Sức sống mới trên đảo Trường Sa
Những ngày tháng Tư, Trường Sa đang là mùa khô, khí hậu khắc nghiệt, nắng cháy da người nhưng kỳ lạ trên đảo vẫn mướt một màu xanh, từ cảnh quan, cây trồng, đến vườn ươm, vườn rau trong khuôn viên của cán bộ, chiến sỹ. Sức sống mãnh liệt trên đảo giống như con người nơi đây, càng khó khăn, càng can trường, quả cảm, vì nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển trời Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa giao lưu trong một tiết mục giao lưu văn nghệ
Quân dân một lòng
Người đầu tiên chúng tôi gặp trên đảo Song Tử Tây là Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo. Khi biết Đoàn công tác số 10 trên tàu 571 chuẩn bị cập bến Song Tử Tây, anh Khương cùng lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo và nhiều người dân ra tận bến tàu để đón đoàn công tác. “Mỗi khi có chuyến tàu qua, quân và dân trên đảo đều rất vui, rất xúc động. Chỉ cần thấy bóng tàu ngoài khơi xa là anh em nô nức như được đón người thân của mình. “
Ra công tác tại đảo Song Tử Tây hơn 1 năm, Thượng tá Khương cho biết cuộc sống trên đảo hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều. Khí hậu trong lành, anh em tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi các con vật…Ngoài nhiệm vụ canh giữ đảo, cán bộ chiến sỹ cùng người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, phủ xanh đảo; giúp người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Không chỉ người dân sinh sống trên đảo, nhiều ngư dân gặp nạn khi ngang qua vùng biển này cũng được các cán bộ, chiến sỹ trên đảo tận tình giúp đỡ, cung cấp miễn phí nước ngọt, rau xanh, thuốc men…

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (phải) trong cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây.
Tiễn chúng tôi trong ráng chiều chạng vạng, khi những cơn gió biển bắt đầu dịu mát, chị Trần Thị Châu Úc, một hộ dân sống trên đảo vui vẻ cho biết, gia đình chị sinh sống ở đây đã được 2 năm. Ban đầu ra đảo, chị cũng có những bỡ ngỡ, đặc biệt là sự thích nghi của cháu nhỏ thứ 2 năm nay mới 3 tuổi, nhưng dần được sự giúp đỡ của các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, gia đình chị nhanh chóng ổn định cuộc sống. Các cháu nhỏ có trường lớp học hành đầy đủ, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật đã có các bác sỹ tận tình chăm sóc, cấp thuốc men. Chồng chị làm dân quân tự vệ, còn chị làm Phụ nữ xã. Chị cho biết, các hộ gia đình sinh sống trên đảo đều là cư dân của tỉnh Khánh Hòa, xung phong ra đảo với tinh thần tự nguyện. Ngoài sự giúp đỡ hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo, các chị còn được tham gia các hoạt động quan trọng như chào cờ, các hoạt động văn hóa, giao lưu, kết nghĩa. Chị Úc nói rằng, chị cũng như nhiều hộ dân khác ở đây, sinh sống trên đảo cũng là góp một phần nhỏ bé vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.

Cái nắng bỏng rát càng khiến những bông hoa khoe sắc

Vườn ươm cây của cán bộ, chiến sỹ
Còn ở đảo Sinh Tồn, niềm vui của Chỉ huy đảo, Thượng tá Phạm Sỹ Thoại không chỉ là quân dân đoàn kết một lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà với anh, được giúp đỡ những người dân trên hải trình đi biển cũng là niềm hạnh phúc. “Năm 2024 và quý 1 năm 2025 đảo đã hướng dẫn cho 181 lượt chiếc tàu cá với 2.008 ngư dân vào tránh trú bão an toàn, sửa chữa cho 20 tàu cá bị hư hỏng. Hỗ trợ bà con ngư dân 240 lá cờ tổ quốc/120 tàu cá, 201 áo phao/54 tàu cá, hỗ trợ 47.700 lít nước ngọt, 1.375 kg rau, củ quả các loại cho 111 lượt tàu cá của ngư dân khi vào đảo, đã tạo niềm tin, sự yêu mến của ngư dân. Chúng tôi cũng đang rất nỗ lực thực hiện chương trình HQVN làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Thượng tá Thoại cho biết.

Chuẩn Đô đốc Đỗ Quốc Ân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thăm, động viên quân và dân trên đảo Song Tử Tây
Đặc biệt theo Thượng tá Thoại, đảo đã thực hiện hiệu quả chương trình "Xanh hóa Trường Sa”. Hiện tại đảo đã phủ xanh toàn bộ khu vực mặt bằng của đảo; Đảo không những tự tổ chức ươm giống cây sẵn sàng trồng thay thế các cây gẫy, đồ do thời tiết giông bão mà còn ươm giống cây để chuyển sang các đảo khác trong khu vực (năm 2024 và quý 1 năm 2025 đảo đã tổ chức trồng mới 650 cây các loại và tự ươm chuyển được 2.300 cây giống sang các đảo khác).

Các em nhỏ vui tươi vẫy chào khi Đoàn công tác ghé thăm đảo
Trải nghiệm quý về tinh thần đồng đội
Tại các đảo chìm, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sỹ hải quân trẻ, sinh từ những năm 2002 đến 2005. Gương mặt non nớt nhưng rắn rỏi vì cái nắng, cái gió ngoài biển khơi. Một chiến sỹ dúi vào tay tôi bức thư viết vội, nhờ gửi cho người mẹ đang sinh sống ở Hà Nam với lời nhắn nhủ, cô hãy kể cho mẹ cháu nghe là cháu vẫn khỏe. Cuộc sống người lính trên đảo cho cháu những trải nghiệm vô cùng quý báu về tinh thần đồng đội, về sự đùm bọc, thương yêu và sẻ chia, về tình quân dân gắn bó keo sơn. Và “cháu sẽ trở về khi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên đảo” chiến sỹ trẻ cười tươi rói mà tôi thấy mắt mình rưng rưng.

Các chiến sỹ chăm sóc vườn rau cung cấp đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày
Trên hành trình công tác, ghé đảo Len Đao, chúng tôi gặp cán bộ Nguyễn Văn Nghiêm, quê gốc Thái Bình. Nghiêm ra Len Đao công tác vào tháng 8 năm ngoái, trước đó từng công tác tại Vùng 1 Hải quân đóng tại Quảng Ninh. Nghiêm cho rằng môi trường ở đảo giúp anh trưởng thành lên rất nhiều. Đã là lính hải quân trên đảo thì tất cả các công việc đều là nhiệm vụ. Từ việc ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, đến cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ người dân vươn khơi bám biển đến chuyện lo toan mỗi bữa ăn, giấc ngủ cho chiến sỹ…Chỉ vào vườn rau xanh tốt, Nghiêm cho biết, đất trồng rau được mang từ đất liền ra, tưới bằng nước lợ, nước mưa. Tháng 2 đến tháng 5 là mùa rau xanh tốt. Cuối năm mưa nhiều nước biển mặn đánh vào đảo thì rau hay bị thối gốc, do đó việc trồng rau phải đưa lên cao hơn để tránh nước biển. Bây giờ rau xanh không còn là vấn đề khó khăn trên đảo, anh em hoàn toàn tự trồng, cung cấp đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày.

Người dân trên đảo được sống ở những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi
Kết
Đến Trường Sa hôm nay, mọi người đều cảm nhận sự “thay da đổi thịt”. Với tinh thần "cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", Đảng, Nhà nước đã dành những quan tâm rất lớn đến Trường Sa. Các công trình quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.. ở Trường Sa đã và đang từng bước hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên quần đảo đổi thay rõ rệt. Trường Sa đã có nguồn năng lượng sạch, được phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại, Trường Sa hôm nay đã gần hơn với đất liền.

Những ngày tháng 4, nhiều đoàn công tác từ đất liền đến với Trường Sa thân yêu
Suốt hải trình chúng tôi có dịp ngang qua, từ Song Tử Tây, Sinh Tồn đến Cô Lin, Đá Thị, Len Đao, Trường Sa lớn…đều khoác lên mình diện mạo mới. Nhất là trong những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và các ngày lễ lớn của đất nước. Khắp nơi trên quần đảo Trường Sa đều phủ thắm sắc đỏ của Cờ Tổ quốc, là không khí hân hoan, tươi vui, phấn khởi của quân và dân trên đảo, là niềm vinh dự, tự hào hiển hiện trên gương mặt của những đại biểu trên các chuyến tàu khi được từ đất liền ra đảo. Họ hiểu rằng, ở nơi muôn trùng sóng gió, đang có những con người dành một phần thanh xuân của mình để giữ gìn vững chắc thành đồng Tổ quốc trên biển.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Quốc Ân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân sau chuyến thăm, làm việc, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo cho biết, cuộc sống vật chất tinh thần của các cán bộ chiến sỹ và người dân trên quần đảo Trường Sa đã được đảm bảo hơn trước rất nhiều. Cán bộ, chiến sỹ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi tổ chức điều động, phân công. Và công tác ở đảo được mỗi cán bộ, chiến sỹ xác định là nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.
Cũng theo Chuẩn đô đốc, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách hậu phương quân đội tốt, lo toan, quan tâm đến gia đình, người thân của cán bộ, chiến sỹ trong đất liền do đó anh em công tác ở đảo xa cũng nhận thức rõ về vai trò vị trí của mình, yên tâm cống hiến.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/suc-song-moi-tren-dao-truong-sa-post546896.html