Nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà, người đàn ông gặp đoạn kết buồn
Người đàn ông nhờ người quen cắt trĩ cho tại nhà dẫn đến co giật và phải thở máy.
Ngày 18/10, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 53 tuổi nhập viện trong tình trạng co giật, cứng hàm, được chẩn đoán mắc uốn ván.
Được biết bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi nhập viện một tuần, bệnh nhân nhờ người quen giúp cắt trĩ tại nhà.
Tuy nhiên sau khi cắt trĩ xong, tình trạng không nhẹ đi mà ngược lại nặng thêm.
Bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém, nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván.
Do bệnh tiếp tục trở nặng, người bệnh co giật nên được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván. Hiện bệnh nhân đang phải thở máy.
Theo Bộ Y tế, uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra.
Bệnh có thể gặp ở mọi nơi. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy, sau đó là cơ thân.
Với bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em, bệnh có biểu hiện như co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt, làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”.
Bệnh nhân có thể bị co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương.
Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
Thời gian ủ bệnh uốn ván (từ khi vi khuẩn xâm nhập đến khi biểu hiện triệu chứng) là từ 3 ngày đến 1 tháng, cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương.
Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày.
Các vết thương bị nhiễm bẩn nặng, thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu hơn. Đây là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin với chi phí khá thấp.
Dưới đây là những điều nên và không nên làm khi bị thương:
- Với vết thương hở, cần rửa dưới vòi nước sạch và xà phòng.
- Với vết thương hở, cần rửa dưới vòi nước sạch và xà phòng.
- Không bôi bất cứ gì lên vết thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng như nước mắm, kem đánh răng… Vi khuẩn trong các chất đó sẽ xâm nhập vào vết thương tạo nguy cơ nhiễm trùng và áp-xe tổn thương.