Nhớ lời Bác dạy về nghề báo

Báo chí cách mạng gánh sứ mệnh vẻ vang mà Ðảng và Nhân dân giao phó trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần cổ vũ và định hướng toàn dân theo con đường đúng đắn của Ðảng để xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những đóng góp to lớn của mình, nghề báo và nhà báo chân chính được Nhân dân tôn vinh, trân trọng, tin yêu. Toàn Ðảng và toàn dân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo xung lực cho khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Tình hình mới càng đòi hỏi người làm báo tu dưỡng đạo đức cách mạng, thấm nhuần lời dạy của Bác về nghề báo, làm hành trang để tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập.

Không chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc. Trong suốt 60 năm vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo các loại, 276 bài thơ bằng chữ Việt và chữ Hán, gần 500 trang truyện và ký. Không chỉ viết, Hồ Chí Minh còn là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày và cả việc tổ chức phát hành hàng chục tờ báo cách mạng trong những thời kỳ khác nhau. Trong cuộc đời làm báo của mình, Người đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo, đây chính là những bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo. Bài học quan trọng trước hết, trên hết mà người làm báo phải thấm nhuần, đó là lời căn dặn của Bác về nghề báo: Làm báo chính là làm cách mạng và để làm cách mạng.

Bác Hồ kính yêu là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi thế, trong bất kỳ hoạt động nào, cho dù làm thơ, viết văn, làm báo, mục đích duy nhất của Người vẫn là để phục vụ cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; bài báo là tờ hịch cách mạng. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không quản ngại gian khó, hy sinh, kể cả tính mạng, vì Nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng.

Bác Hồ với các phóng viên báo, đài. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với các phóng viên báo, đài. Ảnh tư liệu

Bác khuyên dạy, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập hiện nay, yêu cầu của cách mạng chính là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước đi lên mạnh giàu, thịnh vượng. Thế giới hiện đại phát triển nhanh chóng, mở ra nhiều vận hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với báo chí, đối với nghề báo, nhất là vấn đề đạo đức người làm báo. Trước tình hình mới này, đòi hỏi người làm báo càng phải nắm vững, thấm nhuần lời căn dặn của Bác: Làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng, để từ đó luôn xác định đúng đắn vai trò, nhiệm vụ báo chí phục vụ lợi ích của đất nước, của xã hội, phục vụ Nhân dân, mà vững vàng lập trường tư tưởng chính trị, luôn thực hành sáng tạo báo chí đúng hướng, vượt qua những thử thách, cám dỗ, giữ vững đạo đức nghề báo.

Bác Hồ đọc báo, viết báo tới ngày cận kề Người đi xa, tháng 9/1969. Trong cuộc đời viết báo, dùng ngòi bút của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và Nhân dân ta, Bác Hồ để lại một di sản báo chí đồ sộ. Giá trị to lớn của các bài viết, bài phát biểu của Người góp phần đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thức tỉnh lương tri nhân loại đấu tranh cho chính nghĩa, tạo dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng bè bạn năm châu - đã được lịch sử chứng minh. Không chỉ vậy, qua di sản này, chúng ta thấy ở Bác kính yêu là tấm gương sáng về đạo đức báo chí, là một nhà báo cách mạng vĩ đại với bút lực tuyệt vời, tinh thần lao động không ngừng nghỉ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Những tác phẩm báo chí của Người dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo.

Thế nên, sinh thời, bằng tấm lòng dành cho người làm báo, từ thực tiễn, kinh nghiệm cầm bút của chính mình, Người đã chăm lo đào tạo giáo dục, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cho nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên báo chí trưởng thành.

Những lời dạy của Bác đối với người làm báo là rất nhiều. Trong đó, mỗi người làm báo đều nằm lòng lời dạy của Người: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Lần giở lịch sử, năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn thiếu thốn đủ mọi bề của Nhà nước dân chủ Nhân dân mới thành lập, thực hiện theo chỉ thị của Bác, Ðảng và Chính phủ mở lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam. Lớp học được mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng (việc đặt tên này là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc Huỳnh Thúc Kháng và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng). Lớp học được tổ chức ở khu rừng Bờ Rạ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, gồm 43 học viên đến từ các báo Trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu, ngành thông tin. Lớp học chỉ tồn tại trong vòng 2 tháng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần viết thư thăm hỏi, động viên cán bộ và học viên.

Trong bức thư gửi lớp học nhân ngày khai giảng, Người đã nêu bật nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng, nội dung của báo chí. Người viết: "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích là kháng chiến kiến quốc. Ðể đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc".

Trong thư, cùng với chỉ ra những khuyết điểm của báo chí, Người dạy: "Muốn viết bài báo khá thì cần: Gần gũi với dân chúng, cứ ngồi phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. Khi viết xong phải tự mình xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận; tốt hơn nữa, là nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ".

Bức thư này của Bác như tổng kết công việc lao động của người làm báo. Mặc dù đã 75 năm trôi qua, nhưng những lời dạy của Người về kỹ năng làm báo vẫn vẹn nguyên giá trị đối với nghề báo, người làm báo hôm nay. Bởi thực tế, việc thực hành 4 kỹ năng để có một bài báo khá, theo Bác đúc kết, thì dường như một số người làm báo còn chưa làm được, dẫn đến những trang viết xa rời thực tế, những bài báo thể hiện sự thiếu tinh thần trách nhiệm của người cầm bút...

Cho dù hiện tại và những giai đoạn tiếp theo, đời sống báo chí có phát triển hiện đại đến đâu, đòi hỏi những kỹ năng mới như thế nào, thì lời dạy của Bác vẫn là hành trang mẫu mực nhất, cốt lõi nhất mà người làm báo cần phải nằm lòng. Học Bác, viết báo là làm cách mạng và để làm cách mạng, học Bác ở kỹ năng làm nghề - nắm vững và thực hành điều này, người làm báo sẽ có những tác phẩm báo chí “đúng”, “hay” và “đẹp”, là những nhà báo cách mạng, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vẻ vang, cao cả nhưng nặng nề của báo chí trong giai đoạn mới, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Ðảng.

Những ngày tháng 6 về, mừng kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 - vui Tết nghề, nhớ Bác kính yêu, đội ngũ những người làm báo càng vô vàn biết ơn người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng, tự hào với nghề báo phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và càng lắng lòng, tâm niệm thực hành những lời dạy quý báu của Bác để luôn giữ vững “Bút sắt - lòng trong - tâm sáng”./.

Thái Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nho-loi-bac-day-ve-nghe-bao-a33068.html