Nhớ những ngày xây Lăng Bác

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu (79 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhớ mãi về những tháng ngày đóng góp công sức, trí tuệ cùng đồng đội xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những tháng ngày mà từ người thợ cho đến kỹ sư... không chỉ làm việc bằng đôi tay, khối óc, mà bằng cả trái tim dành cho Bác Hồ kính yêu.

Những tháng ngày không quên

Trong tâm trí của mỗi người con đất Việt, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình kiến trúc uy nghi, mà còn là biểu tượng của tấm lòng thành kính đối với người cha già kính yêu của dân tộc. Hơn 52 năm qua, với những người đã từng tham gia xây dựng Lăng Bác, ký ức và cảm xúc vẫn còn đọng mãi. Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu kể lại, tháng 6/1971, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi tham gia quân đội và nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật Nhà máy Zl ở tỉnh Yên Bái, thuộc Cục Quân giới (Tổng cục Hậu cần). “Đó là nhà máy chuyên sản xuất vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đây là lần đầu tôi biết đến “Lò tôi cao tần” có chức năng tôi luyện rãnh khương tuyến của nòng súng AK, RPD, CKC... Từ tháng 10/1971 đến tháng 1/1972, tôi được Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cử đi học bồi dưỡng quân sự - chính trị, là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau khi tốt nghiệp, tôi được Bộ phong quân hàm chuẩn úy”, ông Hiệu cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh giữ gìn cẩn thận những kỷ vật về quá trình xây dựng Lăng Bác, trong đó có Bằng khen do Ban phụ trách xây dựng Lăng tặng.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh giữ gìn cẩn thận những kỷ vật về quá trình xây dựng Lăng Bác, trong đó có Bằng khen do Ban phụ trách xây dựng Lăng tặng.

Tháng 5/1972, ông Nguyễn Kim Hiệu được điều chuyển về làm chuyên viên kỹ thuật Trung đoàn 259B thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, để góp phần chuẩn bị công tác xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1972, ông trực tiếp tham gia nhiệm vụ giải tỏa giao thông từ ga Gia Lâm đến ga Giáp Bát, phá dỡ bom mìn nổ chậm, thông đường cho các đoàn tàu chở người dân và hàng hóa về quê đón Tết. "Nhiệm vụ lúc ấy rất vất vả, nguy hiểm. Tôi được giao nhiệm vụ điều hành đội xe cơ giới kỹ thuật gồm máy đào, máy xúc, máy ủi. Lúc đầu, tôi thấy hồi hộp và lo lắng, nhưng tất cả rồi cũng dần dần trôi qua. Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy người dân hồ hởi, hò reo khi những đoàn tàu xình xịch đưa người dân về quê ăn Tết, chạy từ từ lướt qua trước mắt. Thật là hạnh phúc!", ông Hiệu nhớ lại.

Nhiệm vụ thiêng liêng

Từ tháng 3/1973 đến tháng 10/1978, ông Nguyễn Kim Hiệu cùng với đồng đội tham gia thực hiện các phần việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hiệu kể, quãng thời gian ấy tôi vinh dự được tham gia vào công tác thiết kế, lắp đặt, vận hành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chức danh là Đội phó, rồi Đội trưởng Đội Điện và Tự động, thuộc Đoàn Lắp máy 195 (Bộ Tư lệnh Công binh). Đoàn Lắp máy 195 sau này được biên chế trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đội Điện và Tự động của chúng tôi đã lập nhiều thành tích xuất sắc, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là thời điểm ấy tôi làm Bí thư Chi đoàn Đội Điện và Tự động, vinh dự được thay mặt chi đoàn báo cáo thành tích tại Đại hội Quyết thắng Binh chủng Công binh và Hội nghị các chi đoàn xuất sắc nhất toàn quân tại Hải Phòng. Chi đoàn được tuyên dương là Chi đoàn xuất sắc nhất toàn quân, nhận cờ Quyết thắng và được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng một tủ sách.

Lễ thượng cờ tại Lăng Bác.

Lễ thượng cờ tại Lăng Bác.

Trong khoảng thời gian này, ông Hiệu cùng đồng đội còn tham gia phục dựng nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Ông Hiệu cho hay, khi phục dựng Nhà sàn Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng yêu cầu chúng tôi làm giống như ngôi nhà sàn cũ của Bác và chúng tôi đã làm được. Mỗi chiến sĩ, sĩ quan tham gia phục dựng đều được bác Phạm Văn Đồng tặng Huy hiệu Bác Hồ, thật là một vinh dự hiếm có trong đời.

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh nên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, với ý chí, lòng quyết tâm sắt đá, toàn bộ lực lượng đã vượt qua mọi thử thách, thực hiện nhiệm vụ với tâm huyết, nỗ lực cao. Những ngày tháng ấy, dù rất bận rộn với công việc xây dựng Lăng Bác, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Kim Hiệu vẫn giữ thói quen viết nhật ký, vừa để lưu giữ kỷ niệm, vừa là động viên, khích lệ bản thân. “Công việc lắp ống đang bước vào những ngày tháng dồn dập, làm cả ca 3. Mấy ngày hôm nay, lắp chiếu sáng ở tiền sảnh đã có 3 tổ nhảy vào cho đến ngày hôm nay mới tạm ổn. Khó khăn về mặt bằng thi công vẫn còn nhiều, chắc là tháng 1 vẫn phải còn triển khai lắp nữa. Ta đã say sưa miệt mài với công việc không kể ngày đêm vì sự hoàn thành tốt của công trình. Ta đã thuộc lòng từng căn phòng, từng đường ống, từng vị trí của những tủ bảng thiết bị. Mỗi ngày lại đổi thay, mỗi ngày lại thêm một cái mới...” (trích nhật ký của ông Nguyễn Kim Hiệu viết vào ngày 24/12/1974, khi đang tham gia lắp đặt thiết bị điện trong Lăng Bác).

Từ tháng 5 - 9/1975, để kịp phục vụ Lễ Quốc khánh 2/9, đón cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước vào viếng Lăng Bác, các lực lượng làm việc tăng lên 2 ca mỗi ngày. Dẫu vất vả, song ai nấy cũng đều cảm thấy phấn khởi và xúc động; làm việc quên cả mệt nhọc. Và rồi, công trình lịch sử cũng hoàn thành về đích đúng hẹn. Mọi người đón thi hài Bác về Ba Đình nằm trong Lăng. “Lòng chúng tôi dâng trào niềm tự hào bất tận khi ngắm nhìn những hình ảnh hào hùng của dân tộc. Đó là những đoàn quân hùng dũng, đội ngũ chỉnh tề; những đoàn người bước đều theo khối xếp hàng hình chữ nhật. Họ là cán bộ, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên diễu hành qua lễ đài”, ông Hiệu chia sẻ.

Bao năm trôi qua, ông Hiệu vẫn còn giữ cẩn thận những kỷ vật trong quá trình xây dựng Lăng Bác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác, ông được Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Tấm Bằng khen được ông treo trang trọng tại khu vực phòng sách của gia đình. Ông vẫn còn gìn giữ tấm thẻ Giấy chứng nhận là Đội phó Đội Điện 259B, công tác tại đơn vị CQ195 do Ban Bảo vệ Lăng Bác cấp ngày 2/9/1973. Điều đặc biệt đó là trên tấm thẻ này có ký hiệu 2 chữ A in chìm dành cho những người đảm nhận vị trí đặc biệt trong quá trình xây dựng Lăng Bác. “Đó là những tháng ngày vinh dự được đảm nhận, thực hiện trách nhiệm lớn lao, áp lực, nhưng rất ý nghĩa, tự hào. Đó là kỷ niệm đẹp, xúc động không chỉ của bản thân tôi, mà còn của cả gia đình, quê hương”, ông Nguyễn Kim Hiệu xúc động nói.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/nho-nhung-ngay-xay-lang-bac-fc202b6/