Nhớ lời Bác dạy 'thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'Tin khácNhớ lời Bác dạy 'thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi 'Thi đua ái quốc' nhằm động viên Nhân dân 'Diệt gặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm', với tinh thần 'người người thi đua, ngành ngành thi đua'.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi. Để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”. Người đã nêu đầy đủ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân cũng như mục đích của phong trào, đồng thời, còn chỉ rất rõ thứ tự ưu tiên, “diệt giặc đói” là trước hết (để cứu mạng sống của dân), “diệt giặc dốt” (không có tri thức thì không thể chống được ngoại xâm nhất là thực dân Pháp) và “diệt giặc ngoại xâm”.

Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đoàn viên thanh niên, tại gian trưng bày chuyên đề
“Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn” ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: TUYẾT MAI

Về tinh thần, Người nêu cụ thể, dựa vào “Lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại “Hạnh phúc cho dân”. Về đối tượng, Người yêu cầu: “Người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua”. Để đạt mục đích cuối cùng là “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm”. Tiến tới “Toàn quốc sẽ độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Với quan điểm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”* – Đây chính là động lực to lớn, làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập, tự do cho dân, vì thế phong trào được đông đảo các tầng lớp quần chúng hưởng ứng như: phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, quỹ độc lập, quỹ phục vụ quốc phòng… đến các phong trào “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu”, ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hâu phương thi đua với tiền phương”… Chúng ta đã tổng kết nhiều đợt thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn quốc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều khẳng định: Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Tiếp tục phát huy tư tưởng thi đua của Hồ Chủ tịch, đặc biệt là các phong trào thi đua như: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” cùng phong trào thi đua “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh Tổ quốc”… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, tỉnh ta chủ trương tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…, Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các phong trào “xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Lạng Sơn hội nhập và phát triển”, “Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay.

Kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua yêu nước diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân tỉnh ta đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, các phong trào thi đua tiếp tục là nguồn động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

*”Hồ Chí Minh” toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2011

MAI TÙNG

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/505593-nho-loi-bac-day-thi-dua-la-yeu-nuoc-yeu-nuoc-thi-phai-thi-dua.html