Nhớ ngày về tiếp quản Thủ đô
Sau thắng lợi của Hiệp định Geneva, Trung đoàn Thủ Đô được nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đôHà Nội thân yêu. Tiểu đoàn 54 – Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô) tiến về hướng cửa ô Cầu Giấy. Suốt dọc đường, người dân đứng đông như nêm đón chào các anh bộ đội Cụ Hồ.
70 năm trước, Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 của chúng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Lúc đó tôi mới 22 tuổi là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269 - tiểu đoàn 54 - trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô), Đại đoàn 308.
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Trung đoàn Thủ Đô năm xưa, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau thắng lợi của Hiệp định Geneva, Trung đoàn Thủ Đô được nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ Đô thân yêu.
Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ hầu như không ai có được một bức thư của gia đình, của người thân.
Nhân dân ở chiến khu Việt Bắc như những người cha, người mẹ, anh em chị ruột thịt đã chăm sóc các chiến sĩ bộ đội.
Cảnh núi rừng đã ăn sâu vào tâm hồn các chiến sĩ. Nay về quê hương, chốn đồng bằng, thành thị không khỏi chạnh lòng, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những năm tháng đầy gian nan, vất vả và vô cùng gắn bó máu thịt không thể nào quên với chiến khu Việt Bắc.
Trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công ở khu vực đồi trọc Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Đất nước đang từ chiến tranh chuyển sang không khí hòa bình. Một không khí mới lạ đến ngỡ ngàng với mọi người.
Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn tập trung về đây. Hàng trăm nghìn người dân của vùng tự do và vùng địch tạm chiến của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên cùng nô nức, các ngả đường người đông như trẩy hội kéo nhau về vùng “Trại cờ” đón dự lễ mừng chiến thắng của quân đội.
Chiến sĩ chúng tôi như vỡ òa trong sung sướng vì được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho mỗi người một chiếc huy hiệu chiến thắng Điện Biên Phủ. Ai cũng nâng niu nó và cài trên ngực áo bên trái, bên cạnh trái tim của mình.
Chúng tôi giữ gìn nó suốt cuộc đời và sẽ giữ lại thành vật kỷ niệm cho con cháu mai sau.
Nhân dân cả vùng tự do và địch hậu đổ về đây vừa để chào mừng anh bộ đội Cụ Hồ, vừa để tìm người thân sau gần chín năm xa cách.
Có nhiều người gặp được con, cháu, anh, chị em; vợ chồng gặp nhau. Họ ôm lấy nhau khóc như mưa. Cũng có một số người họ cũng khóc thảm thiết vì nhìn thấy anh bộ đội lại nhớ người thân của họ đã hy sinh. Những giọt nước mắt của ngày gặp mặt hạnh phúc, đau thương, đan xen lẫn nhau thật chua xót. Không khí của những ngày hòa bình đã xoa dịu những đau thương đó.
Ban đêm cả vùng đồi lại vang lên tiếng ca hát. Chỗ nào cũng có hoạt động văn nghệ. Có nơi chỉ có một đống củi, ánh lửa bập bùng, dân vây quanh nghe các chiến sĩ múa hát, phổ biến là điệu múa sạp, múa lụa.
Có nơi biểu diễn dưới ánh trăng. Nơi nào sang trọng lắm có được cái đèn măng-sông. Cả một vùng đồi rộng lớn náo nhiệt.
Có một chuyện không ngờ tới đã xảy ra. Một chiến sĩ là diễn viên đang diễn cảnh lao lên đánh bộc phá, tiếng nổ bộc phá “Rầm”, thì đột nhiên có một thiếu phụ đầu chít khăn tang lao lên sân khấu ôm lấy người chiến sĩ, khóc nức nở. Cả hàng nghìn khán giả và diễn viên rất ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì xảy ra. Vở diễn phải ngưng lại đôi phút vì hóa ra chị là vợ của chiến sĩ đang đóng kịch, chị đã nhận được giấy báo tử của chồng hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, nay bỗng phát hiện chồng còn sống. Từ đau thương chuyển thành hạnh phúc.
Ngày 19/9/1954, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân về tiếp quản Hà Nội. Đến Phú Thọ, tại Đền Hùng nhiều cán bộ chiến sĩ của đại đoàn được vinh dự lớn lao nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện.
Tiểu đoàn 54 – Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ Đô) tiến về hướng cửa ô Cầu Giấy. Suốt dọc đường, người dân đứng đông như nêm đón chào các anh bộ đội Cụ Hồ. Đơn vị tạm dừng chân một đêm tại ngã tư Nhổn.
Rất đông người dân nội thành Hà Nội ra tận đây để đón chào các anh bộ đội Cụ Hồ. Tay bắt mặt mừng, cờ hoa tưng bừng rộn rã, mãi đến tận đêm khuya, nhân dân mới về nội thành.
Có một người vợ may mắn đã gặp được chồng, chị ôm chặt lấy chồng mà nước mắt tràn mi, nước mắt đau thương đã kìm nén trong chín năm kháng chiến nay nó được bung ra lan tỏa trở thành nỗi tự hào, vui mừng.
Hàng vạn nhân dân ngoại thành đổ về các phố phường Hà Nội cờ hoa đón chào anh bộ đội Cụ Hồ. Rất nhiều đường phố có hoạt động ca múa đến tận đêm khuya. Riêng ở khu vực chợ Đồng Xuân, bộ đội cùng nhân dân ca hát đến gần sáng.
Trung đoàn Thủ Đô đã tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Chợ Đồng Xuân, Cầu Long Biên và nhiều nơi khác.
Ngày 10/10/1954 đã đi vào lịch sử của Thủ đô Hà Nội, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nho-ngay-ve-tiep-quan-thu-do-post836049.html