Nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh được công nhân Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) được trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tối 27/9, nhân lễ kỷ niệm 60 năm đồng khởi giải phóng xã Cẩm Thanh (1964-2024), đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã trao bằng chứng nhận DSVH phi vật thể cấp quốc gia "Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh" cho đại diện lãnh đạo xã Cẩm Thanh.

 Trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia "Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh". Ảnh: TQ

Trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia "Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh". Ảnh: TQ

Trước đó, ngày 21/2/2024, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 380 đưa “Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dịp này, lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng trao bằng công nhận đạt tiêu chí nghề truyền thống cho nghề tre dừa Cẩm Thanh.

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh xuất phát từ môi trường sinh sống tự nhiên của cư dân ven vùng cửa sông bao quanh rừng dừa, tre. Dựa vào nguồn vật liệu sẵn có, cư dân địa phương nơi đây đã sáng tạo đến việc gia công, lắp dựng nhà tre, dừa phù hợp với điều kiện, môi trường sống.

Ngoài việc sử dụng các giá trị Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể của nghề trong lao động sản xuất, gìn giữ và phát huy, DSVH phi vật thể của nghề làm nhà tre, dừa còn được trình diễn tại chỗ để phục vụ cho du khách tham quan, phục vụ trong các hoạt động lễ hội, xúc tiến du lịch, làng nghề truyền thống, triển lãm trưng bày các làng nghề lớn diễn ra tại địa phương và trong cả nước.

Góp phần thúc đẩy sự phát triển làng nghề, giới thiệu quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến đông đảo nhân dân, du khách trên cả nước.

 Một ngôi nhà làm từ dừa nước. Ảnh: TTXVN

Một ngôi nhà làm từ dừa nước. Ảnh: TTXVN

Phương thức làm nhà tre, dừa mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An mà không phải nơi nào cũng có được, từ kiểu dáng hình thức đến kỹ thuật xử lý nguyên liệu, kỹ thuật gia công, lắp dựng đều thể hiện sự sáng tạo, tính cần cù, ham học hỏi của những người thợ làm nghề.

Qua đó, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã Cẩm Thanh nói riêng và đô thị - thương cảng Hội An nói chung.

TP.Hội An hiện có 6 nghề được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: nghề khai thác yến sào Thanh Châu; nghề gốm Thanh Hà; nghề mộc Kim Bồng; nghề trồng rau Trà Quế; nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh; nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-lam-nha-tre-dua-cam-thanh-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post314389.html