Nhớ rừng
Còn đúng 10 ngày nữa là Tết Nhâm Dần, gợi tôi nhớ đến bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ viết về con hổ. Hồi học tiểu học ở miền Nam trước năm 1975, thầy giáo cho bọn tôi chép bài thơ vào vở học thuộc lòng, sau này nhớ mãi. Đến khi học sư phạm ra trường, với công tác chuyên môn, tôi gặp lại bài thơ Nhớ rừng trong sách Ngữ văn lớp 8 trung học cơ sở.
Thơ và sách giáo khoa
Những bài thơ đưa vào chương trình – sách giáo khoa (SGK), từng thế hệ học sinh phổ thông ai cũng biết, không chỉ biết mà còn yêu cầu học thuộc, vì thế tác phẩm có cơ hội sống với thời gian. Nhiều nhà văn, nhà thơ khi còn sống thấy tác phẩm của mình được chọn đưa vào SGK đều rất hãnh diện. Tuy nhiên, còn tùy vào năng lực người biên soạn sách, nếu chọn được tác phẩm hay đến với học trò là điều may mắn cho tuổi trẻ, còn chọn tác phẩm xoàng để bắt học sinh học là điều vô phúc của giáo dục. Tất nhiên những tác phẩm xoàng trước sau cũng bị loại. Tôi nhớ vừa qua, người soạn sách chọn bài thơ quá xoàng đưa vào SGK bị công chúng phản ứng phê phán, tác giả bài thơ ấy lại không biết mình là ai nên có những lời lẽ bất kính (hổn) với độc giả. Cần nói thêm, nhiều tác phẩm không đưa vào SGK, nhưng vẫn đi vào lòng người và sống với thời gian. Bài Nhớ rừng của Thế Lữ, khi viết chắc ông không nghĩ thơ mình được đưa vào SGK, nhưng nó đã đi vào chương trình phổ thông với tư thế đàng hoàng. Suốt thời gian qua, ngoài việc thầy cô bình giảng bài thơ trên lớp, còn rất nhiều người đã viết bài phân tích thẩm bình. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã xếp nhà thơ Thế Lữ ở vị trí thứ 2 trong “đội ngũ” những nhà thơ mới, chỉ sau Tản Đà, đặt bài Nhớ rừng lên hàng đầu những bài thơ tuyển chọn của Thế Lữ và cảm nhận: “Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”.
Xuất xứ bài thơ, Thế Lữ kể: “Tôi làm một chân chữa bài in trong báo Volonté Indochinoise (Ý muốn của Ðông Dương) ở phố Cửa Bắc, từ nhà tôi ở, muốn đến tòa soạn, phải qua đường Ngọc Hà, thành ra qua vườn Bách Thảo. Chính vì qua vườn Bách Thảo mà nảy ra bài “Nhớ rừng”. Một trưa hè, ngồi nghỉ ở vườn, tôi nghe tiếng người làm vườn uể oải kéo lê bước chân trên đường sỏi, nghe ghê người lắm. Tôi nghĩ con hổ bị giam trong này thì buồn biết bao nhiêu. Bỗng nảy ra tứ một câu thơ đùa: “chú nó trong nắng hè uể oải, cũng không buồn thương nhớ cảnh rừng xa”. Nhưng sau đó tôi chuyển sang tứ là thương nhớ rừng. Khi đã nảy ra tứ nhớ rừng thì bài thơ đến rất nhanh, từ sáng đến trưa là xong, không phải sửa chữa gì lắm.” (Văn Nghệ, số tết 1984). Tứ thơ chuyển sang “thương nhớ rừng”, “chúa tể muôn loài” kiêu hãnh nhớ về thời tự do tung hoành lừng lẫy.
Hoang dã tiệc rừng
Ấn tượng nhất của tôi khi đọc bài thơ là sự nuối tiếc của chúa sơn lâm về những “bữa tiệc máu” với không gian dữ dội mà đầy chất thơ: “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?/ Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,/ Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?/ Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,/ Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?/ Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng./ Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,/ Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?/ - Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”. Hoạt động của chúa sơn lâm có những ngày thơ mộng khi ngắm cảnh “bình minh cây xanh nắng gội”, cùng những “ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” và trong giấc ngủ với tiếng nhạc rừng chim chóc tấu lên. Rồi những chiều “đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” – bài thơ in lần đầu tác giả viết “đợi tắt”, nhưng sau sửa lại “đợi chết” nghe nó rờn rợn hợp với không gian tràn ngập máu me, để bóng đêm trùm xuống, mở ra thế giới núi rừng hoang dã đầy “bí mật”. Thật ghê rợn với những “bữa tiệc máu”, nhưng với hổ là sự hứng khởi thỏa thê ngon lành và tràn đầy thơ mộng, trong những đêm trăng dát vàng xuống bờ bãi rừng hoang, tư thế đường hoàng “đứng uống ánh trăng tan” – ánh trăng vỡ ra dưới dòng nước suối, chẳng khác nào đế vương chễm chệ uống rượu lúc “say mồi” nơi cung điện. Sang trọng mà dữ dội làm sao khi tắm mình trong không gian “lênh láng máu sau rừng”. Với tư thế oai linh rừng thẳm, lúc “mắt thần khi đã quắc,/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi”, thế mà bây giờ bị nhốt trong “củi sắt”, “nằm dài” để làm “đồ chơi” “lạ mắt” cho người qua lại, đến bữa người ta ném cho miếng thịt cầm hơi, không gì nhục nhã cho bằng người hùng khi mất tự do, làm sao mà không uất ức, tủi hờn, không nhớ thương, tiếc nuối, thở than, “Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”.
Hy vọng bước sang năm Nhâm Dần 2022, dự đoán rằng mãnh hổ sẽ giã từ “củi sắt”, thoát khỏi hiểm nghèo, với bước chân “dõng dạc, đường hoàng”, về với “cảnh nước non hùng vĩ!”, mở ra một thế giới không còn mộng mơ mà là một hiện thực sáng tươi.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-rung-94755.html