Ngôi chùa trong đời sống văn hóa đồng bào Khmer

Người Khmer có nền văn hóa phong phú. Về tín ngưỡng, bà con chủ yếu theo Phật giáo Nam tông. Vì thế, ở đâu có đông đồng bào Khmer sinh sống thì ở đó có chùa để bà con thuận tiện hành lễ. Ngoài là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, chùa Khmer còn là địa điểm giao lưu, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Bà con Khmer với dân số hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng… đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm. Nhưng người Khmer vẫn giữ được bản sắc đặc trưng, độc đáo của dân tộc mình.

Về tín ngưỡng tôn giáo, bà con Khmer chủ yếu theo Phật giáo Nam tông, nên “Ngôi chùa” là nơi bà con gắn bó cả cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời.

Theo À char Thạch Lê, Trưởng Ban Quản trị chùa Khươne, phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, với người Khmer, chùa là nơi thiêng liêng, nơi thờ Phật, nơi gửi gắm niềm tin qua những việc làm hiện tại và ước mong, hy vọng ở tương lai.

Bà con Khmer rất tôn thờ Đức Phật, kính trọng sư sãi. À char Thạch Lê cho biết: "Người Khmer dù ở lứa tuổi nào cũng đều đi chùa. Ví dụ lúc mới sinh ra, đám đầy tháng, đám thôi nôi, bà con đem thức ăn vào chùa dâng lên cho sư nhằm cầu cho đứa trẻ khỏe mạnh, phước lành. Khi lớn lên thì nam thanh niên vào chùa tu học. Hay khi trưởng thành, kết hôn, gia đình mời các vị sư đến tụng kinh chúc phúc, mong cho đôi uyên ương có hạnh phúc viên mãn. Còn đến khi mất đi cũng được các vị sư sãi tụng kinh cầu cho siêu thoát, lên thiên đàng… Nói chung, với bà con Khmer, khi nhà có hiếu, hỷ đều đi chùa cúng Phật, làm cơm dâng lên cho các vị sư nhằm cầu mong gia đình bình an, hạnh phúc”

Ngoài là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của người Khmer, chùa còn là trung tâm văn hóa của cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội của phum, sóc.

Đông đảo bà con, phật tử dự khánh thành Chánh điện chùa Kinh Xáng, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tháng 3 năm 2024.

Đông đảo bà con, phật tử dự khánh thành Chánh điện chùa Kinh Xáng, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tháng 3 năm 2024.

Theo bà Thạch Thị Hiên, ở ấp Nhì, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, người Khmer có nhiều lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Sen Dolta, Ooc Om Boc, lễ nhập hạ, lễ dâng y v.v… Tất cả các lễ hội này đều diễn ra ở chùa. Qua đó, bà con có cơ hội giao lưu, sinh hoạt tập thể, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau qua nhiều lĩnh vực. Bà Thạch Thị Hiên chia sẻ: "Các dịp lễ hội, bà con đi chùa lễ Phật, cúng dường cho chư tăng để tích phước. Còn là dịp gặp gỡ người quen, giao lưu với bạn mới, từ trao đổi về Phật pháp, kinh kệ tới việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái hay làm ăn kinh tế v.v… Những dịp sinh hoạt cộng đồng như thế thực sự bổ ích về nhiều mặt. Qua đó, bà con cũng đoàn kết, gắn bó hơn”

Ông Thạch Da, À char chùa SôVanhNihKroth Chrêy Phê, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho rằng, chùa Khmer cũng như là bảo tàng lưu giữ tất cả những giá trị vật chất, tinh thần của người Khmer. Hơn thế nữa, chùa cũng như một trường học, là nơi giáo dục đạo đức, cách sống, vừa dạy chữ cho con em, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

"Chùa Khmer là nơi giữ gìn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như việc nhiều chùa trưng bày những dụng cụ sinh hoạt thường nhật, hay tái hiện những làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer, tổ chức dạy chơi dàn nhạc ngũ âm – một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc v.v… Ngoài ra, các chùa còn thường xuyên mở lớp dạy chữ Khmer và kinh kệ, Phật pháp cho các em nhỏ, giúp các em trở thành người người hữu ích cho xã hội, hiểu rõ hơn về nguồn cội dân tộc mình, nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc Khmer”- ông Thạch Da cho biết thêm.

Ông Thạch Da (thứ hai từ trái sang), À char chùa SôVanhNihKroth Chrêy Phê, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

Ông Thạch Da (thứ hai từ trái sang), À char chùa SôVanhNihKroth Chrêy Phê, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

Do là nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng nên chùa Khmer cũng là địa điểm thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con chấp hành những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Về điều này, Thượng tọa Dương Văn Na, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh khẳng định: "Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, ngoài thuyết pháp, giảng về đạo lý nhà Phật, các vị sư sãi, À char còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tư vấn, định hướng bà con làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước; tránh xa những thói hư, tật xấu. Phổ biến các chính sách mới đối với đồng bào dân tộc, hay nâng cao nhận thức của bà trong việc được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nhưng tránh xa việc mê tín dị đoan, không tin mù quáng để bị kẻ xấu lợi dụng…”

Lớp học chữ Pali ở chùa Khươne, phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Lớp học chữ Pali ở chùa Khươne, phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 446 ngôi chùa Khmer. Mỗi chùa có một vẻ đẹp và không gian quy hoạch khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là lối kiến trúc, hoa văn không lẫn vào đâu so với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác. Đa số các ngôi chùa Khmer hiện nay được xây dựng khá khang trang từ nguồn đóng góp của các phật tử, bà con gần xa. Qua đó cho thấy, “Ngôi chùa” là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc của dân tộc Khmer, chiếm một vị thế vững chắc trong tâm thức và đời sống của bà con từ bao đời nay và mãi mãi về sau.

Ngọc Tươi/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ngoi-chua-trong-doi-song-van-hoa-dong-bao-khmer-post1120994.vov