Nhờ kích cầu, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư
TP HCM đã chi 3.885 tỉ đồng để thu hút 52.259 tỉ đồng vốn xã hội vào đầu tư phát triển
Chiều 15-8, tại hội nghị tổng kết đánh giá chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 20-10-2015, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết chương trình đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng DN TP.
Theo các DN, kích cầu đầu tư là chương trình đặc thù của TP và không có chương trình này thì DN không thể mạnh dạn đầu tư. Thông qua chương trình, nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học - công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục.
Đại diện Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn (Công ty Tiến Tuấn) cho biết nhờ "bà đỡ" này, Công ty Tiến Tuấn từ một xưởng sản xuất nhỏ chỉ 40 công nhân, doanh thu 40 tỉ đồng/năm đã tăng lên 200 lao động, doanh thu gần 200 tỉ đồng và đóng góp ngân sách 5-10 tỉ đồng/năm. Ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị công nghệ cao, mở rộng và phát triển sản xuất được hỗ trợ lãi vay 45 tỉ đồng, Công ty Tiến Tuấn đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ phê duyệt tham gia chương trình với dự án mới có tổng vốn vay đề nghị hỗ trợ trên 10 tỉ đồng.
Dù vậy, theo các DN, hạn chế của chương trình là chỉ xét duyệt cho các dự án vay đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất mà chưa cho vay đầu tư phần mềm; quy trình thủ tục xét duyệt và thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, giải ngân chậm…
Thực tế, dù chương trình hỗ trợ lãi vay với mức tối đa 100 tỉ đồng/dự án và lên đến 200 tỉ đồng/dự án theo Nghị quyết 16 (năm 2018) của HĐND TP nhưng từ khi thực hiện Quyết định 50 đến nay, TP mới phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư gần 24.000 tỉ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.000 tỉ đồng. Trước đó, chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND, UBND TP HCM đã phê duyệt 127 dự án với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ lãi vay hơn 5.000 tỉ đồng. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mới có hơn 50 trong tổng số 1.167 DN công nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành dệt may, da giày tại TP HCM quan tâm và tiếp cận chương trình...
Giải thích nguyên nhân số DN có dự án tham gia chương trình còn ít, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng phần lớn DN sản xuất công nghiệp ở TP là nhỏ và vừa, hạn chế về vốn và sự tiếp cận khoa học - công nghệ mới nên chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới, cải tiến trang thiết bị cũng như chưa có tài sản bảo đảm để tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng để tái mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, quỹ đất sản xuất công nghiệp trong các KCX-KCN dành cho DN công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp; chi phí thuê đất trong KCN còn cao. Một lý do quan trọng khác là vướng mắc về chính sách và thủ tục hồ sơ dự án…
Trước thực tế trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, kiến nghị UBND TP xây dựng nghị quyết về chương trình kích cầu đầu tư của TP làm cơ sở điều chỉnh, thay thế Quyết định 50, bổ sung đối tượng là các DN khởi nghiệp, bổ sung danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách có khả năng chuyển đổi sang những hình thức tham gia chương trình kích cầu đầu tư, đặc biệt là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, khả năng mang lại nguồn thu; đề xuất cho phép nâng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất của 1 dự án từ 100 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng.
Tính toán hoàn thiện chương trình
Nhìn nhận về chương trình, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là hạt nhân quan trọng trong thu hút nguồn lực xã hội. Cụ thể, TP chi ra 3.885 tỉ đồng và thu hút được 52.259 tỉ đồng. TP luôn xem việc tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ quan trọng. Chương trình phát huy hiệu quả tích cực nên phải tính đến hoàn thiện chương trình trong thời gian tới.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nho-kich-cau-doanh-nghiep-manh-dan-dau-tu-20190815231156274.htm