Nhớ mãi thời khắc lái xe tải tiến vào Dinh Độc Lập
Cựu chiến binh Dương Quang Lựa (sinh năm 1953) hiện sinh sống ở tổ dân phố Đề Nắm, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế. Ông chính là người lái chiếc xe tải cùng phân đội xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử 30/4/1975. Ký ức không quên và niềm vui vỡ òa khi đất nước thống nhất được ông nhắc nhớ đầy xúc động.
Giữ bí mật đến phút chót
Tháng 4/1970, chưa đầy 17 tuổi, ông Lựa vào chiến trường, là chiến sĩ lái xe ở Đoàn 559. Năm 1973, ông thuộc quân số của Sư đoàn ô tô vận tải 571 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Đây là đơn vị cơ động dự bị chiến lược đầu tiên của quân đội ta có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và cơ động quân vào chiến trường miền Nam; làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Campuchia. Tháng 3/1975, khi đơn vị ông đang ở nước bạn Lào thì nhận được lệnh rút về tập kết tại tỉnh Quảng Trị từ vĩ tuyến 17 đến cao điểm 241. Ông cho biết: “Tôi ở trong đội hình gần 700 xe của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng bộ binh Quân đoàn 2. Chúng tôi vừa đi vừa đánh địch giải phóng các tỉnh ven biển duyên hải để áp sát Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập”.

Ông Dương Quang Lựa (ngoài cùng bên phải) và các cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang tham quan Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều 29/4, khi đã vào đến căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), ông Lựa lúc ấy đang là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 5 nhận được nhiệm vụ đặc biệt quan trọng chưa từng có trong tiền lệ của bộ đội. Tuy nhận nhiệm vụ nhưng ông không biết cụ thể là nhiệm vụ gì. Ngạc nhiên, ông hỏi người giao nhiệm vụ cho mình và người nhận dẫn đường rằng nhiệm vụ của tôi là thế nào thì được trả lời “tôi với anh đi theo chỉ dẫn của bản đồ tác chiến”. Vậy là ba người cứ đi theo chỉ dẫn.
Trước đó, ông Lựa có nhận được một mảnh giấy nhét vội trong túi áo. Dù vội vã nhưng ông vẫn kịp mở ra xem, mảnh giấy viết nguệch ngoạc có 3 gạch đầu dòng, đó là họ tên: Dương Quang Lựa; quê quán: Mỹ An - Lục Ngạn - Hà Bắc, nhập ngũ tháng 4-1970; phân hiệu đơn vị: TS1- C5-D964-E512-F571 - Đoàn 559. “Đọc xong nội dung trong mảnh giấy, tôi giật mình linh cảm có thể lần này nhận nhiệm vụ, sống chết không biết thế nào. Nếu điều xấu nhất xảy ra, mảnh giấy có thể là thứ duy nhất để đơn vị liên lạc với gia đình chăng?”- ông Lựa nhớ lại.
Thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975
Xem xong mảnh giấy, ba người nhìn nhau không ai nói với ai câu nào. Ông Lựa lẳng lặng đi theo hai đồng chí cán bộ. Đến vị trí tập kết của đơn vị xe tăng, ông cùng những đồng chí khác được phân công đi theo 5 xe tăng và một xe vận tải chở bộ đội đặc công. Các xe bám nhau đi được chừng 5 km thì dừng lại, mấy anh em được dẫn vào một khu hầm thuộc căn cứ Nước Trong. Lúc này trời đã sâm sẩm tối, ông Lựa nhận được lệnh lái chiếc xe vận tải chở 40 chiến sĩ đặc công bám theo xe tăng. Mũi thọc sâu này sẽ cố gắng áp sát mục tiêu Dinh Độc Lập càng nhanh càng tốt.
Xe không được bật đèn, sẽ có người dùng đèn pin làm hiệu đi hoặc dừng. Mũi tiến quân ra khỏi bìa rừng chừng vài trăm mét thì bất ngờ bị địch tập kích, bên phải, bên trái là những làn đạn xối xả. Ông dừng xe, anh em đặc công trên thùng đồng loạt nhảy xuống dàn đội hình chiến đấu. Khoảng 30 phút sau thì tiếng súng tạm thưa dần. Cả đoàn được lệnh tiếp tục hành quân.
Ra đến xa lộ thì trời đã rạng sáng, quân ta và địch tiếp tục chiến đấu, giành nhau từng mét đường. Tốp xe tăng mở đường của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đến cầu Sài Gòn, phân đội xe tăng và chiếc xe vận tải chở đặc công do ông lái luôn ở thế bốn phía là quân địch, nhiều thương vong xảy ra. Khi xe tiến được vào đầu cầu Sài Gòn có 20 đồng chí hy sinh, người bị thương la liệt. Con đường từ cầu Sài Gòn để tiến đến Dinh Độc Lập còn ác liệt hơn.
“Mũi tiến công của chúng tôi bị bao vây tứ phía. Anh em lợi dụng từng mô đất, ụ súng, từng vật cản, gỡ dây thép gai, nhảy sang dải phân cách để tránh đạn rồi chiến đấu. Lúc lái xe, lúc lại đánh địch, vớ được khẩu súng nào là dùng bắn địch khẩu súng đó, có lúc phải nán lại băng bó cho người bị thương…”, ông kể. Thế nhưng chiếc xe do ông lái vẫn luôn theo sát chiếc xe tăng thứ nhất.
Lúc ấy, chúng tôi cứ ôm nhau ngước nhìn lên lá cờ giải phóng. Người cười, người khóc, mồ hôi, máu, nước mắt hòa vào nhau.
Niềm vui chiến thắng vỡ òa khi xe tăng của Quân đoàn 2 lần lượt tiến qua cầu, hướng về Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt chính Dinh Độc Lập, xe tải do ông Lựa lái đi ngay sau đó. Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, ông Lựa bồi hồi: “Sau khi xe tôi vào trong, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới đỗ ngoài hàng rào bao vây xung quanh Dinh Độc Lập. Trong lúc đó, các đồng chí chỉ huy đang ở trên lầu làm việc với Tổng thống Dương Văn Minh để chuẩn bị đưa sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng”.
“Lúc ấy, chúng tôi cứ ôm nhau ngước nhìn lên lá cờ giải phóng. Người cười, người khóc, mồ hôi, máu, nước mắt hòa vào nhau. Rất tiếc là thời khắc lịch sử đó, máy quay và máy ảnh không chụp cận, không quay rõ chiếc xe vận tải của đơn vị chúng tôi. Sau chiến thắng, tất cả các cánh quân báo về Bộ Quốc phòng khẳng định trong mũi thọc sâu đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập có xe ô tô vận tải của Sư đoàn 571. Chiếc xe vận tải tôi lái là chiếc xe đầu tiên cùng đội hình xe tăng trong thời khắc chiếm Dinh Độc Lập. Chiếc xe này đã được phục dựng và trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần"- ông Lựa cho biết.
Vui sao nước mắt lại trào
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lựa là một trong số 40 cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang vinh dự được tham gia đoàn công tác của UBND tỉnh tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. Tròn nửa thế kỷ quay lại nơi này, bao kỷ niệm xúc động dâng trào trong ông. Đây Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất); đây cầu Sài Gòn; đây địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện... Và đây nữa, hàng cây ông từng mắc võng nằm thư giãn vào tối 30/4/1975 nay đã to lớn, sừng sững giữa vườn cây trong khuôn viên Dinh Thống Nhất như là một trong những minh chứng, biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.
Tại buổi gặp mặt, ông Lựa đã trao tặng một số kỷ vật gắn với ngày Chiến thắng 30/4. Đó là bức ảnh ông bên chiếc xe tải trong đội hình thọc sâu đầu tiên cùng phân đội xe tăng tiến vào dinh Độc Lập vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975; một số tờ báo xuất bản ngày 30/4 hằng năm. Trước đó ông đã tặng nhiều kỷ vật cho quân đội để trưng bày trong bảo tàng.
“Vinh dự và tự hào khi tôi được là một phần trong ngày trọng đại của cả dân tộc", ông Lựa tâm sự. Đi qua thời chiến, rồi chứng kiến đất nước đổi thay và phát triển từng ngày, ông cũng ngậm ngùi nhắc lại những đau thương khi nhiều đồng đội hy sinh. Chính ông là người đã từng băng bó cho nhiều người bị thương, rồi gật đầu nhận lời trăng trối cuối cùng của một người lính: “Giải phóng rồi, hãy về nói với mẹ tao là tao không về được nữa đâu” mà chưa thể thực hiện được.
Được biết, trước khi nhận nhiệm vụ lái xe đưa quân tiến vào Dinh Độc Lập, ông Lựa đã có hàng nghìn chuyến lái xe an toàn trên đường Trường Sơn, hàng trăm lần vượt trọng điểm, hàng chục lần dưới những trận bom của địch. Ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ lái xe ưu tú”, được kết nạp vào Đảng ngay tại chiến trường khi vừa tròn 21 tuổi. Sau giải phóng, cựu chiến binh Dương Quang Lựa công tác ở Quân khu 3 rồi về nghỉ tại quê nhà Yên Thế theo chế độ bệnh binh.