Nhớ mãi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Một lãnh đạo gần gũi, biết lắng nghe và quyết đoán!
Chắc hẳn những ai có cơ hội gặp bác Võ Văn Kiệt đều không quên được sự gần gũi thân tình song rất quyết đoán của bác. Tôi là một trong những người may mắn đó!
Cố Thủ tướng với câu chuyện cà phê Việt
Năm 1987, tôi được cử sang Singapore làm trưởng đoàn đại diện cho các Tổng công ty xuất nhập khẩu (Đoàn đại diện Thương mại - Vinatrade). Ngày 19/11/1987, bác Võ Văn Kiệt đi họp hội nghị Ủy ban hợp tác với Indonesia. Đoàn công tác gồm có bác Võ Văn Kiệt (lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cùng các Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đông Giang, Thứ trưởng Ngoại thương Đinh Phú Định, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lữ Minh Châu và các thành viên khác.
Trên đường về nước, đoàn dừng chân ở sân bay Changi và chúng tôi có cơ hội ra đón đoàn.
Gặp chúng tôi, bác đề nghị báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế chính trị Singapore. Nghe xong bác thân tình dặn: “Chú và các anh em ở đây nhớ nỗ lực để sớm bình thường hóa quan hệ ngoại giao trở lại với Singapore để nước mình tham gia vào ASEAN, cân bằng mối quan hệ với các nước khác”. Lời dặn dò gần gũi, thân tình của bác dường như đã giúp tôi không còn run rẩy khi đứng trước vị lãnh đạo này.
Dặn dò rồi, bác lại hỏi: “Chú ở nước ngoài có kiến nghị gì không?”. Tôi báo cáo bác: “Thưa bác, Việt Nam nên tham gia vào Tổ chức Cà phê thế giới (ICO). Vì theo cháu biết, đất trồng cà phê của chúng ta còn nhiều, chất lượng cà phê vối của Việt Nam cũng rất ngon. Chúng ta có thế phát triển cà phê thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp”. Bác lại hỏi: “Vào ICO, Việt Nam được lợi gì?”. Tôi mạnh dạn lý giải: “Thứ nhất, chúng ta sẽ có được thông tin toàn cầu về sản xuất và tiêu thụ cà phê để quyết định quy hoạch sản xuất bao nhiêu là hợp lý. Thứ hai là được phân quota, vì khi đó ICO quản lý hạn ngạch xuất khẩu cà phê toàn thế giới. Giá trong quota và ngoài quota chênh nhau 400 - 500 USD/tấn”. Nghe tôi giải thích, bác lập tức quay sang nói với bác Nguyễn Văn Ích (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ): “Thế thì anh Ích về làm ngay!”.
Từ quyết định đó, tôi đã chuyển Hiệp định cà phê thế giới về trong nước và Chính phủ giao cho Bộ Kinh tế đối ngoại thành lập Hiệp hội Cà phê ca cao. Đây là một trong những Hiệp hội ngành hàng hội nhập sớm nhất, đến nay đã được 32 năm. Và có thể nói, Quyết định này của Chính phủ đã đưa ngành cà phê Việt Nam từ mức chỉ chiếm 1% thị phần cà phê thế giới vào năm 1991 lên 18% hiện nay.
Dấu ấn bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Singapore
Cùng với câu chuyện của cà phê, tôi luôn đau đáu trong lòng với nhiệm vụ chính được bác giao là làm sao bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Singapore. Bởi thời điểm đó, trong khối ASEAN, ta chỉ vướng duy nhất “cánh cửa” Singapore để mở cửa vào khối ASEAN.
Thời điểm đó, thông qua các kênh, chúng tôi biết Chính phủ Singapore muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, đầu tháng 10 năm 1991, chúng tôi đã nỗ lực để kết nối cho Bộ trưởng Lê Văn Triết (thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ Thương mại) gặp Bộ trưởng Lý Hiển Long (nay là Thủ tướng Singapore). Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Lý Hiển Long chuyển lời mời Thủ tướng Gho Chok Tong mời Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (đến tháng 8/1991 là Thủ tướng Chính phủ) sang thăm và bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nỗ lực đã thành công, tôi và Bộ trưởng Lê Văn Triết mừng rỡ khôn xiết.
Chiều 30/10/1991, chiếc TU 64 hạ cánh xuống sân bay Changi. Chưa bao giờ tôi thấy vui mừng như thế khi thấy máy bay hạ cánh xuống đường băng. Tôi đến đón bác (lúc bấy giờ đã ở cương vị Thủ tướng), tặng hoa phu nhân rồi đưa đoàn về Khách sạn Shangrila thu xếp chỗ ăn ở. Xong mọi việc đã 12 giờ đêm, tôi đến chào và xin phép ra về để bác nghỉ ngơi, sáng hôm sau ra dự lễ đón và hội đàm. Tuy nhiên, bác giữ tôi lại để báo cáo tình hình hai nước. Tôi trả lời ngắn ngọn 15 phút rồi ra về.
9h sáng 1/11/1991, Singapore cử hành lễ đón. Khi quốc ca Việt Nam vang lên, tôi cảm động rơi nước mắt. Hôm đó trời lất phất. Thủ tướng Gho Chok Tong nói: “Đây là điềm may báo hiệu quan hệ hai nước sẽ phát triển tốt đẹp!”.
Sau khi dự chiêu đãi tối 1/11/1991, bác Kiệt giao nhiệm vụ sáng hôm sau, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương tiếp tục đi làm việc còn tôi đi ăn sáng với Thủ tướng. Tôi nghĩ trong bụng: “Sao một nguyên thủ lại có những cử chỉ gần gũi thế . Và cũng lo không biết Thủ tướng sẽ hỏi gì ?!”.
Sáng 2/11/1991, trong buổi ăn sáng, bác rất vui vẻ và vào chuyện luôn. Bác hỏi rằng muốn mời ông Lý Quang Diệu (sau này là Thủ tướng) làm cố vấn. Tôi báo cáo: "Trung Quốc mời ông ấy không nhận. Ucraina mời ông bố trí đoàn đi Đông Âu 15 ngày về cũng không nhận. Nhưng, Việt Nam cứ mời vì “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Quả thật, buổi chiều hôm đó, theo phép ngoại giao, ông Lý Quang Diệu đến chào Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa các quyển sách về kinh tế Viêt Nam và mời ông làm cố vấn. Ông Lý nói: “Tôi cũng có nhiều sách về Viêt Nam. Tôi bận nhiều việc nên không thể làm cố vấn được. Song, tôi sẽ sang thăm Việt Nam và giúp Việt Nam!”.
Sáng 3/11/1991, tôi lại thấy xe đưa Thủ tướng đến đoàn Vinatrade. Thủ tướng vào phòng khách bắt tay anh em trong đoàn và tôi. Bác dí dỏm: “Cảm ơn ông “Đại sứ dởm” làm thật!”. Vì khi tôi đi tháp tùng, Thủ tướng Singapore cho tôi "đóng vai" đại sứ!
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác Võ Văn Kiệt, những kỷ niệm năm nào lại hiện về trong ký ức. Trong cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên những lần gặp bác Võ Văn Kiệt - một người Thủ tướng gần gũi, biết lắng nghe, song rất quyết đoán và có tầm nhìn bao quát để mở ra cánh cửa hội nhập của Việt Nam với thế giới và khu vực. Singapore bây giờ đã trở thành đối tác chiến lược, một trong 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Ngành cà phê trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nước và xếp thứ hai thế giới về sản lượng. Những thành tích đó có vai trò to lớn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Lương Văn Tự - Trưởng Đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC