Nhờ đâu điền kinh Việt Nam cho Thái Lan 'hít khói'?
Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam thắng áp đảo kình địch Thái Lan.
Thắng lợi trong dự kiến
Ngày 19/5, bộ môn điền kinh tại SEA Games 31 đã khép lại bằng 4 nội dung thi đấu marathon nam - nữ, đi bộ 20km nam - nữ.
Kết quả, điền kinh Việt Nam xuất sắc giành 3 HCV của Hoàng Nguyên Thanh (marathon nam), Nguyễn Xuân Vĩnh (đi bộ 20km nam) và Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ).
Với 3 tấm HCV kể trên, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã về đích với tổng số 22 HCV, 14 HCB và 7 HCĐ, bỏ xa đoàn về thứ 2 là Thái Lan với 12 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ.
Thực tế, ở 2 kỳ SEA Games 29 và 30, điền kinh Việt Nam đã vượt qua người Thái - vốn giữ vị thế thống trị Đông Nam Á trong nhiều năm.
Gần nhất, tại Philippines, Việt Nam có 16 HCV còn Thái Lan giành 12 HCV. Tuy nhiên, phải tới SEA Games 31, các chân chạy Việt Nam mới thắng áp đảo đồng nghiệp xứ chùa vàng.
Cũng cần nhắc lại, chỉ tiêu của đội tuyển điền kinh trước ngày khai mạc SEA Games là giành 15-17 HCV.
Trong thành tích của điền kinh Việt Nam, bên cạnh những HCV đã được dự đoán trước của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền hay Hồng Lệ còn có nhiều bất ngờ như HCV 100m vượt rào của Bùi Thị Nguyên, HCV ném lao của Lò Thị Huyền, HCV 7 môn phối hợp của Linh Na, HCV 1500m của Lương Hữu Phước, HCV 3000m vượt chướng ngại vật của Lê Tiến Long hay HCV nhảy ra của Ngọc Hà.
Nếu Trần Nhật Hoàng không chấn thương và đạt phong độ cao, anh hoàn toàn đủ sức đem về từ 1-2 tấm HCV cho tuyển điền kinh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, đội tuyển điền kinh được giao chỉ tiêu 15-17 HCV nhưng mục tiêu của đội là giành 15-18 HCV.
“Trong số này, có 10-12 nội dung là chúng ta nắm chắc tới 8-90% sẽ có HCV, trừ trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài ra còn khoảng 10 nội dung nữa là VĐV Việt Nam đủ sức cạnh tranh cỡ 50-50. Tuy nhiên, nhờ được thi đấu trên sân nhà, các VĐV đã chơi với hơn 100% thực lực nên các nội dung này chúng ta gần như cũng đều chiến thắng”, ông Hùng phân tích.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng điền kinh Việt Nam cũng có đôi chút may mắn để có được thành quả vượt trội: “Cự ly 5000m, 1000m của nam, VĐV nhập tịch Thái Lan vốn không đối thủ nhưng anh tại lại chấn thương, lỡ SEA Games và Nguyễn Văn Lai đã tận dụng tốt cơ hội để giành 2 HCV”.
Đầu tư cả chiều sâu lẫn chiều rộng
Thành công của điền kinh Việt Nam càng đáng quý hơn khi nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan những năm gần đây đã nhập tịch nhiều VĐV gốc Phi, gốc Úc và cả châu Âu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Hùng chia sẻ thêm, ngoài nhập tịch, Thái Lan còn thuê nhiều chuyên gia giỏi từ Mỹ, châu Âu với đãi ngộ khủng để huấn luyện. Việt Nam không có đủ khả năng tài chính để đi theo hướng này nhưng khâu tuyển chọn, đào tạo lại cho thấy sự ưu việt.
“Chúng ta có mạng lưới các cơ sở đào tạo khắp cả nước, lượng VĐV đông đảo nên việc tìm quân cho đội tuyển trở nên dễ dàng. Ngoài ra, đội tuyển điền kinh được tạo điều kiện tập trung dài hạn với số lượng VĐV đông nên thuận lợi để các em cọ xát, trao đổi.
Thứ nữa, nhờ sự quan tâm của ngành thể thao mà điền kinh đã được đầu tư trọng điểm ở nhiều nội dung. Ví dụ như ném lao trước đây chúng ta không thể cạnh tranh với Thái Lan nhưng SEA Games này chúng ta lấy cả 2 HCV nam và nữ”.
Trong khi đó, chuyên gia Đặng Việt Cường phân tích, thành tích của điền kinh Việt Nam không phải bỗng dưng có mà là kết tinh của quá trình bồi đắp suốt 20 năm qua.
“Trước năm 2003, điền kinh Việt Nam chỉ bó hẹp ở vài nội dung nhưng kể từ kỳ SEA Games 21 trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đã phát triển thêm nhiều nội dung cho đến kỳ SEA Games này chúng ta dự cả 47 nội dung.
Suốt thời gian đó, điền kinh được chú trọng đầu tư, đặc biệt là các nội dung chạy trung bình của nữ. Đến nay cự ly 400m, 400m rào, 4x400m nữ gần như Việt Nam không có đối thủ ở Đông Nam Á.
Đáng chú ý, nhiều nội dung Việt Nam làm đón đầu xu thế như nhảy xa (HCV ASIAD của Thu Thảo)”.
Ông Cường cũng nhận định, với lực lượng như hiện tại, điền kinh Việt Nam đủ sức thống trị thêm vài kỳ SEA Games.