Nhớ lời ru trên mặt biển miền Trung
Ráng chiều buông lơi trên biển miền Trung, tôi đặt bàn chân mình trên những thớ cát mỏng trắng và mát mịn. Cảm giác như có ai đó đang gọi tên mình trong từng lớp sóng non. Mùa này, nhìn nơi nào cũng nôn nao nhớ. Nỗi nhớ hiện nguyên vẹn và như lời ru đi về phía mặt trời.
Có nhiều câu chuyện dệt nên từ làng chài tôi đang sinh sống. Nơi mà cách đây chừng 20 năm, đời sống người dân còn nhiều kham khó và nghề mưu sinh chỉ có mỗi nghề biển. Hồi ấy, mùi vị của biển với những sáng mai biển bờ đầy chài lưới, với những tấm lưng đen nhuộm vàng màu nắng biển.
Những tháng ngày ấy, miền biển mà tôi đang sống có những làng chài quần tụ và tình làng nghĩa xóm thắt chặt, tối lửa tắt đèn í ới gọi nhau. Nhưng người ta không thể cứ mãi ở một nơi mà nơi đó, cái đói nghèo luôn ám thị. Những lũ trẻ lớn lên chúng phải học hành và thành đạt. Trong giấc mơ ấy, trong mỗi nếp nhà bên làng chài nhỏ đều tất bật để sớm mai mở mắt, có được một cơ ngơi, có được những con tàu cá công suất lớn và có những bến cầu cảng cá rộng thênh thang.
Một ngày, ước mơ của ngư dân được hóa thành hiện thực và đằng sau những phên nứa, đằng sau những ngọn đèn dầu làng chài, đã được thay đổi bằng những ngôi nhà xây dựng khang trang, nhiều tàu cá công suất lớn bắt đầu nối nhau vươn khơi bám biển. Câu hát cũ đã được thay mới bằng những bản nhạc hiện đại và những khóm dân cư trong làng vạn chài đã trở thành nơi quần tụ của nhịp thở đô thị hiện đại. Và trong những cái được ấy, vẫn phải bị đánh đổi, mất đi những mảng màu văn hóa biển.
Tôi nhớ những đêm trăng trên làng chài, nhớ những khúc hát, câu hò của người cửu vạn nơi chân sóng. Nhớ những đôi gót chân của các bà, các mẹ, các chị, các em đã bám biển để mưu sinh mà nứt sần đen đúa.
Trong ký ức của tôi về làng chài này là những ngày bão biển cách đây đã 10 năm, cơn bão cuốn đi nhiều mạng sống, nhiều ước mơ. Tôi nhớ những tiếng gào thét gọi tên chồng, con; những bàn chân tả tơi trên cát để ngóng về đại dương mù khơi cuộn sóng. Những hung tin từ biển cứ thế chất lên bờ, nơi mẹ đất đang phải gồng mình chứa đựng triệu triệu nỗi ly hương.
Bây giờ khi tôi bình lặng ngắm làng chài, ngắm những bến biển nơi ngày trước tàu thuyền thường về neo đậu khi chưa có cảng cá. Chợt nghe như có ai đó đang gọi mình xa thẳm. Trên những cơn sóng non đang lặng yên, bất chợt một khoảng lặng cứ dâng lên trong trái tim tôi một lần tái sinh trước biển. Thời gian đang bào nhẵn mọi thứ nhưng những gì thuộc về ký ức vẫn còn đấy, sống động, bất chấp đã không ít lần tôi muốn xóa bỏ.
Những lời ru trên mặt sóng có phải niềm hoan ca của ai đó gửi về đất liền trong vời vợi cách xa? Chùm ký ức như lời ru đêm hạ huyền phố biển, tôi ngồi lọt thỏm trong làng chài cũ với miền ký ức tươi nguyên và một niềm luyến tiếc. Tôi ước được một lần trở lại phía ngày xưa, được ngửi mùi nồng nàn của biển năm nao và được khóc khi thấy biển đã thay tôi nói những lời từ sóng.
Ký ức có thể mang vị mặn của biển nhưng với tôi, ký ức mang vị mặn chát bởi những dòng nước mắt đang lặng lẽ rơi đều. Sóng có thể làm bạn vơi đi một biển chiều hoang vắng nhưng sóng lại sưởi ấm tâm hồn bạn, khi mới nhận về mình một vết xước trong tháng năm dài?
Có lời ru vừa rơi trên mặt biển. Đó là nỗi nhớ mang hình hài giọt nước mắt đại dương.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nho-loi-ru-tren-mat-bien-mien-trung-20190709211542396.htm