Nhớ mùa thu năm ấy…

79 năm qua, mỗi khi thu về, lòng mỗi người dân đất Việt nói chung và người dân Thủ Dầu Một - Bình Dương nói riêng lại bồi hồi nhớ về mùa thu lịch sử Tháng Tám năm 1945. Không chỉ trong nắng Ba Đình, tại Phú Cường, rừng cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng Thanh niên Tiền phong lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ. Nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một đã cùng cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Nhà Việc Phú Cường, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một ngày 25-8-1945 trở thành chứng tích lịch sử, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thời khắc lịch sử

Ngày 25-8-1945 đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương khi hơn 5 vạn quần chúng nhân dân rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền; xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông... Thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương nói riêng là thắng lợi của ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; là thắng lợi của tinh thần đại đoàn kết, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

Không khí những ngày chuẩn bị khởi nghĩa được lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương ghi lại: “Ở Thủ Dầu Một, đến ngày 23-8-1945, khí thế làm chủ của lực lượng Việt minh đang lên cao ở các quận lỵ và tỉnh lỵ. Trên các đường chợ, phố chỉ có các đội tự vệ bán vũ trang làm nhiệm vụ duy trì trật tự, không còn bọn cảnh sát ngụy. Hội Cứu quốc vận động đồng bào may sắm cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn, viết khẩu hiệu và sẵn sàng khởi nghĩa”.

Chợ Bưng Cầu, làng Tương Bình Hiệp (nay thuộc phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) chính là nơi mà đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng, do đồng chí Văn Công Khai chủ trì. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về tổng khởi nghĩa ở Nam kỳ, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày 25-8-1945. Hội nghị kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.

Sau hội nghị, lệnh khởi nghĩa được ban hành khắp các địa phương trong tỉnh. Lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho sự kiện trọng đại này của nhân dân trong tỉnh vào sáng 25-8-1945. Các đơn vị vũ trang tự vệ của Phú Cường, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí canh giữ các vị trí quan trọng, sẵn sàng ngăn không cho địch phá hoại. Khắp nơi trong tỉnh, lực lượng cách mạng tiến vào bao vây “đồn cò” (đồn cảnh sát), tước vũ khí của những binh lính, sĩ quan Nhật. Một số người Việt làm việc cho quân Nhật trong đồn đã lấy vũ khí của binh lính Nhật giao cho cách mạng.

Đến chiều ngày 24-8, một tổ tự vệ đến cắm cờ trên dinh Chánh Tham biện, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đến Nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh đi về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa giành chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho giờ hành động đã định...

Ông Nguyễn Văn Lợi (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm hỏi ông Trần Xuân Minh, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Trước sức mạnh của nhân dân và lực lượng cách mạng, lính Nhật đóng trong các đồn bót, cũng như tay sai đều án binh bất động. Trên thực tế, từ ngày 23-8-1945, tay sai của Nhật đã bị tan rã, vô hiệu hóa. Nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã giành chính quyền mà không phải đổ máu.

Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân

Cùng với cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một đã thắng lợi hoàn toàn, làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng nước ta. Đây là thắng lợi của cả một quá trình trui rèn ý chí cách mạng, kiên cường, hy sinh của các tổ chức, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một; thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công - nông dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng.

Theo ông Trần Xuân Minh, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, thành công của Cách mạng Tháng Tám bên cạnh thời cơ, còn có vai trò lãnh đạo mang tính quyết định của Đảng, quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Cuộc cách mạng hợp lòng dân. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại… Trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, phong trào cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một ngày càng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành, được tôi luyện, chứng tỏ được năng lực, bản lĩnh chính trị; đồng thời quần chúng nhân dân trong tỉnh được giáo dục, khơi dậy sức mạnh, được thử thách và rèn luyện.

Ông Mai Thanh Chí, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nói: “Có được thành tựu vẻ vang đó là do Đảng ta đã dựa vào lực lượng công nhân, nông dân thông qua các tổ chức công khai hợp pháp, lấy thanh niên làm nòng cốt và đặc biệt là khơi dậy được lòng yêu nước của quần chúng nhân dân…”.

Cùng chung niềm vui kỷ niệm ngày độc lập, ông Trần Xuân Minh, tự hào nói: “Bao năm lầm than, khổ đau nên sau khi nghe đọc diễn văn thắng lợi thì không có niềm vui sướng nào bằng. Càng vui sướng hơn khi hàng vạn đồng bào, có cả người Kinh, Hoa kiều, dân tộc thiểu số cùng chung một tấm lòng, một niềm vui mừng ngày đất nước độc lập…”.

Phát huy tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, với niềm tin son sắt và tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng và phát huy truyền thống hào hùng, bất khuất, năng động, sáng tạo của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu mới cao hơn. Hôm nay, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế -xã hội, Bình Dương đã trở thành tỉnh phát triển với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên phạm vi cả nước, tạo nên nhiều dấu ấn “riêng có nhưng rất đậm nét” trong quá trình xây dựng và phát triển…

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nho-mua-thu-nam-ay--a329423.html