Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc ở vùng đất Nam Tây Nguyên

Với quan điểm xuyên suốt 'Văn hóa là hồn cốt của dân tộc và văn hóa còn thì dân tộc còn', những năm gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

 Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, thế hệ trẻ đã yêu thích và thực hành những điệu múa truyền thống

Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, thế hệ trẻ đã yêu thích và thực hành những điệu múa truyền thống

Ở vùng đất phía Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, với nhiều phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của 47 dân tộc anh em. Trong đó, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với mục tiêu tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng được xem là một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc. Năm 2024, Ngày hội được tổ chức tại huyện Bảo Lâm, nhân dịp kỷ niệm 30 thành lập huyện vùng xa phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là lần thứ VII, Ngày hội được tổ chức với nhiều nét mới, khẳng định sự đa dạng và đặc sắc của giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.

Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng góp phần kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc

Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng góp phần kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết, riêng tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII hút trên 300 nghệ nhân đến huyện Bảo Lâm. Các loại hình diễn xướng, hội thi ẩm thực, trình diễn trang phục... được các đoàn nghệ nhân đầu tư kỹ lưỡng từ trước. Người dân địa phương cũng như du khách cũng đã được tham gia các hoạt động của Ngày hội như: Tham quan các gian trưng bày và thưởng thức ẩm thực; chơi trò chơi dân gian; diễn tấu cồng chiêng; trình diễn trang phục…

Một trong những nét mới trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng dân tộc thiểu số lần thứ VII là có sự tham gia của các vận động viên người Tày và người Nùng, bên cạnh các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên. Điều này cho thấy tinh thần cố kết cộng đồng đã được mở rộng, tạo thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Hay như trong phần trình diễn của đoàn nghệ nhân huyện Lạc Dương, nữ nghệ nhân Ka Hem đảm nhận vai trò lĩnh trống giữ nhịp cho phần thi diễn tấu cồng chiêng và múa xoang. Điều này đã thu hút hầu hết những người có mặt tại Ngày hội bởi trước đây, chỉ có nam giới mới được cầm trống giữ nhịp trong các đám rước, diễn xướng…

Cũng theo thống kê, trong những năm qua, ngành VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, địa phương các cấp mở hơn 100 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho gần 3.000 thanh thiếu niên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh. Sở VH-TT&DL đã hỗ trợ cồng chiêng cho 113 đội, trang phục truyền thống cho 186 đội; hỗ trợ 72 trang thiết bị cho mỗi nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện cơ bản để các buôn, làng, của các địa phương và nhân dân duy trì tốt sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần lưu giữ và phát huy không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Trình diễn nhạc cụ dân tộc

Trình diễn nhạc cụ dân tộc

"Thế hệ tương lai, con cháu chúng ta đang lớn lên trong cuộc sống hiện đại hơn, đầy đủ hơn cả về cái ăn lẫn cái mặc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thay đổi đó là điều đáng phấn khởi. Nhưng điều làm nên sự khác biệt và đáng tự hào của buôn làng chúng ta hôm nay, không chỉ có những của cải, vật chất mà quan trọng hơn cả là giữ cho được bản sắc văn hóa. Đó là những nét riêng biệt của từng tộc người, từng buôn làng mà di sản văn hóa cồng chiêng là một đại diện tiêu biểu nhất", ông Trần Thanh Hoài nhấn mạnh.

Có thể thấy, văn hóa cồng chiêng đã và đang được các thế hệ người Mạ, K’Ho, Churu và người M’Nông ở Lâm Đồng lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ một mà ở hầu hết các địa phương đều có thế hệ trẻ đang ngày đêm học đánh từng điệu chiêng, thổi từng nhịp sáo, duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống… và hiện diện một cách khỏe khoắn, trẻ trung như những biểu tượng vừa phóng khoáng, vừa hoang dã của những buôn làng giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Theo ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, thông qua những lần tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, từng địa phương đã tập trung lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là dịp để ngành VH-TT&DL tổng kết đánh giá công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Ngày hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cũng như tăng cường mối đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị các loại hình văn hóa dân gian, thể thao dân gian và văn hóa của cồng chiêng được tốt hơn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ket-noi-va-lan-toa-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-o-vung-dat-nam-tay-nguyen-2024122111301214.htm