Nhớ khóa học lái xe năm ấy
Tháng 10-1967, tôi được đơn vị (Đại đội 2, Tiểu đoàn 26, Quân khu Tây Bắc) cho đi học lái xe. Ngày ấy trường dạy lái xe của Quân khu Tây Bắc sơ tán về xã Phú Sơn, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ.
Những ngày đầu, học sinh phải ngồi ở ngoài đường tập số nguội. Cần số, vô lăng đều bằng tre, chân dận ga “giả vờ”, miệng không ngớt “Vu…út cạch, cạch”. Các cô gái ở hai thôn Yên Kỳ, Quy Mông, mỗi khi đi làm qua lại che miệng cười khúc khích, khiến anh nào, anh nấy “chín dừ” cả mặt.
Chương trình học 6 tháng, nhưng thời gian nổ máy cho mỗi học sinh chỉ có 80 giờ, nên phần lý thuyết (gồm cấu tạo, nguyên lý làm việc, bảo dưỡng, sửa chữa, Luật Giao thông, biển báo) được học khá kỹ. Đơn cử như động tác bơm tay (ngày ấy xe phanh dầu chủ yếu dùng bơm tay để bơm lốp) cũng phải học mất một ngày. Có anh chủ quan, khinh suất, thao tác không đúng hướng dẫn, dận bơm nghiến cả vào “của quý”, đau kêu cha, kêu mẹ.
Học được non nửa chương trình thì có lệnh trên: Tạm ngừng huấn luyện, toàn trường thành lập đơn vị vận tải bộ, mang tên Đại đội Ba Vì, một cái tên giàu ý nghĩa, đi phục vụ Chiến dịch Quyết Thắng, Xuân 1968 ở Nậm Bạc (Lào).
Ròng rã 15 ngày hành quân liên tục. Ngoài quân trang, vũ khí, lương thực, thực phẩm ăn đường, mỗi chiến sĩ còn phải gánh 2 tải xoong nhôm mới. Trên vai súng trường đeo dọc, đòn gánh vắt ngang, lại phải đi trên những con đường rừng, những dốc núi mới mở để đảm bảo bí mật, tránh địch phát hiện, cực ơi là cực! Đến địa điểm tập kết hôm trước thì hôm sau toàn đơn vị đã bắt tay vào làm nhiệm vụ ngay.
Suốt bốn tháng trời, ngày ngày băng rừng, lội suối, vượt dốc, leo đồi, cõng trên lưng thường xuyên 30kg, vận chuyển gạo, đạn từ tuyến sau lên tuyến trước. Rồi lại khiêng thương binh, tử sĩ (nếu có) từ tuyến trước về tuyến sau. Có một lần, trên đường vận chuyển, chúng tôi bị “lỡ độ đường”, phải ngủ trong rừng. Lỗi là do người đi tiền trạm chỉ đeo có chiếc ba lô nhẹ, nhưng lại đem áp thời gian của cá nhân mình cho một đoàn quân mang vác nặng nề, đội hình ngoằn ngoèo như rắn bò, nên mới xảy ra cơ sự. Nồi xoong không có, phải chặt ống bương, ống nứa "lam cơm". Các anh lính người dân tộc thiểu số thảy đều cơm dẻo, còn mấy anh người Kinh có anh khi chẻ ống ra, cơm rắn như đá, không “nhá” nổi. Thì ra, tỷ lệ giữa gạo và nước là khâu quyết định. Lam cơm cũng không khác nấu cơm là mấy, thậm chí còn tốn nước hơn.
Kỷ niệm sâu sắc trong đợt phục vụ chiến dịch là hai chuyến vận chuyển thương binh, tử sĩ từ tiền phương về tuyến sau. Chuyến thứ nhất: Từ cứ điểm 602 về Viện 601. Trên đường đi bỗng có tiếng súng nổ rất gần ở phía trước. Lệnh trên: Tất cả sẵn sàng chiến đấu, quyết bảo vệ thương binh, tử sĩ đến cùng. Lúc này, ai có súng cảm thấy vững dạ. Ai trước đó đã không muốn trên vai vừa đòn khiêng vừa khẩu CKC dài ngoẵng, mới thực sự lo lắng bởi tính chủ quan, khinh địch, ngại khó, ngại khổ của mình. Cũng may, tiếng súng chỉ rộ lên trong khoảnh khắc rồi đột nhiên im hẳn. Không khí căng thẳng như quánh lại cũng tan nhanh. Nhiệm vụ lại tiếp tục.
Chuyến thứ hai: Từ Phu Thoong về Mường Buồm. Phu Thoong là một trong những cứ điểm kiên cố ở Thượng Lào. Đường đi cực kỳ hiểm trở, phải mất 3 ngày liên tục. Ngày đầu đi theo lòng suối cạn, không có lấy một chỗ để đặt cáng, phải để thương binh nghỉ trên 2 cái trạc đỡ 2 đầu đòn khiêng để ăn cơm phụ. Đã thế, thỉnh thoảng lại có những ghềnh đá án ngữ giữa lòng suối, từng cáng một không thể vượt qua, mà phải cùng nhau hợp sức.
Hai ngày sau, hết luồn rừng lại leo dốc. Luồn rừng mà giữ được không để thương binh va vào cây thật không dễ. Leo dốc, nhiều anh khiêng phía sau bị chân của tử sĩ “đạp” cả vào mặt. Có con dốc dựng đứng, phải đấu 2 cáng, 3 cáng lại với nhau mới vượt qua được. Lính ngán ngẩm gọi là dốc “Tắc thở”. Dọc đường kiếm được cái hoa chuối nào lại để dành cho thương binh, vì rau xanh rất khan hiếm.
Ngoài nhiệm vụ vận tải bộ, đơn vị (chủ yếu là những giáo viên phụ trách trung đội) còn phục hồi, làm sống lại được 2 chiếc xe ô tô (1 GMC, 1 DOG) của địch nằm chết dí ở sân bay Nậm Bạc. Rồi dùng 2 ô tô đó thu gom, vận chuyển đạn dược, chiến cụ của địch vứt rải rác ở sân bay về kho. Kết thúc chiến dịch, trước khi rời đất bạn về nước, đại đội làm một cuộc tổng kiểm tra đồng loạt quân tư trang từng người. Tuy là “phải” kiểm tra, nhưng tư tưởng bộ đội lại rất thoải mái. Toàn đại đội không có một trường hợp nào vi phạm kỷ luật chiến trường về chiến lợi phẩm. Một chiến sĩ tâm sự: Khi được giao nhiệm vụ đem nhập kho nhiều đồng hồ đeo tay chiến lợi phẩm như Citizel, Seiko, Orien... Cậu ta rất muốn đổi cái quai da lấy quai i-nốc cho chiếc đồng hồ Poljot của mình, nhưng lại sợ vi phạm kỷ luật, ảnh hưởng đến thành tích cá nhân cũng như tập thể nên không dám. Câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt này, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, bởi nó thể hiện rõ bản chất Bộ đội Cụ Hồ.
Trong tổng kết, bình công đợt phục vụ chiến dịch, toàn đơn vị không có huân chương, nhưng nhiều người được Thủ trưởng nhà trường đề nghị Cục Hậu cần Quân khu tặng Bằng khen (trong đó có tôi) kèm theo 2 huy hiệu “Quyết thắng” và “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (Có giấy chứng nhận đeo huy hiệu của Cục Chính trị Quân khu cấp). Đó là những kỷ vật vô giá mà tôi vẫn luôn trân trọng, giữ gìn suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Nhớ lại khóa học lái xe năm xưa, tôi tâm đắc 2 điều:
Thứ nhất: Quân đội ta dù thuộc quân, binh chủng nào, thì vẫn chung một bản chất là đội quân cách mạng “Từ nhân dân mà ra. Vì nhân dân chiến đấu. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thứ hai: Trước đây, khi đất nước còn phải vừa sản xuất, xây dựng vừa kháng chiến chống Mỹ, lái xe được đào tạo trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng khi ra trường, được nhận xe, họ lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là những lái xe quân đội, họ phải tự tay làm bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ. Những bệnh của điện, xăng, gầm cũng được họ xử lý rất tốt trên đường. Trong “cốp” xe của họ luôn dự trữ đầy đủ đồ nghề, phụ tùng thay thế, đảm bảo đi đến nơi, về đến chốn. Chuyện đâm, đổ, va quệt ít khi xảy ra, gây tai nạn lại càng hiếm. Tóm lại lái xe hoàn toàn làm chủ được xe. Còn nhớ: ngày ấy nhà trường có câu ca dao để học sinh dễ nhập tâm mà tôi vẫn còn thuộc lòng cho đến tận bây giờ: "Tăng số thì phải lấy đà. Giảm số thì phải "vù" ga mà về".
Có câu “Ôn cố tri tân”. Nghĩ về tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay mà thấy trong lòng bất an. Sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đối với những cơ sở đào tạo lái xe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhớ lại thời chúng tôi ngày ấy, thật mong ai cũng chú trọng học hành, chấp hành luật lệ. Làm được điều đó chắc chắn chúng ta sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông.
(*): Tặng đồng đội Đoàn Ba Vì, Trường lái xe Cục Hậu cần, Quân khu Tây Bắc cũ