Nhớ mãi trận đánh điểm cao 1433 Loong Chẹng

Đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám, nguyên chiến sĩ Đại đội đặc công 24, Trung đoàn 866 vẫn nhớ như in những ngày tham gia Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp cách mạng Lào. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông có 7 năm chiến đấu ở chiến trường Lào, tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác nhau, nhưng ký ức để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ông vẫn là trận tập kích điểm cao 1433 Loong Chẹng.

Tri ân những người lính Việt Nam, Bộ Quốc phòng Lào đã tổ chức gặp mặt các cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào. Trong ảnh: Ông Phạm Minh Giám (bên phải) chụp ảnh chung với Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tri ân những người lính Việt Nam, Bộ Quốc phòng Lào đã tổ chức gặp mặt các cựu Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào. Trong ảnh: Ông Phạm Minh Giám (bên phải) chụp ảnh chung với Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chúng tôi gặp Anh hùng Phạm Minh Giám trong một ngày trời thu se lạnh. Năm nay 75 tuổi, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, minh mẫn. Giọng sang sảng, ông kể: “Tôi nhập ngũ năm 1969. Sau thời gian được huấn luyện đặc công, tháng 4/1971, tôi cùng đơn vị hành quân sang chiến trường Lào để góp sức làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thời gian ở chiến trường, tôi bị thương 3 lần, dính 100 mảnh đạn trong người”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông tiếp tục với những trận đánh trong “Chiến dịch Z" (Chiến dịch phản công thu hồi vùng giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Lào) cuối năm 1971. Khi chiến dịch chuẩn bị mở màn, Trung đoàn 866 nhận nhiệm vụ luồn sâu, đánh vào căn cứ đầu não quân phỉ Vàng Pao, Sở chỉ huy Quân khu 2 của địch ở Loong Chẹng. Các điểm cao có thể khống chế Loong Chẹng đa phần là núi đá tai mèo, vách thành dựng đứng, rừng rậm, khe sâu, vô cùng hiểm trở... đều do lực lượng đặc biệt Vàng Pao chốt giữ, tạo thành cụm cứ điểm liên hoàn, dễ thủ, khó công. Trong đó, điểm cao 1433 là cứ điểm rất quan trọng. Đây vừa là đài canh không lưu (chỉ huy cất, hạ cánh), vừa là đài quan sát, chỉ điểm máy bay đánh các mục tiêu phụ cận khi có chiến sự. Chốt giữ mỏm núi đá cheo leo, diện tích chỉ nhỉnh hơn mặt sân bóng chuyền này là một đại đội thiện chiến, quen đánh rừng núi, thông thuộc địa hình, có thêm trinh sát tuần không - trực thăng hỗ trợ, tiếp tế vũ khí, lương thực.

Ông Giám nhớ lại: “Tháng 10/1971, chúng tôi bí mật xuất kích và luồn rừng hơn 1 tháng mới đến được gần mục tiêu. Một số phân đội thuộc Tiểu đoàn 924, Trung đoàn bộ binh 866 cũng bám sát, tiếp cận các mục tiêu khác trong khu vực. Đại đội đặc công 24 chúng tôi là mũi luồn sâu nhất. Nhiệm vụ giao cho Đại đội đặc công 24 là đánh dứt điểm rồi chốt giữ "quyết tử", không có chi viện, không rút lui. Trước nhiệm vụ hết sức nặng nề này, Đại đội đặc công 24 đã phải nghiên cứu rất kỹ cách bố trí, quy luật hoạt động của địch, dựng sa bàn để tìm cách đánh địch".

Mất khoảng 1 tháng, đại đội của ông Giám mới hoàn thành công tác trinh sát điểm cao 1433. Ông Giám kể: “Mục tiêu này rất khó tiếp cận. Luồn vào được tới mục tiêu đã khó, đi ra lại càng khó hơn. Ở đó, vách đá dựng đứng có chỗ tới 87 độ. Lối lên duy nhất là một đường mòn nhỏ, phải leo 6 đoạn cầu thang bằng cây rừng gác lên vách đá mới tới trạm gác tiền tiêu của địch. Dưới chân cầu thang, địch gài lựu đạn bẫy, mìn Clây-mo, mìn sáng dày đặc phòng quân ta tiếp cận. Chúng tôi trinh sát trong nhiều ngày và phát hiện ra quy luật hoạt động của địch là ban ngày, chúng cảnh giới đầu cầu thang trên cùng. Đến đêm, cứ 10 - 15 phút, địch lại ném một quả lựu đạn xuống vùng chân thang”.

Sau khi tính toán kỹ lưỡng, chỉ huy Đại đội đặc công 24 giao trọng trách tập kích đánh chiếm cao điểm 1433 cho mũi đặc công 6 người chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 người do chiến sĩ Hoàng Văn Đá chỉ huy. “Tôi và đồng chí Nhiệm, Đức ở tổ 2. Đồng chí Đá, Chiến và Nông ở tổ 1. Mỗi người chúng tôi được trang bị 16 thủ pháo, 4 lựu đạn, AK báng gấp, 3 băng đạn (quấn vải, tránh gây tiếng động), chân trần. Chiều tối mồng 8/1/1972, chúng tôi luồn rừng tiếp cận điểm cao 1433. Vào lúc 18 giờ, chúng tôi gặp đường mòn, đến 23 giờ, chúng tôi đặt chân tới yên ngựa, tạm dừng” – ông Giám nhớ lại.

Mũi trưởng Đá quyết định để chiến sĩ Nông lại ở vòng ngoài, do chiến sĩ này bị ho nhiều. 5 chiến sĩ còn lại được lệnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ông Giám vẫn còn nhớ như in: “Khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi tiến sát chân cầu thang thứ nhất, phát hiện dây dẫn Clây-mo, mìn sáng, anh em đã tháo gỡ... Khi quả lựu đạn cầm canh của địch vừa nổ, đồng chí Đá bật người leo lên trước, tôi và các đồng chí Chiến, Nhiệm, Đức bám sát ngay bên dưới. Đồng chí Đá leo lên hết cầu thang trên cùng, lao người tấp ngay vào gờ đá bên phải, tôi cũng vọt theo nấp sau gờ đá bên trái. Phía sau, đồng chí Chiến còn vài bậc thang nữa... Bất ngờ, ai đó phía dưới gây ra tiếng động. Một thằng địch nhỏm người nhìn xuống. Đồng chí Chiến nghiêng người bắn một điểm xạ, tên địch lộn nhào xuống vách đá...”.

Phát súng nổ vang trong đêm đã làm cả căn cứ địch tỉnh giấc. Chúng bắn xối xả vào hướng cầu thang. Chiến sĩ Nhiệm, đồng chí Đức không lên được. “Trên điểm cao 1433, chỉ còn tôi và đồng chí Chiến, đồng chí Đá chiến đấu. Chớp lửa mìn Clây-mo, mìn sáng, lựu đạn địch nổ vang rền, đạn từ các loại súng bắn ra chằng chịt... Những cứ điểm xung quanh cũng cuống cuồng bắn pháo sáng, ném lựu đạn. Hai đồng chí Đá và Chiến đánh thủ pháo vào các hầm bên phải, tôi lao thẳng vào khu trung tâm, vừa chạy vừa quăng thủ pháo xuống các công sự địch trên đường. Để nghi binh, vừa vận động, tôi vừa hô xung phong, hò hét vòng trái, vòng phải...” - ông Giám nhớ lại.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám kể lại kỷ niệm chiến đấu tại điểm cao 1433 với tác giả. Ảnh: Viết Hà

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám kể lại kỷ niệm chiến đấu tại điểm cao 1433 với tác giả. Ảnh: Viết Hà

Đánh hết mục tiêu, ông Giám vòng lại xem anh em thì thấy 2 đồng chí Đá và Chiến đều đã hy sinh... Vẫn thấy bóng địch chạy ở các công sự phía dưới, cả tiếng đạn rít chíu chíu trên đầu, ông Giám ném những quả thủ pháo còn lại là lựu đạn M67 của địch ném vào chỗ có tiếng động. Ông Giám vẫn còn nhớ: “Khi cảm thấy an toàn, tôi tới hầm chỉ huy địch kiểm tra thấy im ắng. Lúc này, tôi mới thấy có máu chảy trên mặt, lành lạnh ở cổ và vai, tôi tự băng bó vết thương, máu bớt chảy. Tôi trở lại chỗ hai liệt sĩ, lúc này đã hơn 1 giờ sáng, trận địa yên tĩnh một cách kỳ lạ”.

Theo hiệp đồng, ông Giám dùng AK bắn báo hiệu, điểm xạ 3 phát một. Chờ đến 5 giờ sáng không thấy đơn vị lên hỗ trợ (sau này, ông Giám được biết là mình bắn sai ám hiệu đã quy ước), ông Giám liền cầm theo mấy tút thuốc lá chữ A, đèn pin, lương khô..., khoác thêm khẩu M-16 (những chiến lợi phẩm này chứng minh nhiệm vụ đã hoàn thành) lần mò tụt xuống dưới để báo tin cho đồng đội lên đưa 2 liệt sĩ về chôn cất. May mắn là các đồng đội của ông vẫn đang chờ đợi trong lo âu. “Các anh Vân, Chân, Thảo ngỡ ngàng không tin vào mắt mình khi thấy tôi” - ông Giám kể.

Với những thành tích trong trận đánh cao điểm 1433, ông Phạm Minh Giám được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú. Năm 1972, ông vinh dự được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Với những thành tích tiêu biểu trong chiến đấu những năm tiếp theo, ông Giám đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II (1973), Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba... Năm 2018, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-mai-tran-danh-diem-cao-1433-loong-cheng-post483275.html