Nhớ miếng bánh Trung thu thời nghèo khó
Trung thu bây giờ khiến nhiều người phải 'nặng nợ' với nỗi lo tặng bánh gì cho người này, mua trà nào cho người kia. Tôi thật sự không muốn bận tâm đến những suy nghĩ đó, chỉ muốn Trung thu thật sự là tết đoàn viên cho những đứa con xa nhà, là ngày vui nhất của những đứa trẻ.
Càng trưởng thành, Trung thu với tôi càng nhạt nhẽo. Khác với những ngày bình thường khác, tôi tất bật đặt bánh tặng người thân, tặng cho những mối quan hệ tôi cho là quan trọng. Nó không còn đúng với cái tên “tết thiếu nhi” mà mọi người vẫn thường gọi. Mới chỉ cách đây cỡ chục năm, thời tôi còn đi học, Trung thu vẫn là điều gì đó rất đặc biệt, nó khiến tôi chỉ muốn bắt xe lao ngay về nhà, nơi ánh trăng soi xuống mặt biển lăn tăn gợn sóng, nơi mà những đứa lớn như tôi tụ tập trên triền đê ngồi nói chuyện đến khuya. Hơn thế nữa, nơi đó có bố mẹ và các em tôi chờ. Trung thu không chỉ dành cho trẻ nhỏ, nó còn là ngày tết đoàn viên.
Giờ Trung thu, tôi chẳng thiết tha về quê nữa, chẳng còn suy nghĩ mua dăm ba cái bánh, hộp quà cho các em, các cháu và bố mẹ. Bởi, các em giờ đã lớn, mấy đứa cháu đứa nào cũng được bố mẹ chăm lo đủ đầy, bánh Trung thu tụi nó chê ngán mà chẳng thèm ăn.
Với những người thuộc thế hệ 8X và 9X đời đầu như chúng tôi, bánh Trung thu không hề là một món quà vặt muốn ăn lúc nào cũng có. Đó là món quà đặc biệt chỉ được trao tay vào mỗi kỳ trăng rằm tháng tám. Ngày ấy, bánh Trung thu chỉ có giá 500 đồng/cái, không nhãn hiệu cầu kỳ, không vỏ hộp màu sắc sặc sỡ. Nó được đóng trong bịch, mỗi bịch gồm 5 chiếc. Bánh được làm bằng bột gạo, bột mì hoặc bột sắn. Nhân bánh được chế biến từ hỗn hợp thịt mỡ, lạc... lác đác vài sợi lá chanh cắt nhỏ. Và nói không ngoa, vào thời điểm đó, đứa trẻ nào có được một góc bánh hình tam giác thôi cũng đã bâng lâng như đang sở hữu một vật báu trên tay. Bởi đâu phải nhà đứa nào cũng có bánh ăn, có khi cả xóm mới được vài nhà khá giả mua bánh Trung thu về thắp hương.
Bánh thì nhỏ mà bọn trẻ lại đông, thành thử mỗi lần ăn bánh, chia bánh cũng lắm trò. Bánh cắt 6, cắt 8, cắt 10 nhỏ xíu như đầu ngón tay. Đứa nào háu ăn thì bỏ tọt vào miệng một miếng là xong, rồi lại ngửa tay đi xin bạn “cho mình một miếng, chỉ một miếng nhỏ thôi”. Đứa tốt bụng thì bẻ đôi mẩu bánh đến nát vụn để ăn cùng bạn, đứa khôn hơn cho luôn bánh vào miệng liếm một vòng rồi lấy ra trêu ngươi.
Ngày gian khó, chị em chúng tôi toàn ăn ké bánh chứ ít khi được mẹ mua bánh cho ăn vào Trung thu. Mẹ toàn đợi qua rằm mới mua cho rẻ. Có khi, mẹ mua phải bịch bánh hỏng. Bánh để lâu, lại không được bảo quản tốt nên khi bóc ra có cái bánh đã mốc thiu, vậy mà lúc đó chúng tôi chẳng bỏ sót tí vụn bánh nào.
Ngồi kể lại chuyện xưa cho con trẻ nghe, chuyện thật mà chúng cứ ngỡ mình bịa. Tụi trẻ đâu biết rằng với những đứa trẻ lớn lên từ thời quê hương còn bộn bề nghèo khó như chúng tôi, thì những câu chuyện xoay quanh chiếc bánh ruộm vàng ngày thơ bé ấy chính là “của để dành” để khoe với các con mình nghe mỗi dịp Thu về.