Việt cộng nhóc luôn…”.

Thế là Tết năm Ất Mẹo 1975, tôi bỏ hết đám bạn bè ngoài chợ, một mình đón Tết ở ruộng cùng với đám bạn mới cắm câu, giăng lưới. Có lẽ chính cái không khí yên bình và cái thú vui ngày ngày giăng nắng ngoài cánh đồng rộng mênh mông ấy với bao điều mới lạ đã khiến cho tôi không còn chút tâm trí nôn nao đón tết như ngày nào. Ở đó, đêm nào cũng là “Tết”, cứ sụp tối chòi này đã gà nấu cháo, đêm mai chòi khác ăn bánh canh cá lóc với nước cốt dừa, bữa nọ thì chè đậu xanh cùng với hột vịt, bột báng… Sau Tết không lâu hình như tiếng súng ở khu đồn gần sát nhà tôi không thấy bắn vu vơ nữa. Đám bạn cho tôi biết đồn đã rút bỏ rồi nhưng về cất nhà chưa được vì chờ mấy chú, mấy bác tháo gỡ số mìn, lưu đạn gài xung quanh đồn. Rồi mấy ngày gần cuối tháng 4-1974, từng đám máy bay “tách tạch” trên đầu đều hướng ra biển Đông. Tụi tôi đang đi đào hang chuột nhanh chóng kéo vô bờ đìa “thủ” vì sợ trực thăng nã đạn như mọi khi. Tình hình này “tụi nó” hành quân đánh ở đâu mà máy bay đông quá? Chúng tôi bỏ ngang chuyện đào chuột mà quày quả về chòi thì thấy mấy chú cùng tôi chuẩn bị đi vô vườn. Trước khi đi, ai ai cũng căn dặn: “Chưa biết tình hình sao nữa, tụi bây không được đi đâu hết nhe…”. Chúng tôi nghe lời chờ đến khi thấy từng đoàn người băng đồng hướng về chợ, “cầm lòng không đậu” chúng tôi lót tót đi theo.

Giờ thì chúng tôi mới biết đến những từ “hòa bình”, “thống nhất”, “cách mạng”… Đêm đó, đám “bạn bè” trong ruộng ngủ lại nhà tôi tại chợ và tất nhiên cả “đại gia đình” tôi vui còn hơn Tết.

THIÊN LÝ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/nho-cai-tet-hoi-nam-53884.html