Nhớ những ngày nghe dân nói
Đà Nẵng chiều cuối năm, thành phố đang hối hả chuyển mình trước vận hội mới. Hòa trong dòng chảy nô nức đó có một người 'thuộc về lịch sử' đang ở tuổi tám mươi cười rạng rỡ khi nhớ về những tháng ngày xưa cũ. Bà là Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Kim Thanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Dân vận TP Đà Nẵng, hiện trú tại số 58 Lê Duẩn (quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Lúc này tuổi đã cao nên bà xin ở lại Đà Nẵng, được phân công làm Phó ban Thường trực Ban Dân vận thành phố.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh giữ nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, dạn dày kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà cũng có hơn 10 năm làm công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. “Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là những năm đầu thành phố Đà Nẵng “ra riêng”, có nhiều chủ trương mới, chính sách mới mở cửa, nhiều công trình, dự án được mở ra. “Tiếng nói, bàn tay dân vận” vì thế càng trở nên cần thiết để nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu, “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”, bà Hồ Thị Kim Thanh nhớ lại. Theo dòng hồi tưởng của bà, kỷ niệm sâu sắc mà bà thường nhắc đến khi đứng từ phía Hải Châu nhìn qua sông Hàn sang mạn Sơn Trà là việc vận động di dời xóm “nhà chồ” ven sông. Lúc mới trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa hàng trăm hộ dân sống tạm bợ trên dọc sông Hàn thuộc các phường An Hải Bắc, An Hải Tây và Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) thường được gọi là “xóm nhà chồ”.
Đây là một việc rất khó vì bà con lâu nay sống quen với sông nước, có gia đình gắn bó mấy thế hệ dưới mái nhà chồ. Cán bộ xuống vận động, có người còn trả lời: “Tui ở đây quen rồi, lên trên cao nớ lấy chi mà ăn?”. Quyết tâm đưa thành phố có một diện mạo mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trao đổi với bà: “Chị xuống, chị coi thử, nói dân họ đi để mình làm lại cái chỗ bến sông đó cho đẹp chứ thấy nhớp nháp quá”. Sau đó, bà Thanh cùng cán bộ Đảng, chính quyền địa phương xuống khảo sát, xóm “nhà chồ” quả thực rất mất vệ sinh. Muốn vào nhà, bà và tổ công tác phải đi qua mấy cái cầu gỗ được gác tạm bợ từ bờ sông ra mép nhà. “Nhiều nhà tôi thấy chỉ rộng khoảng trên 20m2 mà có đến 5, 6 người ở. Ăn uống, vệ sinh cũng trên cái sàn đó, rồi tất cả đều cho hết xuống sông”, bà Thanh nhớ lại. Từ khi có chủ trương vận động giải tỏa, ngày nào bà cũng cùng với cán bộ địa phương xuống thăm các gia đình.
Lúc đầu, nghe bà vận động di dời về chỗ mới đàng hoàng hơn theo quy hoạch của thành phố thì nhiều gia đình đã đồng tình nhưng cũng có không ít gia đình không muốn đi. Đoàn công tác của bà kiên trì suốt khoảng một tháng “rỉ rả, nhỏ to” giúp bà con đã hiểu ra, vui vẻ di dời để nhường cho lại cho dự án phát triển thành phố. Đến năm 2005, dãy nhà lúp xúp bên sông Hàn đã được thay thế bằng một khu đô thị khang trang, hiện đại. Câu ca xưa: “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá. Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn phố xá thênh thang” đã trở thành dĩ vãng. Bà Hồ Thị Kim Thanh bồi hồi tâm sự: “Giờ đây nhìn lại bên kia sông Hàn, nơi xóm “nhà chồ” trước kia đã là khu vực phát triển sầm uất, nơi diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế bên bờ sông Hàn thơ mộng, tôi cảm thấy thanh thản hơn khi nơi đó mình đã từng có thời gian sẻ chia tình cảm để vận động bà con lên bờ về nơi ở mới”.
Một trong những dấu ấn về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đầu trực thuộc Trung ương là việc xây dựng cầu quay sông Hàn “nối liền hai bờ vui”. Trước ngày khởi công, “bàn tay, tiếng nói” của công tác dân vận đã tiên phong về với dân để nghe dân nói. Tuy nhiên, vận động người dân di dời để làm cầu sông Hàn cũng không kém phần vất vả, nhất là những gia đình có ghe thuyền sinh sống trên sông. Khi nghe chủ trương thành phố xây cầu, nhiều người đã băn khoăn lo lắng: “Tôi đưa đò kiếm sống từ nhiều đời nay. Chừ làm cầu thì coi như mất nghề làm ăn, gia đình sẽ đói”.
Bà Hồ Thị Kim Thanh được sinh ra từ xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) nên bà rất hiểu tâm trạng của người dân vạn chài. Không quản ngại thời gian, bà trực tiếp cùng cán bộ địa phương xuống thăm hỏi từng gia đình, tìm hiểu nguyện vọng của bà con. Trong các buổi chuyện trò, bà động viên mọi người yên tâm, khi có cầu qua sông thì cuộc sống sẽ thay đổi, thành phố sẽ hỗ trợ để bà con có công ăn việc làm. Bà cẩn thận ghi chép những mong muốn chính đáng của ngư dân, sau đó báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Bá Thanh và đề xuất hỗ trợ chuyển đổi việc làm ban đầu cho nhân dân.
“Anh Nguyễn Bá Thanh đồng ý với đề xuất của tôi và hẹn ngày trực tiếp xuống gặp bà con. Trong thời gian làm cầu, ai có ghe thuyền vẫn tiếp tục đưa đò qua sông”, bà Hồ Thị Kim Thanh kể. Tuy nhiên, mặc dù chấp hành chủ trương, thuận tình để thành phố xây cầu nhưng khi chiếc cầu quay sông Hàn vừa khánh thành, nhiều người đã đấu tranh để được hỗ trợ tiền mất việc đưa đò. Ngay sau đó, cán bộ lãnh đạo thành phố xuống họp các gia đình làm nghề đưa đò chở khách sang sông để xác định mức hỗ trợ thích hợp. Bà Thanh cười nhớ lại: “Lúc đầu, thành phố đưa ra mức hỗ trợ chung là 1,5 triệu đồng/đò. Nhiều gia đình có đò lớn không chịu, đến nỗi anh Bá Thanh phải nói: “Cầu xây xong rồi, chừ ai muốn đập cầu để chèo đò?”. Bà con ai nấy đều im lặng. Thật ra lúc đó anh giận thì nói thế thôi chứ sau đó anh đồng ý hỗ trợ cho mỗi chiếc thuyền nhỏ chở từ 2 đến 5 người là 1,5 triệu đồng, thuyền lớn hơn chở từ 5 đến 15 người thì hỗ trợ 3 triệu đồng. Hồi đó, 3 triệu đồng là lớn lắm nên bà con mừng quá chừng”.
Những câu chuyện về công tác dân vận chỉ là một phần nửa sau cuộc đời của Anh hùng lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh, người cán bộ đã “sống trong lòng dân” từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 2000, khi đã 57 tuổi, bà Hồ Thị Kim Thanh mới có quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, ngọn lửa nhiệt tình trong trái tim người nữ anh hùng vẫn rực cháy nên bà không “nghỉ” như Nhà nước cho phép mà tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Nhiều năm liền sau đó, bà Hồ Thị Kim Thanh làm Bí thư Chi bộ Khối phố 10, Khối phố 13 (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), Bí thư Chi bộ 25, phường Hải Châu I, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường Hải Châu I (Hải Châu, Đà Nẵng). Bà nhớ những năm tháng chiến tranh, nhiều chị em phụ nữ Khu 5 đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi xuân cho cách mạng. Do đó, tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn nhận làm Trưởng Ban liên lạc Phụ nữ Khu 5 để vận động chị em cùng ngồi lại với nhau, kể về một thời: “Miền Nam ơi! Có đêm nào ngủ được/ Lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình”.