Nhớ đôi gióng gánh
Tháng năm, hè về. Ký ức một thời của nhà nông chúng tôi gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy. Ngoài cây cày, cây cuốc, xe bò… thì đôi gióng và cây đòn gánh là vật dụng không thiếu đối với cuộc sống mưu sinh của nông dân.
Thế hệ trẻ bây giờ, trừ những dòng họ “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” ba đời, bốn đời cùng chung sống một nhà thì may ra ông bà, cha mẹ còn giữ lại đôi chút kỷ niệm về những đôi gióng, cây đòn gánh làm bằng mây, tre… Và, tôi chắc một điều là những thế hệ trẻ sau này rất ít cơ hội nhìn thấy, chứ đừng nói đến là sử dụng nó. Vì hiện nay trên thị trường, đôi gióng và chiếc đòn gánh không còn được sử dụng nhiều, đã có những vật dụng khác thay thế như: chiếc xe rùa, xe đạp, xe máy… Đôi gióng gánh còn chăng chỉ phục vụ cho du lịch và các đoàn gánh hát, đoàn đóng phim. Vì nhu cầu tiêu thụ không còn nhiều nên việc sản xuất cũng không còn dân dã và rộng rãi như xưa. Thời ông bà, cha mẹ chúng tôi để phục vụ cho cuộc sống mưu sinh trên cánh đồng làng, nương rẫy, hoặc buôn bán nơi phố chợ đều cần phải có đôi gióng, cây đòn gánh và hai chiếc thúng để vận chuyển hàng hóa đến nơi cần sử dụng; nên câu chuyện xoay quanh đôi gióng và cây đòn gánh luôn là đề tài thu hút và gây sự tò mò.
Ảnh minh họa.
Thời thơ ấu, đặc biệt là những lúc nghỉ hè tôi thường được ba cho đi theo các chuyến xe bò vào rừng lấy củi, lấy gỗ; công việc chính của tôi là chăn bò. Sau những chuyến lấy củi ấy tôi thấy ba đem về một vài cây mây dài 5 - 7 m. Trong những đêm trăng hoặc lúc rảnh rỗi ba tôi lấy những cây mây đã ngâm nước từ dưới ao nhà lên chẻ ra thành những sợi nhỏ theo độ dài và thắt thành những đôi gióng để sử dụng hàng ngày trong gia đình. Ba thường làm một lần vài ba đôi; dài có, ngắn có để sử dụng cho cả nhà từ người lớn đến người nhỏ. Tôi cũng có một đôi cho riêng mình. Đôi gióng làm bằng mây thường được đi với đôi thúng làm bằng tre để đựng những vật dụng trong đó, gánh đi. Tôi còn thấy ba dùng kềm gỡ những mắc gai trên các cuộn dây kẽm, làm những đôi gióng sắt phục vụ cho việc gánh các vật dụng thô, nặng như gánh củi, gánh lúa… loại gióng sắt thì ít dùng đôi thúng hơn. Còn cây đòn gánh có thể làm từ nhiều loại cây khác nhau; có đòn gánh làm bằng gỗ, được các thợ mộc bào bóng loáng, hai đầu có gắn mốc để giữ đầu gióng; loại này thường dùng để cho các mẹ, các chị gánh những thứ vật dụng hàng ngày gọn, nhẹ. Riêng đòn gánh dùng cho thanh niên, dùng cho người lớn để gánh lúa, gánh phân, gánh những bó củi hoặc là gánh các loại nông sản thì cứng và ngắn hơn. Loại đòn gánh này thường làm bằng tre. Người ta lấy gốc tre có các mắt tre nhặt hơn, có độ cứng và độ dẻo cao, đẽo gọt thành chiếc đòn gánh, dài hay ngắn sao cho đặt lên vai vừa tầm cho đôi tay giữ hai quai gánh là được. Hai đầu đòn gánh được đẽo gọt thành hai cái mấu để móc vào hai đầu gióng...
Thời còn học phổ thông cơ sở, những năm tám mươi của thế kỷ trước tôi thường dùng chiếc đòn gánh của mẹ, làm bằng gỗ có hai đầu mốc bằng sắc gánh những đôi nước từ sông, suối làng quê đổ vào trong khạp, đánh phèn dùng để nấu ăn, tắm giặt hàng ngày. Người gánh chưa quen khi gánh sẽ bị thùng nước đung đưa, có thể đập vào chân hoặc văng nước ra ngoài, nhưng dần dần rồi cũng quen, không còn đung đưa nữa. Ở vùng quê tôi, một xã thuần nông của huyện Hàm Thuận Nam; chiếc đòn gánh và đôi gióng, đôi thúng luôn có mặt khắp các nẻo đường trên các đôi vai của các mẹ, các chị nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Giờ đây, quê hương tôi ruộng lúa không còn; bờ vùng, bờ thửa ngày nào cũng mất đi. Hình ảnh quẩy gánh trên đôi vai người mẹ, người con gái, anh nông dân bây giờ đã mất hẳn. Với sự tiến bộ của xã hội, khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc đã dần thay thế những dụng cụ thô sơ giúp con người không còn tốn nhiều sức lực và mồ hôi cho những công việc hàng ngày. Nhưng thật tình trong tâm trí tôi và những ai đã từng sống ở vùng quê rồi ra đi lập nghiệp nơi phố thị; những ngày trở về thăm quê thì không sao khỏi bồi hồi thương nhớ cái hình ảnh quẩy gánh bình dị mà vô cùng nên thơ. Nhớ những lúc gánh nước trong đêm trăng, đặt chiếc đòn gánh ngang qua 2 chiếc thùng ngồi nghỉ chân và hình ảnh những đứa con đợi mẹ đi chợ về có quà gì trong gánh không?... mà lòng rạo rực nhớ cảnh quê xưa, nhớ đôi quang gánh một thời nghèo, khó.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-doi-giong-ganh-109218.html