Nhớ khói lam chiều

.

“… Quê em nắng vàng nhạt cô thôn

Vài mây trắng dật dờ về cuối trời

Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng

Khói lam chiều như muốn ngừng thời gian…”

(Nhạc Chiều làng em – Trúc Phương).

Đó là hình ảnh những buổi chiều làng quê vào những năm tháng xa xưa.

Chiều ở quê cho tôi nhiều kỷ niệm, chiều mông lung cô quạnh, ráng chiều nhiều màu sắc, chiều không hối hả, chiều cứ thong thả xuống dần làm nhẹ tênh lòng người!

Đã lâu lắm rồi, hình như kể từ ngày chiến tranh vừa chấm dứt, tôi tạm xa quê nghèo, bỏ lại sau lưng đồng không mông quạnh dấn thân nơi phồn hoa đô hội và cũng từ đó tôi đã đánh mất những buổi chiều trên quê hương mặc dù quê hương vẫn còn đó!

Có những buổi chiều đứng trên hành lang chung cư nhìn ra ngoại thành thấy những cột khói nhà máy cuồn cuộn vươn cao… Nhưng tiếc thay, đó là khói công nghiệp, cũng là khói, nhưng không giống khói lam chiều ở những làng quê của một thời chiến tranh, mà chất đốt là những cây củi “hái” từ trong rừng.

Làm lụng vất vả, trên đồng ruộng, nương khoai, nhưng mỗi khi chiều xuống, người người tạm ngưng công việc đồng áng, về nhà chui vào bếp chụm lửa chuẩn bị cơm chiều. Khói của bếp chụm củi sao mà đáng yêu! Khói cay sè, khói chảy nước mũi, khói làm đỏ hoe con mắt, nếu củi không chịu cháy thì đưa miệng vào thổi tối tăm mày mặt. Khói của bếp lửa bay khắp nhà, bàng bạc một màu lam, khói tỏa ra từ những mái nhà tranh, chòi rẫy… cứ là đà, chầm chậm bay trong ráng chiều.

Có đôi lúc tôi bỗng dưng nhớ những buổi chiều ở làng quê, một thứ chiều mà đô thị lớn không thể có được. Khi ánh nắng chiều sắp tắt, mặt trời như một hòn bi đỏ hỏn chậm chạp đi xuống phía dưới chân trời, thì làng quê bắt đầu đỏ lửa, và khói lam chiều xuất hiện. Khói lam chiều, một thứ khói không giống khói bị nhốt trong ống khói của đô thị, khói tự do, khói bay lẩn quẩn một lúc trong chái bếp rồi tìm đường thoát ra ngoài như những dải lụa mỏng manh, yếu ớt, lững thững bay về trời. Và liệu khói lam chiều có được thành mây làm rơi những cơn mưa nặng hạt?

Bài hát “Khói lam chiều” của Lan Đài mang giai điệu Slow Rock ra đời từ đầu tháng 7/1964, của một thời chưa đô thị hóa, đã đưa đến cho người nghe những câu ca tiếng hát mỗi khi chiều về, mọi người dẹp một bên những việc còn dở dang, vào bếp chụm lửa nấu cơm trước khi trời tối:

“… Khói lam chiều lên chơi vơi/ Khói lam chiều vươn nơi nơi/ Khói lam chiều gieo đơn côi/ Đưa người tha phương vào trong lãng quên…” (nhạc Khói Lam chiều – Lan Đài).

Lan Đài sáng tác không nhiều, chừng 10 nhạc phẩm, nổi là ca khúc “Tìm về” viết chung với nhạc sĩ Y Vân và “Khói lam chiều”.

Ca khúc “Khói lam chiều” đã đi vào lòng người nghe từ dạo mới ra đời từ năm 1964:

“… Mỗi lúc hoàng hôn sắp về ngàn lối/ Nuối tiếc ngày xanh đã tàn mơ rồi/ Bùi ngùi xao xuyến thương nhớ xa xôi/ Thương về quê hương mến yêu/ Có bóng cô em diễm kiều/ Mỗi lúc đàn chim khuất về nẻo tối/ Ánh nắng còn lưu luyến ngoài lưng đồi…”.

Bài “Khói lam chiều” được nhạc sĩ Lan Đài “tả cảnh” như một đoản văn trước khi vào “Khói lam chiều”:

“… Khói lam chiều lên chơi vơi/ Khói lam chiều vương nơi nơi…”

Và “Khói lam chiều” đã:

“… Đưa người tha phương vào trong lãng quên/ Đã mấy chiều thu lá vàng ngập lối

Đã mấy chiều thu ước hẹn phai rồi…”

Nhạc sĩ Lan Đài đã cho chúng ta một bài hát Thu của một người đi xa, có nhớ nhung, có khói lam chiều, có ánh mắt năm xưa mong chờ. Một bài hát Thu, nhưng tựa không phải là Thu vì ông đã mượn khói lam chiều làm tựa cho bài hát này. Nhìn tựa không biết Thu, hát mới biết Thu!

Khói lam chiều, một bức tranh rất thực làm ray rứt những ai đã từng sống ở một miền quê có khói lam chiều, nay vì một hoàn cảnh nào đó mà phải xa quê.

Nhớ khói lam chiều là nhớ nồi cơm đất đen thui nóng hổi lúc vơi lúc đầy. Nhớ những cây củi ngoan cố không chịu cháy, nhớ rề cơm cháy vàng rụm nhai rôm rốp, cho ta cái vị ngọt, một mùi thơm của một thứ gạo sạch không có phân bón và thuốc trừ sâu. Bông lúa được nuôi dưỡng bằng những giọt sương tinh khiết, và nhớ những con cá đồng nướng trui cháy đen khô đét, nhưng thịt ngọt và thơm đượm mỡ, được đựng trên chiếc lá chuối vừa cắt ngoài vườn, rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc, tranh thủ ăn khi mặt trời chưa tắt.

Cơm thường dọn ra trên cái nia ở ngoài sân. Ngồi chồm hổm mà ăn, có đôi khi ngồi bệt xuống đất (cái sân nện đất sét, dùng để cho những con trâu đạp lúa). Đêm xuống, quanh nhà là những khoảng tối, nhà đốt đèn dầu khi tỏ khi lu, nhìn nhau, nhận biết nhau bằng những tiếng nói quen thuộc.

Đời sống hôm nay, dù ở một miền quê xa xôi nào đó chắc cũng không còn khói lam chiều. Dẫu biết rằng còn lửa thì còn khói, nhưng khói bây giờ không phải là khói lam chiều, mà khói của bếp gas, khói của công nghiệp dợt lớt hoặc đen thui bay thẳng lên trời!

Khói lam chiều cho chúng ta một bức tranh đẹp của mỗi buổi chiều. Chiều xuống, trâu về chuồng, những con cò cất cánh bay về một nơi nào đó để qua đêm. Người nông dân cũng ngừng tay, xuống mương rửa tay chân, rửa cuốc, rồi lên bờ… ngồi vấn điếu thuốc rê, lau những giọt mồ hôi còn đọng lại trên trán, chầm chậm nhả những ngụm khói của điếu thuốc dính đầy nước miếng, rồi tâm hồn như “nghệ sĩ” nhìn trời, nhìn những mảnh đất mới cuốc, nhìn lại một ngày công, có tiếng thở dài rất nhẹ, và ngày mai lại tiếp tục ra đồng.

Thoáng xa về phía những bụi tre, đám cau, hàng dừa… chiều về cũng ngừng lay động…, tiếng ếch, nhái bắt đầu râm ran, trên đường về, thấy khói lên là biết bếp hồng đã nổi lửa… bụng đã nghe cồn cào vì đói!

Một ngày ở Sài Gòn tôi bỗng nhớ khói lam chiều.

Mấy nén nhang thắp lên để nhớ nhạc sĩ Lan Đài, Trúc Phương, dù hai ông đã ra người thiên cổ, nhưng mong rằng hai người nhạc sĩ này không bị bỏ lại phía sau.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-khoi-lam-chieu-120305.html