Nho Quan: Hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Nho Quan là huyện miền núi với đặc trưng 3 vùng sản xuất rõ rệt là vùng đồi núi cao, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng chiêm trũng. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, qua đó từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết phát triển sản xuất có hợp đồng tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh
Đồng chí Nguyễn Cao Các, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Với định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của vùng, đến nay Nho Quan đã quy hoạch vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ...; chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu. Vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm. Cùng với đó, một số xã đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như vùng chuyên canh cây công nghiệp (sắn, mía, dứa) ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng khoai sọ Yên Quang, nuôi thủy sản ở xã Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Văn Phú...
Hiện nay diện tích cây lương thực có hạt giảm dần qua các năm do biến động về diện tích đất canh tác, tuy nhiên, tổng sản lượng cây lương thực có hạt bình quân hàng năm luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Ngoài việc duy trì diện tích trồng cây có hạt đảm bảo an ninh lương thực, các xã đã chủ động việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau củ quả, cây làm thức ăn chăn nuôi hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.
Các xã vùng chiêm trũng đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, diện tích lúa vùng trũng. Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm tăng dần và theo hướng chuyên canh, bán chuyên canh, tập trung vào giống thủy sản nước ngọt truyền thống như: cá trắm, chép, trôi.... Chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân chú trọng chất lượng giống đầu vào, cải tiến quy trình nuôi, phòng trừ dịch bệnh; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn. Theo đánh giá của huyện, các diện tích sau khi chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa ở vụ mùa.
Đối với các xã miền núi, vùng cao cũng đã thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cây dổi xanh, cây bùi, cây lát xoan, cây sưa đỏ... Mô hình trồng rừng kết hợp với trồng xen canh cây dược liệu dưới tán hoặc phát triển con nuôi đặc sản như: ong mật, gà thả đồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với phương thức sản xuất cũ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Nho Quan đã và đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chú trọng công tác cải tạo đàn giống, cải tiến quy trình nuôi, giám sát và phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Hiện nay, phương thức chăn nuôi truyền thống đang được chuyển dần sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với các con nuôi chủ lực như: gia súc (trâu, bò, lợn, dê), gia cầm, thủy cầm. Các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với thế mạnh của từng địa phương tiếp tục được huyện chỉ đạo phát triển nhân rộng theo mô hình kinh tế gia trại, với các con nuôi đặc sản như: hươu, nai, ong, lợn bản địa, dê.
Ngoài ra, huyện Nho Quan cũng thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi nhằm phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng vùng và phù hợp với nhu cầu định hướng thị trường, trên cơ sở đó từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, bền vững...
Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ
Có thể nói thành công lớn nhất trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Nho Quan chính là việc liên kết tổ chức sản xuất. Huyện ban hành hướng dẫn tích tụ ruộng đất, khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất bằng các hình thức khác nhau như: liên kết theo nhóm hộ, dồn đổi đất cho nhau hoặc cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn theo quy định để hình thành các ô thửa lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc áp dụng cơ giới hóa, từ đó làm giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thông qua các hình thức liên kết sản xuất, đến nay toàn huyện có 60 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó: có 10 trang trại tổng hợp, 1 trang trại trồng trọt, quy mô diện tích của các trang trại, gia trại tối thiểu từ 1 ha trở lên, cá biệt có trang trại quy mô diện tích lên tới 20 ha. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 1 ha đất canh tác của các mô hình tích tụ bình quân đạt từ 140-250 triệu đồng. Đối với lĩnh vực thủy sản đã thành lập được 3 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Các HTX, tổ hợp tác sau khi thành lập đã phát huy được tính ưu việt của hoạt động kinh tế tập thể và là cơ sở để nhân rộng mô hình sản xuất.
Huyện đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có cơ chế hỗ trợ sản xuất nhất là hỗ trợ cho các mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại, gia trại hoạt động sản xuất có hiệu quả; gắn sản xuất với chế biến và thị trường, đặc biệt là thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích "4 nhà". Khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; tăng cường công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật.
Mặt khác, để các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa được duy trì và phát triển bền vững, huyện Nho Quan đã đẩy mạnh các hoạt động bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời xây dựng thương hiệu hàng hóa, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá giới thiệu ra thị trường. Hiện nay các sản phẩm chủ lực của huyện đã được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến và có nhu cầu tiêu thụ cao như: lúa nếp hạt cau Kỳ Phú; khoai sọ Yên Quang; na trái vụ, dứa Phú Long; rau cần Lạc Vân; trà hoa vàng Gia Lâm, ổi Đồng Phong. Các sản phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hộ gia đình thông qua cầu nối là các HTX hoặc tổ hợp tác, từ đó sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định, nông dân yên tâm sản xuất.