Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác

Tọa đàm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969-2019) vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức. Đây là dịp ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Di chúc; đồng thời thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tại tọa đàm.

* PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY NGUYỄN VĂN SỰ: Di chúc là nguồn sáng dẫn đường của cách mạng Việt Nam

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Trong Di chúc, Bác dặn nhiều điều đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, chứa đựng trong đó những vấn đề cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau và đích đến cao nhất là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Tọa đàm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với sự tham gia ý kiến, tham luận, thảo luận của lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, trường học, góp phần làm đầy đủ, phong phú và thấu đáo hơn nhận thức của chúng ta về nội dung Di chúc và đặc biệt là việc vận dụng những nội dung đó vào công tác xây dựng Đảng hiện nay; giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, những vấn đề mới nảy sinh gắn liền với những yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới; góp phần thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

* THS CAO THỊ NHUNG, TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Việc riêng của Người hòa quyện vào việc chung của dân tộc

Trong Di chúc, Bác dành một phần rất ngắn để nói “Về việc riêng”, nhưng theo tôi, đây là phần thấm thía nhất. Việc riêng ở đây chính là những việc của bản thân, về cá nhân Bác, nhưng từng câu, từng chữ trong lời dặn dò ấy lại không có gì riêng tư, vẫn là vì lẽ sống cho nhân dân, cho đất nước, cho con người. Điều này đã làm toát lên một nhân cách lớn, cao đẹp của con người suốt đời lo cho dân, cho nước.

Mặc dù 50 năm trôi qua, nhưng những dòng Người gửi lại trong Di chúc “Về việc riêng” vẻn vẹn 79 chữ tượng trưng cho 79 mùa xuân Bác sống và hiến dâng cho dân tộc, cho nhân loại, chính là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, vẫn luôn tươi mới, mang ý nghĩa thời sự, lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Qua nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Người, có nhiều việc chúng ta đã và đang thực hiện theo tâm nguyện của Người về xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp với lý tưởng sống, lối sống thấm đậm tình người, thấm đậm nhân văn. Song vẫn còn nhiều công việc còn dang dở, nhiều vấn đề mà cán bộ, công chức mới chỉ “học tập” mà chưa “làm theo” đúng mức những việc mà Bác Hồ căn dặn. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu kỹ, đầy đủ và thấu đáo tư tưởng của Bác để vận dụng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là một việc rất cần thiết.

* ÔNG TRẦN MINH TỪ, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH: Đau đáu một niềm riêng vì chưa thực hiện trọn lời di huấn của Người

Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua 30 năm xây dựng, trưởng thành của Hội Cựu chiến binh, các cấp Hội và cán bộ, hội viên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện di huấn của Người. Các cựu chiến binh đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ; giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; đẩy mạnh các hoạt động “nghĩa tình đồng đội”, “đền ơn đáp nghĩa”…

Thành tựu hơn 30 năm đổi mới và 30 năm sau tái lập tỉnh đã đưa đất nước ta, tỉnh ta từ một nước, một tỉnh thuộc diện đói nghèo trở thành một nước, một tỉnh bước vào ngưỡng của một xã hội phát triển. Tuy chưa đạt được theo căn dặn và mong mỏi của Bác, nhưng đã từng bước đem lại cuộc sống bình yên cho hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, trong nỗ lực của toàn xã hội thực hiện di huấn của Người, trong mỗi chúng ta, nhất là những cựu chiến binh vẫn còn đau đáu một niềm riêng, như Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Mỗi chúng ta cần phải đọc từng câu từng chữ trong Di chúc, soi rọi vào mình để điều chỉnh bản thân, sống và hành động đúng đắn hơn.

* ANH TRẦN MINH TRÍ, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN, CHỦ TỊCH HỘI SINH VIÊN TỈNH: Xây dựng đội ngũ kế cận “vừa hồng vừa chuyên”

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tình cảm của Bác đối với thanh niên. Thời gian qua, thực hiện lời dạy của Bác: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ Phú Yên đã chứng tỏ là đội dự bị tin cậy của Đảng, góp một phần quan trọng xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Để thực hiện Di chúc của Bác và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt hiệu quả, đảm bảo xây dựng đội ngũ kế cận “vừa hồng vừa chuyên”, trong thời gian tới, đoàn thanh niên các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước; gắn đào tạo với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, gắn bồi dưỡng thế hệ trẻ với các phong trào thực tiễn, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành; xây dựng nguồn cán bộ trẻ, đảm bảo quy hoạch cho ngắn hạn và lâu dài.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta nhất định thực hiện thành công để thế hệ trẻ cùng “góp sức vào xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam giàu mạnh”. Cuộc đời Bác, với những gì mà Bác đã đi, đã đến; với tất cả những gì Bác đã làm, đã mẫu mực nêu gương và để lại, có lý và đượm tình thương yêu sẽ sống mãi qua các thời đại.

Những tư tưởng lớn trong Di chúc đã, đang soi sáng đường đi và sự nghiệp của chúng ta; là những chỉ dẫn cho việc xác định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, hoạch định chính sách, xây dựng chương trình hành động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ mới đưa đất nước ổn định, phát triển bền vững và hiện đại.

HÀ MY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/348/231321/nho-loi-di-chuc-theo-chan-bac.html