Nhớ mãi đôi mắt Người ấm áp

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất - đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, ca ngợi với một tình cảm đặc biệt trân trọng. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, Hà Nội Ngày nay trân trọng giới thiệu bài viết 'Nhớ mãi đôi mắt Người ấm áp' của tác giả Vitali Tsarenko - nguyên cán bộ Ban Đối ngoại các nước xã hội chủ nghĩa trực thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô - đăng trong cuốn Những người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Mátxcơva - 2010).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng Gherman Titov trên tàu Hải Lâm tham quan vịnh Hạ Long ngày 22-1-1962.

Đầu năm 1960 tôi làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Một thời gian sau tôi trở về Mátxcơva, công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ban này phụ trách quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa. Quãng thời gian hơn 20 năm công tác tại hai cơ quan này, do tính chất công việc mà tôi nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với các nhà lãnh đạo của các nước xã hội chủ nghĩa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Có một số cuộc tiếp xúc đã thấm sâu vào tâm hồn tôi, trong đó có hai lần gặp nhà lãnh đạo huyền thoại của Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà tôi không bao giờ quên.

Lần thứ nhất vào năm 1961. Sau khi phi công vũ trụ Gherman Titov thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thành công, ông đã đi thăm nhiều nước. Kết thúc chuyến thăm Indonesia, ông có chương trình đến Việt Nam và trở về Liên Xô theo lộ trình đi qua Quảng Châu - Bắc Kinh rồi về Irkutxk của Liên Xô.

Thời điểm đó tôi là phiên dịch của Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh. Tôi được cấp trên cử đi công tác Hà Nội để giúp đỡ Gherman Titov trong trường hợp cần thiết. Cùng với phi hành đoàn có nhiệm vụ đưa Gherman Titov về nước, tôi đến Hà Nội khi nhà du hành vũ trụ vừa đến đó và may mắn được tham dự một số chương trình trong chuyến thăm.

Tôi đã có mặt trong đoàn đi đón Gherman Titov tại sân bay ở Hà Nội. Đó là những giây phút vô cùng xúc động. Khi nhà du hành vũ trụ - người anh hùng Liên Xô trong trang phục đại lễ xuất hiện ở cánh cửa máy bay, từng tràng vỗ tay nồng nhiệt và tiếng reo hò chào mừng. Trên tất cả quãng đường đến nhà nghỉ, đoàn xe như xuyên qua đám đông náo nhiệt của người dân Hà Nội. Những nụ cười rạng rỡ, một biển hoa, biểu ngữ, cờ hai nước, những cô gái trong trang phục dân tộc, những cậu bé có mặt khắp mọi nơi. Xe đi qua sông Hồng, mặt nước phản chiếu những vệt ánh nắng mặt trời. Xe chạy đến nhà nghỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh như người cha ôm lấy Gherman Titov đang hồi hộp, ngượng ngùng. Người nói, rất tự hào với thành tích chinh phục vũ trụ của Liên Xô.

Buổi tối hôm đó, tại Phủ Chủ tịch diễn ra buổi chiêu đãi trọng thể. Tôi có mặt ở đó và có thể thoải mái ngắm nhìn Hồ Chí Minh. Rất tự nhiên và giản dị. Mà đó lại là con người huyền thoại! Có cảm giác như chẳng có điều gì có thể làm thay đổi con người cũng như phong cách sống khiêm nhường của Người.

Bạn bè tôi - những người làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội lúc đó kể với tôi rằng Bác Hồ làm việc nhiều, trang phục khiêm tốn, ăn uống đơn giản và không thích những buổi tiếp đón xa hoa. Vậy nhưng buổi tiếp đón, chào mừng nhà du hành vũ trụ Xô viết hôm đó lại rất trang nghiêm và sang trọng, có cả chương trình ca nhạc nữa. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam đã được trao cho Gherman Titov. Một trong những hòn đảo xinh đẹp trong vịnh Hạ Long được vinh dự mang tên Gherman Titov!

Trong phát biểu của mình, Bác Hồ bày tỏ niềm tự hào với tài năng của những nhà khoa học hàng không vũ trụ Xô viết đã làm nên chuyến bay vào vũ trụ của loài người trở thành hiện thực, tự hào về sự can đảm của các nhà phi hành Xô viết, những người đã thực hiện chuyến bay đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tin tưởng và bày tỏ hy vọng sẽ có lúc các phi công Việt Nam sẽ bay trên quỹ đạo quả đất. Hy vọng đó đã trở thành hiện thực khi gần hai chục năm sau đó phi công Phạm Tuân trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Và Gherman Titov cho đến tận cuối đời là Chủ tịch Hội Hữu nghị của Liên Xô với Việt Nam.

Năm 1962, số phận lại ban tặng cho tôi lần gặp thứ hai với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi được tháp tùng Người trong một chuyến thăm không chính thức tới Liên Xô. Trước khi bay sang Irkutxk, Người đã đến Bác Kinh. Tại sân bay quốc tế Shoudu ở thủ đô Bắc Kinh, trên đường băng chiếc chuyên cơ IL-18 đã đợi sẵn. Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Trervonhenko, người đi tiễn Chủ tịch, đã giới thiệu tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi lên máy bay, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quần áo mặc ở nhà - chiếc áo sơ mi xám bỏ ngoài quần, quần vải phíp màu sáng, chân đi dép không tất. Cùng đi có thư ký riêng và bác sĩ.

Bác Hồ trò chuyện với Anh hùng Gherman Titov và các bạn Liên Xô.

Bác Hồ bắt tay, vỗ nhẹ vai tôi, hỏi thăm về công việc, gia đình, con cái. Bác nói chuyện với tôi thân tình như con cháu trong gia đình và mời tôi ăn hoa quả Việt Nam. Trong máy bay có mấy túi đựng hoa quả các loại trông đẹp mắt và cả hoa nữa.

- Cháu biết tiếng Trung Quốc? Bác hỏi tôi - Cháu học tiếng Trung Quốc ở đâu? Làm việc tại Bắc Kinh đã lâu chưa? Có gia đình, có con chưa? Các cháu bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi hồi hộp trả lời cụ thể các câu hỏi, đồng thời cũng khoe là đã có mặt ở Hà Nội trong chuyến thăm của nhà phi hành vũ trụ Titov. Tôi cũng kể tôi có mặt tại buổi chiêu đãi chào mừng Titov tại Phủ Chủ tịch.

- Cháu có thích thú khi ở Hà Nội không? Bác vui mừng hỏi - Cháu có biết tiếng Việt không?

- Không, cháu không biết ạ - Tôi trả lời - Chỉ dăm ba từ thôi. Nhưng nếu được ở Hà Nội, cháu sẽ học.

- Đến chỗ chúng tôi nhé - Chủ tịch mời, bắt tay tôi rồi đi vào khoang riêng để làm việc.

Ba giờ bay trôi qua nhanh. và chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Irkutxk. Các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô trước đó đã bay đến từ Mátxcơva cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Irkutxk nồng nhiệt tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi đi cùng với họ, Bác Hồ cảm ơn tôi, nồng hậu bắt tay và chúc tôi sức khỏe, thành công. Và một lần nữa Người lại mời tôi đến Hà Nội.

Sau này tôi không còn có dịp nào để gặp gỡ, gần gũi như vậy với con người huyền thoại ấy nữa. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ ánh mắt tinh anh, nụ cười hiền hậu và cái ấm áp khi bắt tay Người. Tôi chân thành vui mừng trước những thành tựu trong mọi lĩnh vực của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Và cũng như những người bạn Việt Nam mà tôi hằng yêu mến, tôi vẫn nhớ mãi, khâm phục và kính trọng vị Chủ tịch vĩ đại của mình.

Hoàng Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/967577/nho-mai-doi-mat-nguoi-am-ap