Nhớ tết ở Phú Quý

Mỗi tết đến xuân về tôi đều nhớ đến Phú Quý.

Tôi có 4 cái tết ở huyện đảo (những năm 1991-1995). Lúc đó tôi 28 tuổi, thượng úy, đại đội trưởng, phải đảm đương bao việc trước, trong và sau tết của đơn vị trong hoàn cảnh thiếu hụt nhiều bề, nên ý thức rất rõ: Biến mọi khó khăn thành thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ và đón tết vui tươi.

Tết ở đâu cũng khác ngày thường, huyện đảo cũng tất bật, rộn ràng đón tết. Các đơn vị bộ đội luôn chủ động trong tay kế hoạch hậu cần, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu ngày tết, các mốc thời gian đều tỉ mỉ từ các ngày 30, mồng một, mồng hai, mồng ba để cụ thể việc tổ chức ăn tết và duy trì thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Kế hoạch nào cũng viết tay. Đơn vị của tôi cũng như các đơn vị trực thuộc huyện đội ngày đó chưa có điện. Đêm đến, sinh hoạt học tập của cán bộ, chiến sĩ chỉ với đèn măng sông, đèn hột vịt. Cho nên lửa củi nấu bánh chưng bánh tét trở thành thứ ánh sáng đặc biệt. Đêm ấy như tưng bừng hơn, khác hẳn nhiều đêm leo lét. Nhưng cũng chỉ một đêm thôi, vì dè sẻn, tiết kiệm chất đốt. Phú Quý nghiêm cấm chặt phá cây rừng làm củi, chất đốt phải mang từ đất liền ra đảo, rất tốn kém.

Tôi chọn nấu bánh chưng bánh tét vào đêm 30. Đơn vị được một đêm “lửa trại” để văn nghệ, hái hoa dân chủ và đón giao thừa. Gọi là đón giao thừa nhưng chỉ đến 22 giờ cán bộ, chiến sĩ phải đi ngủ để luân phiên tuần tra canh gác và đun nấu bánh. Đêm về sáng ở đảo thật mát mẻ và yên bình. Biển mấy ngày tết cũng êm ả hơn các ngày trước đó. Những cơn bấc đã dịu dần. Tiếng sóng đã bớt ầm ĩ. Xa xa vẫn lấp lánh ánh đèn của tàu ghe đánh bắt. Thưa thớt hơn ngày thường song vẫn rõ ràng là biển thức. Thức với ngư dân tranh thủ hái lộc đầu năm, đón giao thừa cùng với sóng nước lấp lánh biển vàng cá bạc.

Nhớ một thời trẻ trung của mình tôi càng nhớ thương Phú Quý. Như thương nhớ quê hương mình, cũng một thời ấu thơ gian khó. “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” là vậy. Phú Quý đã đùm bọc, nâng bước chân tôi trên đường đời mà mỗi trải nghiệm là nấc thang vươn tới. Càng thiếu hụt, khó khăn càng nung nấu vươn lên.

Tôi nghĩ mình sẽ sớm trở lại thăm Phú Quý sau 29 năm xa cách. Để tận mắt nhìn thấy sự thay da đổi thịt của Phú Quý. Tôi sẽ đi hết cung đường liên xã trên đảo, hiện đã 100% nhựa và bê tông vững chãi, không còn là đường đất sụt lún như ngày đó. Tôi sẽ đến thăm các đơn vị, các gia đình mà tôi từng quen biết để chia sẻ mừng vui này với người dân cũng như đồng chí đồng đội của tôi đang ở đảo. Tôi được trở lại hành trình rời bến tàu Phan Thiết xa khơi (thời điểm đó là tàu gỗ, đi 7- 8 tiếng đồng hồ mới đến nơi) được nhìn thấy ở phía đường chân trời nổi lên cái bát úp, lớn dần lên như cái nón cối úp, nửa giờ sau là trọn vẹn hình hài của Phú Quý được viền xung quanh chi chít ghe thuyền đánh cá tựa như những chiếc hài trong cổ tích. Hình ảnh ấy thật đẹp, nó ăn sâu trong tâm trí của tôi.

Rồi tôi sẽ đặt chân lên góc đảo thôn Ngũ Phụng, nơi đơn vị cũ đứng chân, tìm lại cảm xúc của một thời trẻ trung thiếu hụt, vất vả nhưng đầy quyết tâm vượt khó; tìm lại niềm vui đến phát khóc trong đêm đầu tiên đơn vị sáng rực ánh đèn nê - ông. Và không giấu lòng tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ - anh Bộ đội Cụ Hồ như bao chiến sĩ hiện nay đang cống hiến hy sinh canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc - những con người luôn thầm lặng sống, chiến đấu trong kỷ cương - nề nếp - thói quen: Không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Chắc chắn rồi, tôi sẽ sớm về thăm Phú Quý, miền đất nhiều thương nhớ.

THẢO LIÊM

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-tet-o-phu-quy-127094.html