Nhớ một tượng đài của văn học cách mạng
Số phận đặt lên vai nhà văn Anh Đức, cũng như nhiều nhà văn cùng thế hệ một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng: vừa cầm bút vừa cầm súng. Trong môi trường khó khăn và đầy hiểm nguy ấy, họ đã sống, chiến đấu, viết và đã để lại những tác phẩm làm lay động, sống mãi trong lòng người đọc.
1. Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Nhà văn Anh Đức - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm nhà văn Anh Đức (2014-2024) đi xa. Dẫu đã 10 năm, nhưng trong lòng của đồng nghiệp, của những người cầm bút thế hệ sau, khi nhắc về Anh Đức vẫn tràn đầy sự thương yêu, nhiều kỷ niệm vẫn còn được nhắc nhớ như vừa mới hôm qua.
Sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tài năng văn chương của nhà văn Anh Đức được hé lộ từ sớm. Năm 17 tuổi, ông ra mắt tập truyện ngắn đầu tay có tên là Biển động, đoạt ngay Giải thưởng văn học Cửu Long năm 1952. Ở những năm tháng đôi mươi, khi tập kết ra Bắc vào năm 1954, tài năng của ông tiếp tục được chín muồi với những Lão anh hùng dưới hầm bí mật (truyện ký, 1956), Một chuyện chép ở bệnh viện (tiểu thuyết, 1958), Biển xa (tập truyện ngắn, 1960).
Năm 1962, nhà văn Anh Đức trở lại chiến trường miền Nam ngay trong đợt đầu tiên của văn nghệ sĩ. Thay vì dùng tên khai sinh Bùi Đức Ái, ông bắt đầu sử dụng bút danh Anh Đức để ghi danh cho những tác phẩm sau này như Bức thư Cà Mau (tập truyện, bút ký, 1965), Hòn Đất (tiểu thuyết, 1966), Giấc mơ ông lão vườn chim (tập truyện ngắn, 1970), Đứa con của đất (tiểu thuyết, 1976), Miền sóng vỗ (tập truyện ngắn, 1985)…
Có một điều thú vị là 2 tiểu thuyết được nhà văn Anh Đức sáng tác ở 2 giai đoạn khác nhau nhưng đều gây được tiếng vang, cùng được chuyển thể thành phim. Tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện được ông sáng tác vào năm 1957 lúc còn ở Hà Nội, sau này được chuyển thể thành phim Chị Tư Hậu. Còn tiểu thuyết Hòn Đất được ông sáng tác lúc quay vào miền Nam, là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh tiêu biểu thời bấy giờ, được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
PGS-TS Võ Văn Nhơn cho rằng, nhà văn Anh Đức là một nhà văn rất tiêu biểu của văn học cách mạng, có thể nói ông là tượng đài của văn học cách mạng. “Văn chương của ông rất tiêu biểu cho một đặc điểm quan trọng của văn học cách mạng, được viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đặc biệt, nhà văn Anh Đức viết rất hay về những người phụ nữ miền Nam. Đây là những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho truyền thống anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của miền Nam như chị Tư Hậu trong tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, chị Sứ trong Hòn Đất, Huế trong truyện Khói…”, PGS-TS Võ Văn Nhơn nhận định.
2. Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhắc nhiều đến một tác phẩm phái sinh từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức và đã có chỗ đứng rất đặc biệt trong đời sống nghệ thuật nước nhà. Đó là vở opera Hai người mẹ của cố nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên, chuyển thể từ tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Và cách nay đúng 16 năm, ngày 22-12-2008, vở đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát Quân đội nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hai người mẹ là lần đầu tiên hình tượng chị Sứ được đưa lên sân khấu nghệ thuật đỉnh cao với thể loại nhạc kịch opera. Thông qua vở diễn, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vừa dũng cảm nhưng vẫn đầy nhân ái, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Để hiểu hơn về câu chuyện của chị Sứ cùng đồng đội, nhạc sĩ An Thuyên đã nhiều lần về với Kiên Giang, nơi chị Sứ đã sống, chiến đấu và hy sinh. Nhạc sĩ cũng đã đến chiến trường năm đó, đến các địa danh Núi Hòn, Hang Hòn, nơi những người du kích năm xưa từng chiến đấu, để sống lại những cảm xúc hào hùng của cuộc chiến tranh đã đi qua mảnh đất này.
Khi phần âm nhạc hoàn thành, việc tìm nghệ sĩ biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Hai người mẹ là một vở opera, thể loại âm nhạc được xếp vào dạng khó biểu diễn bậc nhất. Trong khi đó, ở các đoàn nghệ thuật quân khu hay địa phương, rất khó tìm được những nghệ sĩ có đủ trình độ thanh nhạc để hát đúng chuẩn opera suốt 90 phút trên sân khấu.
Bất ngờ sao, nhạc sĩ An Thuyên đã phát hiện ở Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 có một số nghệ sĩ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thể loại nhạc kịch opera, nhất là việc phải đủ trình độ thanh nhạc hát cổ điển trọn vẹn 90 phút. Thành công của vở nhạc kịch Hai người mẹ vì thế cũng trở thành bước đi tiên phong, đột phá của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 khi đến với một loại hình nghệ thuật biểu diễn mới, có tầm cao lớn về tư duy và hình thức thể hiện.
Còn với nhạc sĩ An Thuyên, tiếp sau nhạc kịch Đất nước đứng lên, vở opera Hai người mẹ đã trở thành một dấu ấn mới trên con đường đưa nghệ thuật bác học đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, với các chiến sĩ trên cả nước.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nho-mot-tuong-dai-cua-van-hoc-cach-mang-post774167.html